Ngoài khảo sát tình hình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, Kim Jong Il còn hội đàm cấp cao với Tổng bí thư Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào. Lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh tình hữu nghị Trung - Triều “đời đời bền vững”. Hành trình 8 ngày của Kim Jong Il bao gồm Bắc Kinh, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Giang Tô…, khảo sát về công nghiệp, nông nghiệp, kỹ thuật, thương mại và đời sống nhân dân ở Mẫu Đơn Giang, Trường Xuân, Dương Châu, Nam Kinh, Bắc Kinh.

Trung Quốc đón tiếp Kim Jong Il theo nghi thức cao nhất, trừ Chủ Tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc đang có chuyến thăm ở Nam Phi, các Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị Trung Quốc bao gồm Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hạ Quốc Cường, Chu Vĩnh Khang cùng thăm quan hoặc tham gia các họat động trong chuyến thăm lần này.

Trong hội đàm, Hồ Cẩm Đào đã đưa ra 5 điểm kiến nghị để thúc đẩy phát triển quan hệ Trung - Triều: (i) Tăng cường giao lưu cấp cao, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị Trung - Triều; (ii) Tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, thúc đẩy kinh tế xã hội mỗi nước phát triển; (iii) Mở rộng hợp tác cùng có lợi, mang đến lợi ích cho nhân dân hai nước; (iv) Tăng cường giao lưu các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là giao lưu thanh niên, khiến tình hữu nghị Trung - Triều mãi mãi được tiếp nối; (v) Tăng cường hiểu biết và gìn giữ hài hòa trong các vấn đề lớn ở khu vực và quốc tế, cùng bảo vệ hòa bình ổn định khu vực. Chủ Tịch Kim Jong Il bày tỏ truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước Triều - Trung là tài sản quý báu, cần phải được truyền lại cho các thế hệ mai sau. Năm nay là kỷ niệm 50 năm hai nước ký kết “Hiệp ước tương trợ và hợp tác hữu nghị Trung - Triều”. Hiệp ước này là tài sản quan trọng mà các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước đã để lại cho thế hệ hôm nay. Kế thừa truyền thống đó, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy để tình hữu nghị Triều - Trung ngày càng phát triển hơn nữa.

Trong cuộc hội đàm cấp cao kéo dài tới 3 giờ 45 phút này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng khẳng định thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế với Triều Tiên, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong Il bày tỏ khâm phục trước những thành tựu phát triển của Trung Quốc, khẳng định đường lối cải cách mở cửa và phát triển khoa học mà Trung Quốc đang đi là hoàn toàn đúng đắn.

Lãnh đạo hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi bên. Hồ Cẩm Đào vui mừng nhận thấy việc đặt dân sinh làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và những nỗ lực của Triều Tiên trong cải thiện dân sinh, đẩy nhanh xây dựng kinh tế, tin tưởng rằng Đảng và nhân dân Triều Tiên sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Kim Jong Il nhận thấy những thay đổi đáng kinh ngạc ở các địa phương Trung Quốc, tin tưởng rằng, nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu xây dựng xã hội khá giả.

KCNA cho biết chủ tịch Trung Quốc đề nghị thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, đảng và Chính phủ Trung Quốc sẽ “hoàn thành chắc chắn nhiệm vụ lịch sử vững chắc chuyền tiếp (cho thế hệ sau) mối quan hệ truyền thống Trung - Triều”. Điều này cho thấy Trung Quốc đã đồng ý kế hoạch kế nhiệm của ông Kim.

Ngoài những vấn đề về quan hệ song phương, hai vị Chủ tịch cũng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đánh giá tích cực những nỗ lực gần đây của phía Triều Tiên, góp phần làm hòa dịu tình hình bán đảo, cải thiện môi trường bên ngoài; nhấn mạnh chủ trương của Trung Quốc là các bên liên quan cần tiếp tục giữ bình tĩnh và kiềm chế, xóa bỏ những nhân tố gây trở ngại, tích cực cải thiện quan hệ song phương; phấn đấu vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, phát triển và không có vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Kim Jong Il bày tỏ Triều Tiên hiện đang tập trung cho việc xây dựng kinh tế, do đó rất cần một môi trường bên ngoài ổn định. Triều Tiên luôn kiên trì mục tiêu bán đảo không vũ khí hạt nhân, mong muốn cục diện bán đảo hòa dịu; khẳng định chủ trương khởi động lại đàm phán 6 bên trong thời gian sớm nhất và luôn có thành ý cải thiện quan hệ Nam - Bắc; bày tỏ cảm ơn nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy đàm phán 6 bên và duy trì bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định.

Kim Jong Il mời CT Hồ Cẩm đào tới thăm Triều Tiên, Hồ Cẩm Dào vui vẻ nhận lời.

