Việc xây dựng chiến lược nguồn năng lượng mới của Trung Quốc ở Biển Đông là vô cùng bức thiết. Theo tác giả, đối với chiến lược Biển Đông và chính sách Biển Đông của Trung Quốc, cần có “thiết kế thượng tầng”, cần lập kế hoạch hệ thống từ trên xuống. Nói cụ thể, cần nâng việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng Biển Đông lên tầm cao chiến lược phát triển quốc gia; cần có kế hoạch lâu dài, toàn diện và tỉ mỉ đối với việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên Biển Đông theo từng giai đoạn; đưa việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng Biển Đông vào quỹ đạo phát triển bền vững của quốc gia; nỗ lực trong giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” có sự đột phá, sớm khoan được giếng dầu đầu tiên, có được thùng dầu và khối khí đốt đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cần có hành động thực tế để khai thác nguồn dầu lửa và khí đốt tự nhiên ở Biển Đông. Có thể xem xét lợi dụng năng lực kỹ thuật khai thác dầu khí của Trung Quốc, lựa chọn trước một khu vực tại vùng biển xung quanh đảo bãi do Trung Quốc hiện kiểm soát, thiết lập khu vực khai thác chung quốc tế để tiến hành khai thác thử nghiệm; cùng với việc mình khai thác là chính, có thể mời các bên liên quan tham gia, kể cả các công ty dầu khí đến từ ngoài các nước xung quanh. Để thích ứng với yêu cầu phát triển tình hình Biển Đông, kiến nghị Nhà nước thành lập cơ quan chỉ đạo khai thác và sử dụng nguồn năng lượng Biển Đông, chuyên nghiên cứu chế định chính sách, cân đối xử lý các vấn đề lớn gặp phải trong quá trình khai thác và sử dụng nguồn năng lượng Biển Đông.

Tác giả cho rằng, đa nguyên hóa, đa cấp hóa chiến lược nguồn năng lượng Biển Đông ít nhất cần bao gồm một số mặt sau:

Thứ nhất, lấy các doanh nghiệp nhà nước trọng điểm làm chủ thể và người mở đường, tích cực chủ động khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông. Không cản trở các doanh nghiệp lớn của nhà nước (ví như CNOOC) tạo ra một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ điều tra, đánh giá, thăm dò cho đến khai thác và hóa lọc dầu khí; có thể lựa chọn khu vực có tranh chấp lớn nhất làm đột phá khẩu, chắc chắn đóng từng “cái đinh” xuống Biển Đông để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, kiềm chế các hoạt động thăm dò trắng trợn của các nước liên quan. Kiến nghị bổ sung hơn nữa nguồn vốn của các doanh nghiệp liên quan, nâng cao và mở rộng thực lực tổng thể ngành dầu khí Trung Quốc. Có thể nghiên cứu mở rộng các kênh sử dụng dự trữ ngoại hối dùng vào khai thác nguồn năng lượng Biển Đông. 

Thứ hai, đối với việc khai thác dầu khí nước sâu cần có đầu tư cao, kỹ thuật cao và nhiều mạo hiểm, Nhà nước cần gia tăng mức hỗ trợ về thuế và vốn đối với khai thác nguồn năng lượng Biển Đông, tăng cường thực lực tổng thể ngành dầu khí Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp dầu khí lớn của nhà nước mở rộng quy mô và quốc tế hóa kinh doanh. 

Thứ ba, huy động đầy đủ tính tích cực của địa phương, xây dựng Hải Nam thành căn cứ chiến lược hậu phương phát triển nguồn năng lượng Biển Đông. Cần phát huy đầy đủ chức năng quản lý hành chính và tác dụng tích cực trong việc khai thác Biển Đông phát triển kinh tế của Hải Nam; trong một số lĩnh vực hoạt động kinh tế như mở cửa doanh nghiệp, khai thác và hợp tác song phương, trung ương có thể xem xét trao cho Hải Nam một số đặc quyền. Phối hợp chiến lược phát triển tổng thể của Nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, xây dựng Hải Nam thành một trong những cơ sở dự trữ chiến lược nguồn năng lượng quốc gia.

Thứ tư, hai bờ có lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông, cùng vì đại cục, tăng cường hợp tác hai bờ trong năng lượng Biển Đông, cùng bảo vệ lợi ích cốt lõi và quyền lợi biển của dân tộc Trung Hoa. Hai bờ có thể xem xét hợp tác trong các mặt như cùng khai thác dầu khí, cùng bảo vệ nguồn tài nguyên ngư nghiệp, bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông… Trước mắt có thể xem xét việc hợp tác ngành hóa dầu giữa hai bờ làm đột phá khẩu, bắt tay khai thác vùng biển tranh chấp, mở rộng phạm vi hợp tác khai thác trên biển.

Thứ năm, lấy “cùng có lợi” làm tôn chỉ triển khai hợp tác xuyên khu vực. Trên cơ sở hiệp định trước đây giữa các chính phủ, tiếp tục bảo vệ một cách không nhân nhượng quyền lợi biển của Trung Quốc ở Nam Biển Đông. Các công ty dầu khí Trung Quốc cần tích cực hành động, liên kết với các công ty trong và ngoài khu vực, cùng thăm dò khai thác nguồn năng lượng Biển Đông, đồng thời không ngừng tìm kiếm các kênh mới, phương thức mới để khai thác chung hữu hiệu hơn, có tính sáng tạo hơn. Ngoài ra, có thể tăng cường hợp tác cùng các nước châu Âu như Đức, Pháp nghiên cứu khảo sát nguồn năng lượng mới, triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu kỹ thuật mới trong khai thác biển sâu… Đối với một số hạng mục thăm dò khai thác tương đối khó, có thể mời nguồn vốn bên ngoài vào.

  Theo báo Chứng khoán Thượng Hải

 Viết Tuấn (gt)