Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố họ đang trỗi dậy một cách “hòa bình”, nhưng họ vẫn bị cộng đồng quốc tế cho là một trong những nhân tố chính có thể làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới, và rằng họ đang có tham vọng thay thế Mỹ để làm bá quyền thế giới. Để thực hiện được điều này, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải bắt đầu từ khu vực Đông Á. 

Là một nước mới hòa nhập vào nền chính trị thế giới, Trung Quốc đã mất hơn 3 thập kỉ “giấu mình chờ thời”, tận dụng những nguồn tài nguyên từ phương Tây như vốn đầu tư cũng như tri thức và công nghệ quản lí tân tiến. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng tỏ ra rất cẩn trọng trong việc giữ gìn những yếu tố đã mang tính “bản sắc” gắn liền với nước này như hệ thống chính trị hay ý thức hệ. Một điều thú vị là sau khi chuyển đổi mô hình dân chủ, Nga đã được mời tham gia G-7 (Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển), trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đứng ngoài nhóm này. "Thời báo tài chính" đã miêu tả sự vắng mặt của Trung Quốc trong G-8 (G-7 + Nga) như một sự “cách li để tự bảo vệ mình”. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên G-20 (Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới), Trung Quốc đã không ngừng đẩy nhanh quá trình phát triển và bành trướng của mình, đặc biệt là tại khu vực Đông Á. 

Sự gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu và đặc biệt là tại Đông Á của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều vấn đề ngoại giao phức tạp, chồng chéo. Trong lúc những căng thẳng xung quanh vấn đề lãnh hải ở biển Hoa Đông đang ngày càng leo thang, việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại biển này đã bị Mỹ và đồng minh chủ chốt Nhật Bản xem như một ví dụ về tham vọng của Bắc Kinh. Chắc chắn Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cả Nhật Bản và Mỹ, song cũng có ý kiến cho rằng sự mạnh lên của mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản chính là cơ hội tốt để Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng “mối quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc” (với Mỹ). 

Khi đưa ra học thuyết “mối quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc”, Bắc Kinh đang nhắm đến một mối quan hệ công bằng với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ. Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không đe dọa được vị trí thống trị của Mỹ trong tương lai gần, nhưng những khác biệt và sự thiếu lòng tin chắc chắn sẽ thúc đẩy hai “ông lớn” này xem xét khả năng cùng tồn tại một cách hòa bình.

Tuy nhiên, vẫn sẽ tồn tại những giới hạn trong mối quan hệ này, và chắc chắn Mỹ sẽ không chấp nhận mối quan hệ mới được xây dựng nằm ngoài cấu trúc quyền lực hiện nay mà Mỹ đang chiếm ưu thế. Vì vậy, mối quan hệ kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có cấu trúc “kim tự tháp” hơn là một mối quan hệ công bằng, cùng nhau chia sẻ sự thống trị thế giới. Cần phải nhắc lại rằng, về sức mạnh và tiềm lực quốc gia, Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế về mọi mặt so với Trung Quốc.

Những điểm khác biệt giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ cũng là một yếu tố khó lường. Đạo luật về quan hệ với Đài Loan được ban hành năm 1979 chính là thí dụ rõ ràng nhất về việc chính phủ Mỹ và Quốc hội nước này có những lúc đưa ra cách hành xử rất khác nhau đối với Bắc Kinh. Khi đó, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ dự thảo do Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter đệ trình và thay vào đó những nội dung có tác động rất lớn đến mối quan hệ Trung-Mỹ. Trong tương lai, rất có thể Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa hai cường quốc này. 

Mối quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc chắc chắn sẽ được cả Mỹ và Trung Quốc chào đón, nhằm tránh những sai lầm mang tính quyết định về nhận thức có thể dẫn đến xung đột. Việc xây dựng lòng tin và những cam kết giữa Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với giữa Washington và Bắc Kinh. Thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ không chỉ giúp giải quyết những thách thức từ phía Trung Quốc đối với vị trí bá quyền thế giới của Mỹ, mà còn góp phần xoa dịu những thách thức đối với Nhật Bản và những mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mất cân bằng tại Đông Á ngày càng gia tăng, tình trạng bất ổn chắc chắn sẽ vẫn tồn tại. Vì vậy, Mỹ cần nhanh chóng tăng cường mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, cũng như đưa ra những cam kết song phương, hơn là việc tìm kiếm lòng tin chiến lược “tạm thời” và sự hòa hợp hoàn toàn với Trung Quốc. 

Mới đây, "Thời báo Nhật Bản" cho rằng Nhật Bản sẽ thấy mình ngày càng bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, Tokyo cần nhanh chóng tạo ra được sự độc lập về an ninh, bởi điều đó sẽ khiến Mỹ nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản. 

Theo The Diplomat

Thùy Anh (gt)