Tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" của Hồng Công ngày 9/5 cho biết hôm 7/5 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu kiến Đại biện lâm thời Philíppin tại Bắc Kinh Alex Chua và đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về sự kiện Bãi đá ngầm Scarborough (Philíppin gọi là Bãi đá ngầm Panatag, Trung Quốc gọi là Bãi đã ngầm Hoàng Nham). Đây là lần thứ ba trong vòng một tháng, bà Phó Oánh triệu kiến ông Alex Chua. 

Tại cuộc gặp hôm 7/5, bà Phó Oánh nói: “Rõ ràng là phía Philíppin đã không nhận ra được rằng mình đang phạm sai lầm nghiêm trọng, ngược lại còn có hành động làm căng thẳng leo thang” và “phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng đáp trả bất cứ sự leo thang căng thẳng nào gây ra bởi phía Philíppin”. Đây được coi là tuyên bố cứng rắn nhất của phía Trung Quốc liên quan tới sự kiện đối đầu giữa nước này và Philíppin tại Scarborough kéo dài một tháng nay. 

Điều đáng chú ý là nó được tiếp nối bởi một bài bình luận với những ngôn từ mạnh mẽ đăng trên tờ "Nhân dân Nhật báo" bản phát hành ở nước ngoài vào ngày hôm qua (8/5). Bài bình luận viết: “Mặc dù Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để giải quyết căng thẳng qua con đường ngoại giao…, nhưng thiện ý sẽ hết khi ai đó đã làm tất cả những gì để tròn bổn phận và không cần phải khoan dung thêm nữa khi mà tình hình không nên được hưởng sự khoan dung”. Việc này đã làm gia tăng những đồn đoán về việc Trung Quốc sử dụng biện pháp mạnh đối với Philíppin, nhất là khi mới đây Trung tâm Điều tra Tình hình Dư luận Hoàn Cầu thuộc "Thời báo Hoàn Cầu" công bố kết quả điều tra cho thấy có gần 80% số người được hỏi ủng hộ việc sử dụng hành động quân sự đáp trả những khiêu khích và xâm phạm tại Biển Đông. 

Trong một diễn biến liên quan, Giáo sư Chu Vĩnh Sinh thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc được tờ "Minh báo" của Hồng Công ngày 9/5 dẫn lời cho rằng nếu (Trung Quốc) bị ép phải ra đòn đánh trả, phạm vi sẽ không chỉ bó hẹp ở Scarborough, tất cả những hòn đảo khác mà phía Philíppin chiếm giữ có thể thu hồi sẽ được thu hồi toàn bộ. Và sự kiện đối đầu ở Scarborough nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Một khi Trung Quốc đã xác nhận rằng bãi đã ngầm Scarborough thuộc về Trung Quốc, cần cử lực lượng vũ trang trực tiếp chiếm lĩnh, xây dựng căn cứ trên đó, hình thành “mô hình Hoàng Nham” trong vấn đề Biển Đông để giải quyết tranh chấp các đảo khác tại Biển Đông. 

Theo Giáo sư Chu Vĩnh Sinh, “mô hình Hoàng Nham” chính là việc Trung Quốc trực tiếp đưa lực lượng vũ trang chiếm lĩnh các đảo thuộc về Trung Quốc, “đứng thẳng lưng thực hiện quyền quản lý thực tế đối với lãnh thổ của Trung Quốc và đưa lực lượng ra đóng giữ”. Việc này cần phải xem quyết tâm của Chính phủ và thời cơ ra sao. Nhưng sự kiện Scarborough rõ ràng “đã tới lúc phải giương cao chính nghĩa và không thể tiếp tục nhượng bộ nữa”. Phát biểu trên tạp chí "Cửa sổ Nam Phong", Phó Tổng thư ký Ủy ban Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc, Thiếu tướng Kiều Lương, thì cho rằng trong xử lý vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh nên học Oasinhtơn: “Ném bom vào sứ quán người ta rồi bảo là nhầm”. 

