Mâu thuẫn lâu đời về tranh chấp Biển Đông một lần nữa lại nóng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tàu tuần tra Trung Quốc một lần nữa đã quấy nhiễu tàu khảo sát địa chất ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.

Sự kiện gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang duy trì lập trường cứng rắn đối với yêu sách chủ quyền của mình tại Biển Đông và chính sách hiện tại của Trung Quốc là phản đối bất cứ sự khảo sát thăm dò đơn phương nào tại đây. Chiến thuật của Bắc Kinh là cố gắng giải quyết xung đột chủ quyền tại Biển Đông theo hướng song phương với sự tham gia của Trung Quốc, và tránh bất cứ giải pháp đa phương nào. Bằng việc tiến hành hợp tác khảo sát chung với một hay hai quốc gia một lúc, Trung Quốc có thể củng cố tính hợp pháp đối với công bố chủ quyền của mình và ngăn chặn những can thiệp từ bên ngoài. Như vậy, cho dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực xoa dịu đối với các láng giềng, thì Bắc kinh vẫn hết sức quan tâm chú trọng đến Biển Đông. Sự quan tâm này phần nhiều đến từ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Từ khi Trung Quốc thành một nước nhập siêu về dầu vào năm 1993, tỷ lệ tăng trưởng cầu nội địa đã đạt gần tới mức 2 con số. Sự lệ thuộc vào dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã tới 55%, trở thành mối đe dọa thực sự đối với an ninh năng lượng. Trung Quốc nhận thức được sự cạn kiệt của các mỏ dầu nội địa, giới hạn của nhập khẩu, và quốc gia này đang chuyển hướng tập trung sang khai thác xa bờ, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Một báo cáo gần đây được đăng trên tờ báo bán công Global Times của Trung Quốc đã dự đoán rằng khu vực tranh chấp Biển Đông có trữ hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên. Để thúc đẩy sự chuyển dịch sang khai thác xa bờ, Tập đoàn khai thác dầu mỏ xa bờ Quốc gia (CNOOC) khổng lồ của Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động khảo sát ở Biển Đông, đặc biệt ở các vùng nước sâu trong 5 năm tới. Theo các quan chức CNOOC cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ khảo sát được phía Bắc của Biển Đông, và chỉ khai thác được một lượng dầu và khí đốt không đáng kể. Tuy nhiên, ở các vùng nước tranh chấp với các nước khác, có thể khai thác được hơn 20 triệu tấn dầu hàng năm.

Với việc quay sang tập trung khảo sát ở phía Nam Biển Đông, từ nay cho đến 2016, CNOOC đang chuẩn bị đầu tư 30 tỉ USD cho các dàn khoan ở các vùng nước sâu. Là một phần của chiến dịch này, một dàn khoan bán chìm 3000 mét chuyên khai thác ở độ sâu siêu lớn với tên gọi “Dầu xa bờ 981” đã được chuyển đến CNOOC vào giữa tháng 5. Dàn khoan này dự đoán sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 7. Hiện vẫn chưa biết rõ CNOOC dự định sẽ thăm dò ở block khu vực nào, nhưng công ty này hi vọng sẽ có thể tăng cường năng lực khai thác ở phía Nam Biển Đông, cho dù việc này sẽ dẫn đến tranh chấp trực tiếp với nhiều quốc gia công bố chủ quyền khác.

Philippines và Việt Nam hiện đang đẩy mạnh khảo sát tìm kiếm năng lượng cũng như kêu gọi kiếm tìm một cách tiếp cận đa phương để chống lại công bố chủ quyền của Trung Quốc. Hai quốc gia này cũng đang hi vọng sẽ có được một lộ trình đồng nhất trong khối ASEAN để thu hút chú ý của các nước khác ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ - nước vẫn muốn củng cố vị thế để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Với việc Bắc Kinh công bố chủ quyền thường xuyên hơn và mở rộng năng lực quân sự, có thể sẽ có thêm nhiều căng thẳng tại Biển Đông.

 

Theo Stratfor

 

Hương Trà (gt)

 

 

 

 

Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết này, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.