Từ hai năm trở lại đây, vấn đề an ninh trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khiến các nước ngày càng quan tâm. Ở những mức độ khác nhau Trung Quốc cũng đang đứng trước 5 thách thức lớn về vấn đề này. 

 
1. Eo biển Đài Loan và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ 


Trong một giai đoạn rất dài, mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc luôn là xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan có thể xảy ra (đương nhiên nội hàm vấn đề Đài Loan không chỉ giới hạn ở vấn đề an ninh trên biển). Từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, trong khi thế lực “Đài Loan độc lập” phát triển, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường chuẩn bị đấu tranh quân sự chống lại xu thế này. Điều đáng phấn khởi là từ năm 2008 đến nay, cùng với quan hệ hai bờ ngày càng được cải thiện, tình hình Đài Loan cũng ngày càng hòa hoãn, khả năng xảy ra xung đột quân sự cũng giảm đi rõ rệt. 


Trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ quyết tâm và cố gắng lớn nhất để thực hiện thống nhất hòa bình. Mục tiêu trung hạn là trong thời kỳ tương đối dài tới đây, trên cơ sở giao lưu rộng rãi về kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ từng bước triển khai đối thoại, xây dựng lòng tin lẫn nhau về quân sự, ký hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc trạng thái thù địch, xây dựng khuôn khổ phát triển hòa bình ổn định toàn diện giữa hai bờ. Việc thực hiện mục tiêu nói trên về cơ bản sẽ loại bỏ rủi ro về xung đột quân sự ở eo biển, tạo điều kiện quan trọng để nhân dân hai bờ cuối cùng tự nguyện đi đến thống nhất hòa bình. Trước khi thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc vẫn phải đảm bảo sức mạnh răn đe quân sự một cách hữu hiệu chống lại xu hướng “Đài Loan độc lập”, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. 

 
2. Tranh chấp lãnh thổ trên biển và tranh chấp quyền lợi, lợi ích trên biển với các nước láng giềng 


Tranh chấp nói trên (bao gồm tranh chấp các đảo và các vùng nước, khu đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, tài nguyên đáy biển, tài nguyên nghề cá… thuộc các đảo này) vừa liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi hữu quan khác, lại vừa liên quan đến tình cảm dân tộc, tình hình lịch sử và hiện trạng về vấn đề này cực kỳ phức tạp, giải quyết rất khó khăn. Những năm gần đây, tranh cãi nói trên lại một lần nữa tăng lên. Ví dụ như Biển Đông, Trung Quốc va chạm liên tục với Việt Nam, Philíppin và một số nước khác; ở biển Hoa Đông, vụ va chạm tàu mới đây ở đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã làm xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, tranh chấp lãnh thổ và lợi ích biển ở khu vực Đông Á vẫn ở trạng thái có thể kiểm soát được. 


Đối với tình trạng tranh chấp nói trên, chính sách của Trung Quốc kiên quyết và rõ ràng: Trước hết là kiên trì quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền và lợi ích liên quan; thứ hai, chủ trương các bên tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình chứ không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, phản đối thế lực bên ngoài can thiệp; thứ ba, trong tình huống tranh chấp hiện thời khó giải quyết, ủng hộ biện pháp xây dựng lòng tin song phương và đa phương, đồng thời chủ trương áp dụng phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở những khu vực tranh chấp. Từ đầu năm tới nay, một số báo chí nước ngoài đưa tin chính sách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển và lợi ích trên biển của Trung Quốc đã thay đổi, đó là cách nói hoàn toàn không có căn cứ. 