Theo báo Hồng Công “Văn Hối” ngày 9/5, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh sự kiện đảo Scarborough không ngừng leo thang, Philíppin không đếm xỉa gì tới phản ứng của Trung Quốc, tiếp tục điều tàu thuyền đến khu vực đảo Scarborough, đồng thời không ngừng phát đi những lời lẽ gây hấn khiến quan chức và dân chúng Trung Quốc bất mãn.Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh ngày 8/5 đã lần thứ ba hẹn gặp với Đại biện lâm thời Philíppin tại Trung Quốc, trong công hàm nói rõ Trung Quốc đã làm tốt các công tác chuẩn bị ứng phó với khả năng Philíppin làm to vụ việc… Bắc Kinh một lần nữa hối thúc Philíppin nhanh chóng trở lại con đường đúng đắn. 

Bình luận về sự kiện này, chuyên gia các vấn đề quyền hải dương của Trung Quốc Lí Kim Minh cho biết, việc Philíppin không ngừng khiêu khích Trung Quốc đã vượt qua giới hạn cuối cùng của Bắc Kinh, thái độ của bà Phó Oánh chính là “thông điệp cuối cùng” gửi tới Philíppin. Theo Lí Kim Minh, sở dĩ lần này phía Trung Quốc đưa ra thái độ cứng rắn như vậy chủ yếu là bởi Philíppin không ngừng có những động thái nhỏ, đồng thời lần đầu tiên đã đóng chặt cánh cửa giải quyết vấn đề theo các kênh ngoại giao và hòa bình và việc Philíppin muốn phá hủy vật đánh dấu (chủ quyền) của Trung Quốc trên đảo Scarborough là đã vượt quá giới hạn cuối cùng của Trung Quốc. Nếu như Philíppin tiếp tục không tính tới hậu quả, thúc đẩy sự vụ leo thang thì sẽ không tránh khỏi họa “binh đao súng đạn”. 

Hứa Lợi Bình - Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Philíppin “quá quắt” như hiện nay là vì nước này cho rằng Trung Quốc tạm thời sẽ không áp dụng hành động quân sự tại Biển Đông, song rất rõ ràng là Philíppin đã tính toán sai quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, coi thái độ “vì đại cục” của Trung Quốc thành sự mềm yếu và thỏa hiệp. Hứa Lợi Bình cho rằng nếu Philíppin ép thêm nữa, Trung Quốc không thể không đáp trả, không loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô nhỏ.

Về thái độ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi nói rằng “Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với khả năng Philíppin làm to vụ việc”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh cho biết điều này cho thấy rõ rằng Chính phủ Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó bao gồm cả hành động quân sự đối phó với Philíppin, song Trung Quốc không chủ động áp dụng hành động quân sự vì đây là nguyên tắc cơ bản của ngoại giao Trung Quốc (trong thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc xưa nay chưa từng có tiền lệ sử dụng vũ lực trước). Nhà phân tích này nói: “Tuy Trung Quốc không chủ động áp dụng hành động quân sự, song nếu Philíppin muốn áp dụng hành động quân sự, Trung Quốc khẳng định sẽ đáp trả”. 

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực trước cũng có giới hạn của nó. Theo Thiếu tướng La Viện - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc - trong sự kiện đảo Hoàng Nham, Trung Quốc nhất quán kiên trì thông qua các biện pháp ngoại giao và đàm phán hòa bình để giải quyết, song nếu Philíppin coi sự kiềm chế và nhân nhượng của Trung Quốc là sự mềm yếu có thể ức hiếp, cuối cùng chiến tranh sẽ nổ ra. La Viện nói: “Sự kiện đảo Hoàng Nham xét từ cấp độ chiến lược thì Philíppin đã nổ ‘phát súng đầu tiên’: xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, điều tàu hải quân tới và cho quân lên tàu đánh cá hòng bắt bớ ngư dân Trung Quốc”. 

La Viện cho rằng căn cứ sự phát triển của tình hình, nếu như Philíppin xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gây nguy hại cho ngư dân Trung Quốc, thậm chí là an toàn sinh mạng con người và tài sản của các tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc, Trung Quốc không cần hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc không nổ “phát súng đầu tiên”, Trung Quốc cũng có thể áp dụng một biện pháp quân sự quyết đoán. 

Có thể nói trong việc xử lý sự kiện đối đầu tại đảo Scarborough, Bắc Kinh đã tỏ rõ xu hướng cứng rắn hơn. Dẫu vậy, chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng được tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" dẫn lời vẫn tin rằng vào thời điểm này Trung Quốc không chắc sẽ thực hiện hành động quân sự do sự thúc ép của những mối quan tâm trong nước mà sự thay đổi lãnh đạo là một ví dụ.

