I.    Cơ sở pháp lý quốc tế về chủ quyền lãnh thổ tại các đảo.

Thời kỳ thế kỷ XV – XVI, theo quan niệm pháp lý quốc tế của phương Tây, chủ quyền lãnh thổ được xác định theo các sắc lệnh của Giáo hoàng. Giai đoạn tiếp đó đến thế kỷ XIX, vì sự đụng chạm quyền lợi giữa các quốc gia nên sắc lệnh này mất dần giá trị thực tế và các cường quốc đã đưa ra thuyết “quyền phát hiện” để dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho quốc gia đầu tiên phát hiện ra.

Sau đó, do yêu cầu của thực tiễn, thuyết quyền phát hiện được bổ sung và thay thế bằng thuyết “chiếm hữu trên danh nghĩa”, tức là quốc gia phát hiện phải để lại dấu vết trên vùng lãnh thổ mà họ đã phát hiện ra. Đến cuối thế kỷ XIX, để khắc phục tình trạng một số quốc gia sử dụng thủ đoạn “tái phát hiện” bằng việc để lại dấu vết (cắm cờ, cột mốc, bia chủ quyền..) lên phần lãnh thổ mà quốc gia khác đã “chiếm hữu trên danh nghĩa”, các luật gia đã yêu cầu quốc gia đó phải có mặt thực tế tại vùng lãnh thổ do mình phát hiện và chiếm hữu trên danh nghĩa. Đó cũng là quan điểm chính thức được đưa ra trong Định ước Berlin năm 1885 - nguyên tắc chiếm hữu thật sự với 4 nội dung: (1) Việc xác lập chủ quyền phải do nhà nước tiến hành; (2) Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên vùng lãnh thổ vô chủ; (3) Quốc gia chiếm hữu phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu; (4) Việc thực hiện chủ quyền phải diễn ra liên tục trên vùng lãnh thổ đó.

Ngày 10.9.1919 Công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì lý do trên thế giới lúc này không còn lãnh thổ vô chủ nữa. Tuy nhiên, trên thực tế nhờ tính hợp lý của Định ước này mà nó vẫn được Tòa án quốc tế La Haye dùng để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền trên đảo Palmas (giữa Mỹ và Hà Lan tháng 4.1928); Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc giải quyết vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Escrehous giữa Anh – Pháp tháng 11.1953.

Hiến Chương Liên Hợp Quốc đã đưa ra nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực” (Điều 2, khoản 14) và đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 26-25 năm 1970: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến Chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự chiếm hữu lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Ngày 10.02.1982 tại Montego Bay ở Jamaica, Liên Hợp Quốc công bố Công ước về Luật Biển – United Nations Convention on Low of Sea (UNCLOS) đã kế thừa, phát triển những nội dung trên và trở thành luật quốc tế biển đối với các quốc gia phê chuẩn và thực thi.

Hiện nay, đối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có một số quốc gia đã ký kết Luật Biển 1982 vi phạm chủ quyền của Việt Nam là Trung Quốc, Philippines, Malaixia, Brunei. Đáng chú ý, ngày 30.01.1980 CHND Trung Hoa công bố Văn kiện Ngoại giao và sau đó là “Bộ sưu tập sử liệu” của nhóm nghiên cứu Hàn Chấn Hoa với những luận cứ phi lý, mơ hồ, thiếu xác thực nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với Nam Sa và Tây Sa.

Gần đây, một số quốc gia đã gia tăng các hoạt động gây căng thẳng thêm tình hình tranh chấp trên Biển Đông. Đáng chú ý là Trung Quốc đang tích cực thực hiện một số hoạt động như: đầu tư mạnh mẽ tiềm lực hải quân, tăng cường tuyên truyền tạo áp lực trong dư luận trong nước, hoạch định các chính sách chiến lược nhằm xã hội hóa việc chiếm đóng các đảo đang tranh chấp… đã tạo ra sự lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

II.    Sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

(1) Từ đầu thế kỷ XVII liên tục đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục đối với quần đảo Hoàng sa theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế đương thời, bằng chứng là:

+ Đối với Hoàng Sa, từ đầu thế kỷ thứ XVII, với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa đã được thành lập để kiểm soát và khai thác định kỳ, liên tục và hòa bình hải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm.

