Hình ảnh mô phỏng hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông

 

Trung Quốc đang bận rộn để cạnh tranh với Mỹ trong việc biến Thái Bình Dương thành "ao nhà" của họ. Để củng cố tuyên bố chủ quyền ngang ngược và lố bịch đối với 85% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh đang bồi đắp các đảo nhỏ tại vùng biển tranh chấp nóng bỏng - quần đảo Trường Sa.

Để làm điều này, Trung Quốc đang sử dụng các tàu nạo vét biển khổng lồ để hút một lượng lớn cát và san hô từ đáy biển lên, rồi đổ lên ít nhất 6 hòn đảo nhỏ.

Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đã gọi dự án xây dựng đảo của Bắc Kinh tại Biển Đông là "Trường thành cát". Phát biểu mới đây tại Australia, ông Harris đã nói rằng Trung Quốc đang tạo ra đảo nhân tạo có diện tích hơn 4km2 và người ta đang băn khoăn về những ý định của Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc đang cáo buộc Mỹ can thiệp và tuyên bố họ có thể làm điều họ muốn tại những nơi luôn thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, kể cả các khu vực gần bờ biển Philippines.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, mà họ gọi là đường 9 đoạn, được dựa trên những bản đồ cổ của Trung Quốc, cho thấy những nơi mà tàu thuyền Trung Quốc đã đi qua và đổ bộ từ rất lâu trước khi các cường quốc châu Âu phát hiện ra khu vực này. Bằng cách làm như vậy, Bắc Kinh đang phớt lờ các nước láng giềng vốn nằm gần các khu vực lãnh thổ tranh chấp nhiều hơn so với họ và đã tuyên bố rằng tổ tiên của họ cũng sử dụng những hòn đảo và vùng biển đó.

Để hỗ trợ cho những tuyên bố chủ quyền của mình, Bắc Kinh đang mở rộng những hòn đảo nhỏ xíu tại những vùng biển rõ ràng nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc cũng phái tàu tuần duyên đến bảo vệ các tàu thuyền Trung Quốc đang đánh bắt hải sản trái phép, và ngăn chặn tàu thuyền và ngư dân của những quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Các bức ảnh do thám cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự, các trận địa rađa và các sân bay giữa Biển Đông. Tạp chí quốc phòng Jane’s ước tính hòn đảo mới có chiều dài hơn 3 km, đủ khả năng xây dựng đường băng cho những máy bay lớn, kể cả máy bay ném bom tầm xa và máy bay do thám cất cánh và hạ cánh, trong khi tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng họ xây các đảo nhân tạo để làm nơi tránh bão cho tàu thuyền của họ.

Cho dù động cơ và mục tiêu của Trung Quốc là gì, nước cờ mới này đã làm tăng thêm căng thẳng tại một khu vực có tầm quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Ngoài tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang có những tranh chấp tại biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, nơi máy bay chiến đấu và máy bay do thám đang liên tục chơi trò "mèo đuổi chuột" kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập "Vùng Nhận dạng Phòng không" năm 2013.

Dường như những tham vọng của Bắc Kinh còn vượt ra xa hơn Biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc mới đây đã mở rộng sự hiện diện từ Hawaii đến Vịnh Aden và Địa Trung Hải. Ngoài việc giành được quyền để các tàu chiến Trung Quốc có thể qua lại Sri Lanka và Maldives, còn có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thành lập một căn cứ hải quân ở rìa Đông Nam của Đại Tây Dương ở Vịnh Walvis, Namibia. Vài năm trước, Chính phủ Canada đã từng giật mình khi tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc có mặt âm thầm không tuyên bố ở ngoài khơi Tuktoyaktuk của quốc gia Bắc Mỹ này. Australia cũng bày tỏ quan ngại tương tự về những gì tàu Tuyết Long đang làm tại vùng biển Nam Cực, nơi Trung Quốc có 4 cơ sở nghiên cứu. Những quan ngại tương tự chắc chắn sẽ nhiều thêm vì Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đóng thêm một số tàu phá băng nữa.

Không có dấu hiệu cho thấy chiến tranh sắp xảy ra ở Tây Thái Bình Dương, nhưng hiện tượng bồi đắp đảo và nỗ lực của Trung Quốc vung tiền xây dựng một lực lượng hải quân nước sâu với các tàu sân bay và tàu ngầm là một phần của chiến lược địa kinh tế và địa chính trị, với mưu đồ tái định hình cán cân quyền lực ở châu Á bằng việc đẩy Mỹ ra khỏi nơi mà Hải quân Mỹ đóng vai trò bá chủ kể từ sau khi Đế quốc Nhật Bản suy yếu năm 1945.

Trong khi Trung Quốc đang tự khẳng định bản thân bằng những ưu thế lớn, các nước láng giềng đang nỗ lực làm chệch hướng những tham vọng của Trung Quốc bằng việc tìm cách nằm dưới cái ô an ninh của Mỹ và nhanh chóng xây dựng các lực lượng vũ trang của mình. Để có thể đối phó với những máy bay chiến đấu tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển, Hàn Quốc và Nhật Bản đang mua máy bay chiến đấu F-35 và máy bay cảnh báo sớm. Trong khi đó, Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm của Nga; Ấn Độ bổ sung máy bay vận tải và giám sát của Mỹ, máy bay tấn công của Pháp và tìm cách xây dựng một hạm đội gồm 150 tàu chiến, trong đó có 2 tàu sân bay.

Trung Quốc đã tuyên bố động thái mạnh mẽ tiếp theo của họ. Đặc biệt, sau những cuộc tập trận không quân đầu tiên giữa Đài Loan và Philippines hồi tháng trước, Bắc Kinh đã triển khai các tàu ngầm nguyên tử của họ ở khu vực đảo Hải Nam. 

Theo National Post (Canada)

Trần Quang (gt)