Ngoài việc “nhắc nhở” Philippin, Trung Quốc cũng không quên gửi lời “cảnh báo” đến Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/5 có bài xã luận với những lời lẽ chỉ trích, mang tính chất “dằn mặt” Mỹ, nhận định rằng, chính Biển Đông sẽ trở thành viên đá thử vàng cho sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Bài báo cho rằng sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ quân sự Trung Mỹ cần được “tích lũy từng tí” trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những va chạm phức tạp trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cần giảm dần những “hành động lạ”, tăng dần “không gian thích nghi”, đó là nền tảng giúp hai bên tránh hiểu nhầm ý đồ của nhau, tránh phát sinh xung đột. Bài báo nhấn mạnh rằng TQ và Mỹ đều cần định vị chính xác chiến lược của đối phương, Mỹ đừng cho rằng TQ chỉ là kẻ “yêng hùng mới nổi” ở các vùng biển gần bờ.

Trong bối cảnh lợi ích của TQ “rải khắp thiên hạ” thì việc năng lực hải quân TQ ngày càng vươn xa là điều tất yếu. TQ không nên coi việc hiện diện quân sự của Washington ở châu Á là điều gì đó “phi pháp”, ngược lại nên chấp nhận một hiện thực rằng Mỹ là một lực lượng quan trọng ở châu Á từ đó có cách tiếp cận phù hợp. Mỹ, PLP tăng cường quan hệ hợp tác là nhằm “đối đầu” với TQ trên Biển Đông. Nếu như TQ quyết tâm lãnh đạo châu Á và xua đuổi thế lực Mỹ, hoặc nếu như Mỹ tìm cách ngăn chặn sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của TQ bằng mọi giá thì coi như sự tin cậy lẫn nhau về mặt quân sự giữa hai nước trở nên vô vọng. Vấn đề là, cả Mỹ và TQ đều không có ý tưởng này.

Bài báo nhấn mạnh TQ và Mỹ nên tách bạch giữa những cái mà hai bên cần ở Biển Đông với những tranh chấp giữa TQ với VN và PLP. Tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa các quốc gia là một hiện thực. Bài báo còn nhận định rằng các quốc gia láng giềng ở Biển Đông so với TQ chỉ là những quốc gia bé nhỏ, đồng thời, cho rằng TQ kiên quyết không chấp nhận việc Mỹ can dự, hỗ trợ, hợp tác với các quốc gia này ở bất cứ hình thức nào. Bài báo cũng lên giọng “nhắc nhở” Mỹ: Nếu như Mỹ phát đi tín hiệu, bất luận các quốc gia ở Biển Đông làm gì, chỉ cần có sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông thì họ (các nước có tranh chấp chủ quyền) sẽ “trực tiếp xâm phạm” cái gọi là “lợi ích” của TQ, thì đó là đòn đánh vỗ mặt vào quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Lúc đó, dù lãnh đạo cấp cao hai nước Trung - Mỹ có ngồi khách sạn 5 sao giữa thủ đô hai nước mà nói chuyện hợp tác, minh bạch hay gì đi chăng nữa cũng không còn ý nghĩa gì nữa.

Ưu thế quân sự tuyệt đối của Mỹ trên toàn cầu trong một khoảng thời gian dài trước mắt là điều khó có thể thay đổi, nó sẽ được dùng vào việc bảo vệ duy trì sức ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu và ngăn chặn các “dã tâm quân sự” đang lớn dần, thậm chí nó còn được dùng để bảo vệ quan hệ giữa Mỹ với một số nước trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Mỹ không thể trực tiếp can dự vào những tranh chấp trên biển giữa các quốc gia Tây TBD, càng không thể dùng nó để các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông gây hấn với TQ.

Cuối cùng, bài báo kết luận, Biển Đông đang thực sự trở thành viên đá thử vàng thái độ của Mỹ đối với TQ. Sự thiếu đối thoại hay bất cứ hành động nào làm phức tạp tình hình trên Biển Đông của TQ hay Mỹ đều để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Văn Cường (gt)