Cam kết này nêu bật nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tận dụng các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực để củng cố tuyên bố chủ quyền về Đài Loan, trong bối cảnh mối quan hệ hai bờ eo biển đang được cải thiện. Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh cho biết: "Tàu của Chính phủ Trung Quốc Đại lục sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân ở cả hai bờ eo biển. Hai bờ eo biển là một gia đình. Những người anh em, ngay cả khi họ đang có tranh luận với nhau trong nhà, nên đoàn kết chống lại sự xâm lược từ bên ngoài”. Tuyên bố trên được đưa ra sau một cuộc đối đầu tuần này giữa lực lượng tuần duyên của Nhật Bản và Đài Loan gần quần đảo Senkaku, được Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh và Đài Bắc có tuyên bố chủ quyền. Các tàu bảo vệ bờ biển của Đài Loan đã hộ tống các tàu cá xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp mà phía Nhật Bản cho là thuộc hải phận của họ để phản đối quyết định gần đây của Nhật Bản mua lại chúng từ một tư nhân người Nhật. Việc Trung Quốc và Đài Loan trở nên gần gũi hơn kể từ khi Mã Anh Cửu trở thành tổng thống Đài Loan năm 2008 đã gây ra một số quan ngại trong khu vực và ở Oasinhtơn về những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu hợp tác quân sự. 

Các nhà phân tích cho rằng bất cứ dấu hiệu nào của Đài Loan thể hiện sự thân mật với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu an ninh của Đông Á bởi vì hòn đảo này là một bộ phận không chính thức trong liên minh của Mỹ trong khu vực. Richard Bush, quan chức văn phòng đại diện của Mỹ ở Đài Bắc, hồi tháng trước cho biết mặc dù các vấn đề kinh tế là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển trong một vài năm qua, song cũng đã có thảo luận, đặc biệt ở Trung Quốc Đại lục, về việc chuyển sang hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và chính trị. Một phái viên Đài Loan, người đã tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức với Trung Quốc, nói rằng những người thân cận với quân đội Trung Quốc đã nhiều lần gợi ý rằng Trung Quốc Đại lục và Đài Loan nên hợp tác trong các lĩnh vực như tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông. Nhưng Đài Loan muốn né tránh vấn đề này. Vùng lãnh thổ này muốn giữ độc lập và dựa vào Mỹ để chống lại các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền và đe dọa của Bắc Kinh về việc dùng vũ lực để giành lại Đài Loan. Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ quy định rằng Mỹ giúp Đài Loan tự vệ trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược. Nếu Đài Bắc bị nghi ngờ về lòng trung thành thì có thể làm giảm sự hỗ trợ của Oasinhtơn về cam kết này. 

Ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Oasinhtơn cho biết Đài Loan không muốn bị xem là hợp tác với Trung Quốc Đại lục về bất kỳ những tranh chấp lãnh thổ nào. Ông nói hợp tác quân sự với Trung Quốc là ranh giới đỏ đối với giới lãnh đạo Đài Loan. Quyết định của Tổng thống Mã Anh Cửu đưa tàu tuần duyên vào vùng biển tranh chấp là điều bất thường so với cách hành xử trong quá khứ. Mặc dù vậy, sau vụ việc Đài Loan đã nhanh chóng trấn an mọi người rằng điều này không có nghĩa là họ cùng với Trung Quốc Đại lục chống lại Nhật Bản. Các quan chức ngoại giao Đài Loan cho biết: “Chúng tôi sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), lãnh đạo và người dân chúng tôi trân trọng mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị sâu sắc với Nhật Bản”.

Theo “Thời báo Tài chính” (Anh) ngày 26/9

Vũ Hiền (gt)