Ngày 30/5 tại Singapore, phát biểu ở Đối thoại An ninh Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Mỹ Ash Carter đã lên tiếng chỉ trích hành động xây cất đảo của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay đến khu vực gần các đảo này theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, bất chấp Bắc Kinh coi hành động này là khiêu khích. Trong khi lên án Trung Quốc, BTQP Mỹ cũng liệt kê hàng loạt hệ thống vũ khí mới mà Mỹ có kế hoạch triển khai tại khu vực, trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á, bao gồm cả khu trục hạm tàng hình đời mới nhất.

Bất chấp những chỉ trích gay gắt từ phía Mỹ, Trung Quốc tỏ ra không có ý định nhượng bộ. Đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nhắc lại rằng hành động của Trung Quốc được thực hiện trong lãnh thổ của Trung Quốc, có lợi cho công tác cứu trợ thiên tai và nghiên cứu khoa học của khu vực, đồng thời nhấn mạnh đảo nhân tạo được xây dựng không đe dọa bất cứ nước nào và cũng không ảnh hưởng tới tự do hàng hải.

Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc đã làm nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai luồng quan điểm, một bên cho rằng Mỹ cần ngăn cản hành động của Trung Quốc và một bên lo ngại phản ứng không khôn khéo có thể dẫn đến đối đầu quân sự hoặc một cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Hành động của Trung Quốc được cho là đã đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt Mỹ đã đưa ra chính sách “xoay trục về Châu Á” tức là cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, mặt khác cách tiếp cận có phần hơi “xông xáo” đã chọc giận Bắc Kinh và thúc đẩy quá trình phân cực tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới này, nơi mà đa số các quốc gia không muốn phải lựa chọn buộc phải đứng về bên nào.

Chính quyền Obama hiện nay đang cố gắng tìm cách đưa ra cách tiếp cận “cân bằng” nhất, vẫn gây được áp lực với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của nước Mỹ mà không “đổ thêm dầu vào lửa”. Mặc dù lên án Trung Quốc nhưng BTQP Mỹ rất thận trọng, tránh đưa ra những phát biểu có thể dẫn đến căng thẳng quân sự trong tương lai.

Bản thân trong nội bộ quân đội Mỹ cũng có những chia rẽ về vấn đề này. Trong khi một số quan chức thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng cần phải có phản ứng trước hành động hung hăng của Trung Quốc thì tại Lầu Năm Góc, lại có ý kiến cho rằng không nên phản ứng thái quá.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ nên thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực sân sau của nước này, rút bớt quân đội của Mỹ khỏi khu vực, cũng có nghĩa là chấm dứt trật tự thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cho phép Mỹ giữ vị trí độc tôn tại Châu Á. Trong khi một số khác bao gồm cả các nghị sỹ Quốc hội Mỹ, điển hình là Thượng Nghị sĩ John McCain lại cho rằng Mỹ cần thể hiện rõ ý chí quân sự, bất chấp rủi ro có những tính toán sai lầm từ hai phía.

Hiện đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ tỏ ra mềm dẻo hơn trong cách tiếp cận.Trước Đối thoại Shangri-la, có tin là Mỹ sẽ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận RIMPAC diễn ra vào năm 2016. Tuy nhiên, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội TBD của Mỹ, người từng tố cáo Trung Quốc xây Vạn lý tường thành bằng cát trên biển mới đây lại phát biểu rằng, Trung Quốc vẫn được chào đón và chưa thể nói trước được điều gì.

Theo The Wall Street Journal

Văn Cường (gt)