 
3. Mỹ lạm dụng nguyên tắc tự do hàng hải để tiếp cận, trinh sát quân sự đối với Trung Quốc 


Từ lâu nay Mỹ luôn lấy lý do “tự do hàng hải” để tiếp cận Trung Quốc và trinh sát quân sự đối với Trung Quốc. Thời gian gần đây, phương thức trinh sát như vậy có xu thế ngày nhiều hơn và ở khoảng cách gần hơn khiến Trung Quốc ngày càng quan tâm bức xúc. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải, nhưng kiên quyết phản đối Mỹ lạm dụng nguyên tắc này để tiếp cận, trinh sát quân sự đối với Trung Quốc. Việc làm sai trái của Mỹ như vậy không phù hợp với chủ trương “cố gắng xây dựng quan hệ hợp tác tích cực toàn diện Trung Quốc - Mỹ thế kỷ 21” và “áp dụng hành động thiết thực xây dựng quan hệ đối tác vững chắc đối phó với thách thức chung”, đe dọa an ninh quốc gia và lợi ích biển của Trung Quốc, phát đi tín hiệu hết sức tiêu cực và nguy hại đối với Trung Quốc (tức coi Trung Quốc là “đối thủ chính” hoặc “kẻ thù tiềm tàng”), là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ va chạm trên biển giữa hai nước trước đây (như sự kiện va chạm máy bay EP–3 năm 2001, sự kiện tàu “USNS Impeccable” năm 2009, và như vậy sẽ chỉ gây tai hại chứ không có lợi gì cho việc phát triển quan hệ hai nước và quan hệ quân sự hai nước, cản trở xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. 


Bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề này liên quan đến an ninh hàng không và hàng hải song phương, lại càng liên quan đến an ninh quốc gia của Trung Quốc. Sau khi hai nước xác lập phương thức trao đổi thảo luận vấn đề an ninh quân sự trên biển vào năm 1998, phía Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc xây dựng quy tắc hành vi trên biển nhưng hoàn toàn không quan tâm đến lo ngại bức xúc nghiêm trọng của Trung Quốc, cách làm như vậy là không chấp nhận được. Chỉ khi nào Mỹ từng bước giảm thiểu và đi đến chấm dứt trinh sát quân sự khoảng cách gần đối với Trung Quốc, đồng thời hai bên đi đến thảo luận và xây dựng quy tắc hành vi cần thiết trên biển, khi đó mới có phương hướng đúng đắn để giải quyết triệt để bất đồng. 

 
4. Xung đột quân sự khu vực, chủ nghĩa khủng bố, hải tặc tấn công và các loại thiên tai 


Cùng với tốc độ phát triển nhanh của toàn cầu hóa, công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc, đặc biệt là mức độ lệ thuộc vào đường vận tải trên biển quốc tế cũng ngày càng lớn. Tuyến đường biển cực kỳ quan trọng từ Trung Quốc đến châu Phi, châu Mỹ đều thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy tình trạng xung đột quân sự khu vực, chủ nghĩa khủng bố và hải tặc tấn công cùng với các loại thiên tai đều có thể đe dọa nghiêm trọng tự do lưu thông trên biển, từ đó sẽ gây nguy hại đến lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc. Những năm gần đây, hiện tượng hải tặc tấn công hết sức dữ dội. Tháng 3/2010, sự kiện tàu Cheonan xảy ra (cho đến nay thế giới vẫn khó có được nhận định thống nhất về thủ phạm gây ra sự việc) đã gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á. Làm thế nào để có được khả năng bảo vệ an ninh đường biển quốc tế tương xứng với địa vị nước lớn và trách nhiệm nước lớn của mình, đó cả là một thách thức mới mà Trung Quốc đang phải đối mặt. 
Trung Quốc đang cố phát triển lực lượng trên biển trong đó có lực lượng hải quân, việc phấn đấu thực hiện mục tiêu này sẽ là một quá trình lâu dài, thống nhất với xu hướng từ một nước lớn lục địa đang dần phát triển thành nước lớn hải dương của Trung Quốc. Trung Quốc trước sau luôn phản đối “chính sách pháo hạm” dưới các hình thức khác nhau, lại càng không lặp lại con đường bành trướng trên biển như các cường quốc đi trước đã trải qua trong lịch sử. Khi khả năng trên biển đã phát triển, Trung Quốc sẽ có nhiều cố gắng hơn trong việc bảo vệ an ninh tuyến đường vận tải biển, triển khai các hoạt động cứu trợ trên biển và viện trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên biển. Từ năm 2009 hải quân Trung Quốc tham gia chống hải tặc và bảo vệ đường vận tải biển chính là bước đi quan trọng theo hướng này. 


