Biển Đông có nguồn năng lượng vô cùng phong phú, và dầu khí là trọng điểm tranh thủ khai thác hiện nay. Tác giả cho rằng đẩy nhanh khai thác dầu khí Biển Đông là một trong những trọng điểm để tìm lối thoát cho vấn đề năng lượng của Trung Quốc. Việc thành lập thành phố Tam Sa cho thấy rõ khai thác nguồn tài nguyên và xây dựng căn cứ chiến lược tại Biển Đông được từng bước nâng lên thành chiến lược quốc gia, Biển Đông cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ về mọi mặt, mọi cấp, nhanh chóng thực hiện bước đột phá trọng điểm về khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ chiến lược tại Biển Đông.

Xu thế nút thắt cổ chai trong cung ứng năng lượng của Trung Quốc ngày càng nổi cộm. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Trung Quốc duy trì ở mức trên 10%, nhưng mức tiêu hao năng lượng đang tăng lên ở biên độ lớn. Nếu không thực hiện chuyển đổi mô hình triệt để về sử dụng năng lượng, vấn đề năng lượng sẽ trở thành nút thắt cổ chai lớn nhất trói buộc sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Theo tác giả, trong 20 năm tới, an ninh năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn không lạc quan. Hiện nay, nút thắt cổ chai trong cung ứng năng lượng trong nước của Trung Quốc ngày càng nổi cộm, từ năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Trong thời gian tới, muốn duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định, tương đối nhanh, nhu cầu đối với năng lượng của Trung Quốc tất sẽ tăng lên đáng kể. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy các quốc gia châu Á đang phát triển là động lực chủ yếu của tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm 54% nhu cầu năng lượng được tăng lên trong 20 năm tới, trong khi tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu của hai nước này cũng tăng từ 21% năm 2007 lên 31% như hiện nay. Các dự báo đều cho thấy viễn cảnh cung ứng năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn không lạc quan.

Theo các số liệu dự đoán Biển Đông có trữ lượng dầu khí phong phú, ước đạt hơn 50 tỉ tấn, là một trong 4 khu vực có trữ lượng dầu khí lớn trên thế giới (vịnh Pécxích, vịnh Mêhicô và Biển Bắc). Vì thế, nguồn tài nguyên dầu khí có địa vị đặc biệt quan trọng trong an ninh năng lượng của Trung Quốc. Nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của Biển Đông có thể là căn cứ cung ứng tiềm tàng cho nhu cầu năng lượng Trung Quốc trong tương lai, ở một mức độ nhất định sẽ tạo dựng lại cục diện chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Nhưng từ tình hình khai thác thực tế năng lượng dầu khí Biển Đông, sự tranh giành nguồn dầu khí giữa các nước xung quanh với Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt.

Tác giả cho rằng hiện nay việc khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn tới thềm lục địa phía Bắc Biển Đông (Bắc Biển Đông), tức vùng biển Vịnh Bắc Bộ và duyên hải bán đảo Lôi Châu, Hải Nam. Xuất phát từ nhân tố chính trị, hiện Trung Quốc vẫn chưa khai thác được giếng dầu nào tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Hải Nam có ưu thế vị trí tốt nhất để trở thành căn cứ chiến lược khai thác tổng hợp Biển Đông. Tỉnh Hải Nam nằm ở đầu cực Nam của Trung Quốc, bên trong dựa vào vành đai kinh tế Hoa Nam, bên ngoài tiếp giáp khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí trung tâm địa lý của Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, là vùng xung yếu giao thông nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và là khu vực nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu của Trung Quốc, giao thông trên biển hết sức thuận tiện.

Theo tác giả đảo Hải Nam nằm ở phía Bắc Biển Đông, là dải lục địa gần nhất đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa, có vị trí chiến lược quan trọng bất kể là đối với khai thác tổng hợp dầu khí Biển Đông hay là con đường chiến lược của Biển Đông. Ngoài việc có các cảng biển tự nhiên lớn, đảo này còn là một trong những khu vực tốt nhất để Trung Quốc tham gia chiến lược khai thác dầu khí trong vòng 10 năm tới. Với điều kiện địa lý tương đối khép kín, xây dựng căn cứ chiến lược khai thác tổng hợp Biển Đông sẽ tạo thuận tiện cho việc tập trung quản lý và điều phối. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng của Hải Nam không ngừng được cải thiện đã đặt điều kiện nền móng cho Trung Quốc thẳng tiến ra Biển Đông.

Tác giả cho rằng công tác thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên lục địa của Trung Quốc đã đạt đến tầm cao mang tính lịch sử, bất kể là về thời cơ, tài chính, kỹ thuật, nhân tài, hay về thay đổi kết cấu tiêu thụ năng lượng mang tính căn bản, đều đã đến thời điểm cần tiến quân ra biển. Biển Đông có nguồn dầu khí phong phú và con đường chiến lược quan trọng, ngày càng có địa vị chiến lược nổi bật trong việc bảo đảm an ninh kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia và mở rộng cửa với bên ngoài. Đẩy nhanh khai thác tài nguyên Biển Đông và xây dựng căn cứ dịch vụ là yêu cầu chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cũng là yêu cầu tất yếu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.

Tác giả cho biết, chỉ khi được Trung ương ủng hộ việc khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ ở Biển Đông mới có thể thực hiện buớc đột phá mang tính thực chất. Trong “Một số ý kiến chỉ đạo của Quốc vụ viện Trung Quốc về việc thúc đẩy phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam” đã xác định chiến lược về “khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Biển Đông”, nhưng gần 3 năm nay, do bị ràng buộc bởi nhiều nhân tố, khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Biển Đông vẫn không có đột phá thực chất, cần có sự giúp đỡ từ cấp độ nhà nước mới có thể nhanh chóng thực hiện chủ trương trên.

Cuối cùng tác giả kiến nghị cần đồng thời thúc đẩy xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam với khai thác nguồn tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Biển Đông, “lấy mở cửa thúc đẩy khai thác, lấy khai thác thúc đẩy bảo vệ chủ quyền”, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương đối với thành phố Tam Sa về cơ sở hạ tầng, các dự án quan trọng và vốn, nhanh chóng thúc đẩy khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Biển Đông.

Theo Mạng “Tin tức Hải Nam ”-Trung Quốc (ngày 20/8)

Lê Sơn (gt)