+ Dưới thời nhà Nguyễn, từ năm 1816 thủy quân được giao trọng trách liên tục kiểm soát, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

+ Về quản lý hành chính nhà nước, từ đầu thế kỷ XVII đến 1974 (khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm), Hoàng Sa đều được nhà nước Đại Việt (hoặc Việt Nam sau này) giao cho chính quyền địa phương quản lý để thể hiện quyền lực tối thiểu của mình. Nhà nước Việt Nam, kể cả thời kỳ Pháp thuộc chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình ở Hoàng Sa.

+ Trước thời kỳ bị Trung Quốc xâm chiếm, nhà nước ở Việt Nam duy trì thường xuyên những hoạt động thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa như thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ. Định kỳ tổ chức xây dựng hoặc tu sửa bia chủ quyền trên từng đảo.

+ Qua các thời kỳ, nhất là dưới thời Minh Mạng đã cho xây dựng miếu thờ làm bằng nhà đá (san hô), đào giếng ở Hoàng Sa, sau khi bị xâm pham vẫn  tiếp tục cho xây miếu và nhà thờ. Năm 1909 đoàn khảo sát của Trung Quốc ghi lại là đã nhìn thấy và không biết có từ thời nào, tại đảo Phú Lâm đoàn đã ghi “có miếu thờ Hoàng Sa Tự của Việt Nam” (cuốn Ngã Quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên, Nxb Phương Đông, Bắc Kinh, 1985, bản dịch của Ban Biên giới của Chính phủ).

+ Từ thời Minh Mạng đã trồng cây tại các đảo ở Hoàng Sa để thuyền bè biết để tránh bị nạn. Các nhà nghiên cứu thực vật ở La Fontaine cũng thừa nhận các cây cối ở đây phần lớn có nguồn gốc miền Trung Việt Nam.

+ Dưới triều Nguyễn, Việt Nam đã có trại binh nhỏ và một điểm thu thuế tại Hoàng Sa; năm 1938 đã xây dựng trạm khí tượng và hoạt động liên tục đến năm 1974 bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt.

+ Vua Minh Mạng – Hoàng đế Việt Nam đã ban dụ triều đình khẳng định Hoàng Sa thuộc cương vực Quảng Ngãi, giao cho Bộ Công tổ chức thuyền ra Hoàng Sa dựng cột mốc, xây miếu thờ, trồng cây.

+ Là quần đảo được nhiều sử gia, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước (kể cả sử Trung Quốc trước đây cũng như Pháp thời kỳ xâm chiếm Việt Nam) ghi nhận và khẳng định thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thực tế trên của Việt Nam khác với Trung Quốc: Bản đồ tỉnh Quảng Đông và huyện Hải Nam in trong “Địa lý Quảng Đông” năm 1731 và Lịch sử nhà Minh (tập 40, 45) viết về lãnh thổ Trung Quốc và đảo Hải Nam đều không hề có Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa); năm 1921 chính quyền tỉnh Quảng Đông quyết định sáp nhập hành chính Tây Sa vào huyện Yahien (đảo Hải Nam); năm 1947 Nam Kinh tuyên bố sự chiếm đóng của họ ở Tây Sa (thực tế chỉ đảo Phú Lâm) và ngay lúc đó (ngày 17 tháng giêng) tàu chiến Le Tonkinois của hải quân Pháp đã ra đòi lại không được nên Pháp đề nghị đưa ra trọng tài quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối. Như vậy, so với Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa muộn hơn 3 thế kỷ.

Trung Quốc chỉ chiếm đóng ở Hoàng Sa khoảng thời gian rất ngắn so với Việt Nam: ngày 6.6.1909 chính quyền tỉnh Quảng Đông lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn dẫn 3 chiến hạm đến Hoàng Sa trước khi trở về Quảng Châu; ngày 26.6.1946, lấy cớ giải giáp quân Nhật, 4 tàu chiến của Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên Hoàng Sa và Trường Sa (mặc dù hai quần đảo này đều ở phía nam vĩ tuyến 16 – thuộc vùng của Anh phụ trách); 1947 binh lính Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) đến tháng 4.1950 rút khỏi đảo; 1956 chiếm lại đảo Phú Lâm; tháng 1.1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh hải quân Việt Nam Cộng hòa và chiếm các đảo còn lại ở Hoàng Sa.