Điều cần chỉ rõ là trên thế giới có một số thế lực luôn muốn hạn chế hải quân Trung Quốc trong phạm vi gọi là chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, ý đồ như vậy là hoàn toàn vô lý. Hải quân Trung Quốc có quyền đi ra biển xa từ phía Đông, việc tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển ở vùng quần đảo Okinawa đến Thái Bình Dương cũng hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế. Tuy nhiên trong vấn đề này, nếu Nhật Bản và Trung Quốc sớm xây dựng được các biện pháp tin cậy lẫn nhau và xây dựng được cơ chế liên lạc trên biển thì như vậy chắc chắn sẽ là điều cần thiết và có lợi. 

 
5. Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (đặc biệt là phổ biến vũ khí hạt nhân) và ô nhiễm sinh thái biển có thể thực hiện được qua đường biển 


Bước vào thế kỷ 21, tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (đặc biệt là phổ biến vũ khí hạt nhân) và ô nhiễm sinh thái biển đã trở thành mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế. Hành động phổ biến vũ khí có thể được thực hiện thông qua tuyến đường vận tải trên biển. Hiện tượng đe dọa an ninh trên biển do môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi khí hậu gây ra, nếu không có sự hợp tác quốc tế một cách thiết thực sẽ ngày càng trầm trọng. Những vấn đề này đã trở thành mối quan tâm bức xúc mới của Trung Quốc về phương diện an ninh trên biển. 


Trước những đe dọa nói trên, Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế nhiều hơn theo luật pháp quốc tế, sẵn sàng cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng và thực thi biện pháp phòng chống phổ biến vũ khí trên biển, cùng bảo vệ môi trường sinh thái biển và quản lý ô nhiễm biển. Một số nước, trong đó có Mỹ luôn muốn Trung Quốc tham gia “Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí” (PSI). Trung Quốc hiểu được mối quan tâm bức xúc của các nước tham gia PSI, cũng tán thành tôn chỉ chống phổ biến vũ khí của PSI, nhưng Trung Quốc cho rằng việc ngăn chặn phổ biến vũ khí trên biển theo cách của PSI vẫn còn có chỗ mâu thuẫn với luật quốc tế hiện hành. Phát biểu tại Praha năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã đề xuất: Phải làm cho sáng kiến chuyển hóa thành “cơ chế quốc tế lâu dài”, vì thế cố gắng làm cho sáng kiến hòa nhập được với luật quốc tế, đó mới là hướng đi đúng đắn. 


Qua phân tích 5 thách thức lớn về an ninh trên biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính sách cơ bản của Trung Quốc như trên, có thể rút ra ba kết luận sau đây:

 
Thứ nhất, về phương diện an ninh truyền thống, giữa Trung Quốc và một số nước vẫn tồn tại bất đồng, va chạm và xung đột lợi ích tương đối lớn, những bất đồng nói trên khó giải quyết được trong thời gian ngắn. Để bảo vệ an ninh biển ở châu Á-Thái Bình Dương, các nước hữu quan cần tích cực đối thoại bàn bạc, xây dựng biện pháp tin cậy lẫn nhau, tăng cường quản lý khủng hoảng, kiểm soát bất đồng, tránh xung đột quân sự, làm cho bất đồng đi theo chiều hướng giải quyết từng bước. 


Thứ hai, về phương diện an ninh phi truyền thống, Trung Quốc và các nước châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước thách thức ngày càng tăng, có những quan tâm bức xúc rất giống nhau, có không gian hợp tác rộng rãi. Việc các nước châu Á-Thái Bình Dương nâng cao độ tin cậy lẫn nhau, đi sâu hợp tác trong lĩnh vực này không những hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của các nước mà cũng có lợi cho việc làm dịu bất đồng giữa các bên. 


Thứ ba, Chính sách an ninh trên biển của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc hiện nay và trong tương lai cũng vẫn là một lực lượng tích cực bảo vệ an ninh biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với sức mạnh tự thân trên biển không ngừng phát triển mạnh, Trung Quốc sẽ cố gắng và tích cực đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng trật tự biển hài hòa ở khu vực và thế giới. 

 

Theo Tạp chí Tri thức thế giới số 23/2010