Vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp bất thường, có 2 nguyên nhân quan trọng sau: một là mâu thuẫn giữa các nước tranh chấp; hai là mâu thuẫn gây ra do sự can thiệp của nước lớn ngoài khu vực. Hai nguyên nhân này đan xen lẫn nhau, hết sức phức tạp, làm cho vấn đề Biển Đông trở thành một vấn đề khó khăn lâu dài, không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Trong vấn đề Biển Đông, 4 nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có tranh chấp các đảo, đá với Trung Quốc, đồng thời giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia cũng có tranh chấp. Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc; Việt Nam có đòi hỏi chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm 29 đảo, đá ở Biển Đông. Philippines là nước có tranh chấp trực tiếp nhất với Trung Quốc; Philippines không những chiếm 10 đảo, đá của Trung Quốc ở Trường Sa, mà còn có yêu sách chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham.

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông gồm 3 nội dung: tranh chấp các đảo, đá; tranh chấp thềm lục địa và tranh chấp vùng biển. Ngoài ra, tài nguyên và quyền quản lý biển cũng là một nội dung trong tranh chấp giữa các nước. Mặc dù có tồn tại tranh chấp, nhưng các bên đều không muốn sử dụng vũ lực để giải quyết, bởi vì một khi xảy ra xung đột, các bên sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Điều này không những không có lợi cho hòa bình, ổn định của toàn bộ khu vực, mà cũng không có lợi cho sự phát triển của các nước. Không sử dụng vũ lực để giải quyết, nhưng các bên cũng không nhượng bộ và thiếu cơ sở đàm phán, phương thức đàm phán cũng không thực hiện được, do đó vấn đề Biển Đông đành phải kéo dài.

Ngoài mâu thuẫn giữa các nước tranh chấp ở Biển Đông, các nước lớn ngoài khu vực cũng can thiệp vào, làm cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông càng thêm khó khăn. Mỹ, Nhật đều muốn sử dụng Biển Đông làm điểm can dự để kiềm chế Trung Quốc phát triển.

Lập trường cơ bản của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông là: lấy đàm phán song phương làm cơ sở, được bổ sung bằng điều phối đa phương. Tức là, Trung Quốc nhấn mạnh thông qua đàm phán song phương giữa các nước tranh chấp để giải quyết hòa bình tranh chấp, đồng thời cùng các nước ASEAN đạt được nguyên tắc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong khuôn khổ đa phương. Do đó, Trung Quốc nỗ lực thông qua phương thức hòa bình để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cũng sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương ứng đối với việc một số nước có ý đồ thay đổi hiện trạng. Trung Quốc cũng có thái độ phản đối rõ ràng đối với việc các nước lớn ngoài khu vực can thiệp và gây sự ở Biển Đông.

Đối với tranh chấp Biển Đông, thứ nhất là vấn đề các đảo, đá, gồm 4 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa và Đông Sa. Hiện nay Hoàng Sa đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa đối với Trung Quốc là không có vấn đề lớn. Nhưng do Việt Nam không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nên trong tương lai va chạm giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa có thể vẫn sẽ xảy ra. Quần đảo Đông Sa hiện đang do Đài Loan kiểm soát. Quần đảo Trung Sa tranh chấp chủ yếu là đảo Hoàng Nham, Philippines sẽ tiếp tục gây sự để tăng cường kiểm soát của họ đối với đảo này. Điểm khó khăn nhất của vấn đề Biển Đông là quần đảo Trường Sa. Do có nhiều đảo tranh chấp, vùng biển rộng lớn, tranh chấp giữa nhiều nước, do đó quần đảo Trường Sa sẽ trở thành tiêu điểm và điểm khó trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Thứ hai là vấn đề quản lý các vùng biển. Trung Quốc đưa ra “đường 9 đoạn”, nhấn mạnh vùng nước lịch sử trong đường này, do đó Trung Quốc có quyền lợi lịch sử. Điều này cũng được luật quốc tế ủng hộ thông qua nguyên tắc phát hiện sớm nhất và khai thác sớm nhất. Nhưng các nước có yêu sách chủ quyền lại áp dụng một cách phiến diện nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đã được Công ước của LHQ về Luật Biển quy định, đưa ra đòi hỏi đối với vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Vấn đề khai thác nghề cá và quản lý các tuyến đường biển trong phạm vi “đường 9 đoạn” hiện nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết có hiệu quả.

Thứ ba là vấn đề đáy biển thềm lục địa. Cấu tạo đáy biển thềm lục địa ở Biển Đông rất phức tạp, việc xác định vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất. Đặc biệt là việc các nước trình “Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa” vào năm 2009 đã làm cho vấn đề càng phức tạp hơn.

Trữ lượng dầu khí, băng cháy ở Biển Đông rất phong phú, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế của các nước. Những tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc Trung Quốc hiện nay đang bị các nước khác cướp đoạt. Việc phân định thềm lục địa trong tương lai sẽ hết sức khó khăn.

Đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông, một mặt cần phải kiên trì chủ trương lãnh thổ, mặt khác cần tìm kiếm các phương thức mới. Trong tương lai, phương thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ truyền thống có thể sẽ không giải quyết được vấn đề một cách hoàn toàn và thực sự. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có tư duy và biện pháp mới để giải quyết, không nên xử lý vấn đề theo tư duy “cùng thua” và phương thức “anh còn tôi mất”. Tất nhiên, những vấn đề này còn phải tiếp tục tìm kiếm, làm thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông là một công việc cần tất cả các nước kể cả Trung Quốc phải suy nghĩ.

Thùy Anh(gt)