(2) Đối với Trường Sa, khác với Hoàng Sa hiện chỉ có Trung Quốc xâm phạm, còn Trường Sa lại có nhiều nước xâm phạm gồm: Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Philippines, Malayxia, Brunei, trước đây còn có cả Nhật Bản đã từng chiếm đảo Ba Bình năm 1939 nhưng sau Hội nghị San Francisco năm 1951 thì từ bỏ tranh chấp. Với Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền Trường Sa “trên bản đồ” từ năm 1933 và sau đó là trên bản đồ hành chính của CHND Trung Hoa năm 1950. Năm 1975, họ có công hàm gửi Việt Nam với nội dung khẳng định Tây Sa, Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đỉnh cao của sự xâm lược là ngày 14.3.1988 hải quân Trung Quốc đã tiến công hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa làm 74 người mất tích, nhiều tàu bị hư hỏng và đóng chiếm một số đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam cho đến nay.

So với Trung Quốc, xét về thời gian các nước khác xâm phạm lãnh thổ Trường Sa muộn hơn rất nhiều:

Tổng thống Philippines Quirino đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa ngày 17.5.1949, nhưng thừa nhận các trạm khí tượng trên Hoàng Sa và Trường Sa là do Pháp xây dựng, tròn 2 năm sau Quirino lại tuyên bố với báo chí như vậy và với lý do là Trường Sa ở sát cạnh quần đảo Philippines. Năm 1971 hải quân Philippines đánh chiếm 4 đảo ở Trường Sa, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phản đối. Năm 1978 đánh chiếm tiếp một đảo nữa, nâng số đảo mà họ chiếm của Việt Nam lên 7 đảo. Năm 1980 chiếm bãi Condor.

Mới đây, ngày 17/02/2009 Thượng viện và Hạ viện nước này đã thông qua Luật đường cơ sở mới của Philippines. Theo đó, dựa vào “Thuyết quốc gia quần đảo” của Luật Biển quốc tế 1982 (phần Quy chế đảo), nước này không đưa các đảo thuộc Trường Sa do mình tuyên bố chủ quyền vào hệ thống đường cơ sở mà là theo quy chế đảo được khai thác các vùng nước xung quanh.

Ngày 21.12.1979 Malayxia công bố bản đồ về lãnh hải và thềm lục địa với sự chồng lấn với Việt Nam tại vùng biển Trường Sa. Năm 1983 đổ bộ lính lên đảo Hoa Lau (Swallow), năm 1986 chiếm đảo Kỳ Vân, Kiệu Ngựa xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra Đài Loan (sau 1949) và Brunei trong vài thập kỷ gần đây cũng tuyên bố “trên giấy tờ” chủ quyền của mình đối với một số đảo ở Trường Sa.

Theo cứ liệu quản lý các đảo ở biển Đông của các triều đình Việt Nam thì trong một thời gian dài, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc cương vực vùng biển và quyền quản lý hành chính của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, phần đảo phía Nam (Trường Sa) chỉ thực sự sáp nhập vào quần đảo Hoàng Sa sau khi Bình Thuận sáp nhập vào Đại Việt năm 1697 và Bình Thuận chỉ quản lý nhân khẩu dân binh đội Bắc Hải. Từ đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã tổ chức đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản để khai thác hải sản quý ở các đảo phía Nam (Trường Sa ngày nay) và đảo Côn Lôn, Hà Tiên. Từ 1816 triều đình giao cho thủy quân quản lý và hoạt động thực thi chủ quyền. Thời Pháp thuộc, năm 1933 Trường Sa mới được trực thuộc tỉnh Bà Rịa, năm 1956 Pháp rút khỏi Đông Dương bàn giao quản lý Trường Sa cho chính quyền Sài Gòn. Thời chính phủ Việt Nam cộng hòa, Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy, sau khi nước nhà thống nhất mới trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ngay cả tên gọi theo cách của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa (có khi lại gọi là Đoàn Sa) cũng rất mơ hồ và là sự gán ghép khiên cưỡng, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu làm rõ vấn đề này. Cần khẳng định rằng, theo Văn kiện Ngoại giao năm 1980 của CHND Trung Hoa thì Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc không phải là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trên thực tế không hề có sự chiếm hữu của Trung Quốc trước 1909 đối với Tây Sa và trước 1933 đối với Nam Sa (thời điểm mà lần đầu tiên Trung Quốc chiếm hữu danh nghĩa bằng việc vẽ lên bản đồ hành chính phụ bản tỉnh Quảng Đông có 4 quần đảo ở biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đặt tên là Xísha Qundao và Nansha Qundao, xuất bản bởi Compagnie Yongxin, Thượng Hải).