Giới phân tích Hồng Kông nhận định chuyến thăm này có một số điểm mới: Thứ nhất, trước đây khi Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm Trung Quốc, trước khi kết thúc chuyến thăm, báo chí Trung Quốc tuyệt đối không đưa bất cứ tin gì, thậm chí cũng không dẫn lại tin của báo chí nước ngoài về chuyến thăm, song từ các chuyến thăm năm ngoái trở lại đây, đặc biệt là lần này, báo chí Trung Quốc như Hoàn cầu, Tin tức tham khảo… tuy không đưa tin chính thức song lại dẫn rất nhiều tin nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…) về chuyến thăm; các blogger cũng tung lên mạng nhiều ảnh chụp được về chuyến thăm mà không bị cấm hay buộc gỡ xuống. Thứ hai, trong hội đàm với Kim Jong Il, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề dân sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với Triều Tiên, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ cao độ để Triều Tiên giải quyết vấn đề này. Điều này cũng cho thấy nội dung về kinh tế là trọng tâm của chuyến thăm này, Kim Jong Il phát biểu “thực lòng” là chỉ sau 9 tháng đã chứng kiến Trung Quốc đã thay đổi một cách thần kỳ. Chuyến thăm này được nhiều báo đài ví như “chuyến công du về phía Nam” của Đặng Tiểu Bình trước khi phát động một cuộc cải cách mạnh mẽ về kinh tế, rất có thể Kim Jong Il sẽ học tập kinh nghiệm của Trung Quốc để tiến hành cải cách kinh tế, thực sự cải thiện đời sống người dân. Dư luận cũng cho rằng Kim Jong Il chọn Trung Quốc làm nơi học hỏi vì trên thực tế, Trung Quốc là nước ngoài duy nhất mà ông có thể đến thăm, và đến nay Trung Quốc vẫn là cửa sổ duy nhất mở ra thế giới đương đại mà Triều Tiên có thể tiếp cận, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao. Trong một bình luận khác, GS Vu Nghênh Lệ thuộc Viện NC các vấn đề quốc tế Thượng Hải cho rằng Triều Tiên vẫn chọn cách thăm không chính thức vì 2 nguyên nhân: thứ nhất là do thông lệ ngoại giao đã được xác định từ trước, phía Triều Tiên đã đặt vấn đề với Trung Quốc về việc không công khai chuyến thăm cho tới khi kết thúc; thứ hai là vì lý do an ninh, vì hoạt động của Kim ở trong nước cũng luôn rất “thần bí”. GS Trương Liên Khôi thuộc Viện NC chiến lược quốc tế Trường Đảng Trung Ương Trung Quốc thì cho rằng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, ngoài Triều Tiên ra, các nước rất ít khi dùng phương thức “ngoại giao bí mật”. “Ngoại giao bí mật” có thể là một sách lược về ngoại giao của Triều Tiên, nhưng lại gây bất lợi cho Trung Quốc vì khiến các bên như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nghi ngờ về sự minh bạch của chính sách ngoại giao Trung Quốc. Chính vì vậy, trước khi chuyến thăm lần này kết thúc, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp với Tổng Thống Hàn Quốc Li Miêng Bác đã thừa nhận về chuyến thăm, thậm chí tiết lộ nội dung chuyến thăm là học hỏi Trung Quốc phát triển kinh tế, điều này cho thấy mong muốn của Trung Quốc vẫn là ngoại giao công khai, tránh nghi ngờ bất lợi cho Trung Quốc. GS cũng cho rằng không loại trừ một trong những mục đích của chuyến thăm là kêu gọi viện trợ vật chất của Trung Quốc để chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra do tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng leo thang.

AFP trích tin KCNA ngày 29/5 cho biết BTT đã tổ chức ăn mừng chuyến đi Trung Quốc rất thành công của lãnh đạo Kim Jong Il và con trai Jong Un. Tuy nhiên, BTT không nói rõ là thành công ở điểm nào. Lễ mừng được nêu lên như một sự kiện lịch sử với các màn trình diễn ca nhạc gây ngạc nhiên không ít cho giới quan sát vì chưa bao giờ một chuyến đi Trung Quốc của ông Kim Jong Il lại được nêu bật trước dân chúng như thế.

Yonhap cho biết từ năm 2000 đến nay, Kim Jong Il đã đi Trung Quốc đến 7 lần. Vừa qua là chuyến đi lần thứ 3 trong vỏn vẹn hơn một năm. Chuyến đi này không ngoài hai mục tiêu: Xin Trung Quốc trợ giúp kinh tế mạnh mẽ hơn nữa và hậu thuẫn cho người thừa kế Kim Jong Un.

 

 

Tin tổng hợp

Mỹ Anh (gt)