III.    Vài lời kết luận

Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng khoa học, địa lý, lịch sử và pháp lý để khẳng định một điều không thể tranh cãi về sự chiếm hữu thực sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gần bốn thế kỷ, qua nhiều triều đại kể cà thời kỳ thuộc địa, bảo hộ, các chính quyền ở Việt Nam, dù phương pháp quản lý khác nhau, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này.

Trong nhiều thập kỷ qua, lợi dụng điều kiện địa lý các đảo, bài đá của hai quần đảo nằm rải rác, bị ảnh hưởng của thời tiết nhất là có nhiều bão tố; lợi dụng thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị, mất quyền tự chủ về ngoại giao, nhất là thời kỳ Việt Nam đang có chiến tranh giải phóng dân tộc; lợi dụng tình trạng người dân Việt Nam sống và khai thác ở hai quần đảo này theo mùa vụ trong năm, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp từng phần rồi trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã và đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và thân thiện với bạn bè quốc tế. Lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Từ ngàn đời nay, nhân dân Việt Nam luôn nêu cao truyền thống và ý chí quật cường trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Lời nguyền của chúng ta là thà hy sinh tất cả chứ không chịu để mất chủ quyền lãnh thổ, dù phải kiên trì bao nhiêu lâu nữa chúng ta vẫn phải chờ đợi thời cơ thuận lợi để dành lại chủ quyền trọn vẹn đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước mắt cần thúc đẩy triển khai Chiến lược Biển và Đề án bảo đảm an ninh phục vụ phát triển kinh tế biển, ngăn ngừa xung đột vũ trang.

Tập trung giải quyết tranh chấp biển. Đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cần xác định không chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn là vấn đề tác động trực tiếp đến ANQG. Việc ứng xử vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa (trong quan hệ với các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc) còn trực tiếp tác động đến vấn đề lòng dân, đến tinh thần dân tộc của đồng bào trong và ngoài nước. Vì vậy, xin được đề xuất:

Một là, xây dựng đề án đưa vào chương trình giáo dục từ phổ thông đến đại học về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai là, công khai phổ biến, tuyền truyền những nội dung cơ bản, chính thống về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa cho toàn dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Ba là, với mục tiêu hòa bình, ổn định lâu dài và ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam nên đề xuất chủ trương “các nước có liên quan trong khu vực cùng nhau xây dựng Biển Đông xanh” (hoặc là Biển Đông hòa bình),  nhằm sử dụng biện pháp ngoại giao đa phương và huy động sức mạnh tổng hợp, sự ủng hộ của dư luận từ các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và quốc tế.

Bốn là, trong điều kiện cho phép, Đảng và Nhà nước cần ưu tiên củng cố tiềm lực quốc phòng, trước mắt tập trung nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Hải quân Việt Nam đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, có khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống do các bên tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam gây ra. Đặc biệt phải bảo vệ bằng được những gì mà hiện tại chúng ta đang quản lý, sở hữu đối với hao quần đảo này.

Năm là, chuẩn bị hồ sơ, cứ liệu, cơ sở pháp lý và chuyên gia luật quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để đến khi có cơ hội và đủ điều kiện chủ động đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra Tòa án Quốc tế.

Sáu là, trong những trường hợp cụ thể và điều kiện cho phép nên “bật đèn xanh” cho những hoạt động hòa bình biểu thị tinh thần yêu nước và ý chí quật cường dân tộc của công dân Việt Nam đối với những hoạt động của những cá nhân, tổ chức các quốc gia khác xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo của Việt Nam.

Bảy là, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức phi chính phủ trong nước mở diễn đàn khoa học trên mạng Internet nhằm phổ biến, trao đổi thông tin tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa./.

TS. Trương Như Vương, Thiếu tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an