Trung Quốc đã triển khai ít nhất một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương mới tới căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam, tại thành phố Tam Á. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đã đưa tin này, đồng thời đăng ảnh chiếc tàu được nêu. Dưới đây là phần ghi chép của quan sát viên Alexandr Redchenko. 


Hiện nay, theo những tài liệu công bố, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc gồm 58 tàu diezen và 8 tàu ngầm nguyên tử. Đa số chuyên viên nước ngoài có nhận xét rằng hoạt động hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc trong thời gian qua có những tiến triển mạnh mẽ. Bắc Kinh định hướng phát triển quân đội và hạm đội bằng việc thành lập đội ngũ thiết bị quân sự hiện đại, có khả năng tham gia chiến tranh điện tử và máy tính, thực hiện các chiến dịch chống vũ trụ. Không tham gia các hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược, Trung Quốc nỗ lực xây dựng những hệ thống hạt nhân hiện đại bố trí trên biển và mặt đất. Sự chú ý đặc biệt được dành cho chương trình phát triển các hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa đạn đạo và cánh ngầm, thủy lôi thế hệ mới, các tàu ngầm hiện đại và hàng không mẫu hạm. Tại lễ diễu binh, nhân 60 năm thành lập đất nước hồi tháng 10 năm ngoái ở Bắc Kinh, CHND Trung Hoa đã phô trương 50 loại trang thiết bị mới. 


Nguyên nhân khiến Bắc Kinh biểu dương công khai sức mạnh quân sự là do giờ đây, Trung Quốc đặt mình vào vị thế cường quốc với trọng trách toàn cầu và có ý định rút ngắn khoảng cách về quân sự, chẳng hạn với Mỹ. Giáo sư Sergey Luzhyanin, Phó Giám đốc Học viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga đánh giá: “Khó có thể bác lại việc hiện tại tiềm năng hải quân Trung Quốc còn thua kém Mỹ: Hạm đội trên biển của Trung Quốc hôm nay mới đứng thứ 8 trên thế giới. Trung Quốc đặc biệt tụt hậu về số lượng các tàu lớn với trọng tải trên 10 nghìn tấn. Về phương diện này, Trung Quốc thua Nga, Mỹ, Anh và thậm chí Ấn Độ. Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đứng thứ 5 trên thế giới, với số lượng ít các tàu ngầm hạt nhân. Bởi vậy, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường lực lượng hải quân của mình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác. Trung Quốc cho rằng với tư cách là một cường quốc toàn cầu, họ đương nhiên có quyền sở hữu những phương tiện mang tính chất kiềm chế. 


Hơn thế, theo Giáo sư Luzhyanin, các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng tích cực tăng cường sức mạnh quân sự, ngoài ra ở đây còn có sự hiện diện hùng hậu của Mỹ. Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên không ngừng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Đài Loan đang hoàn thiện quân đội và hạm đội. Việt
Nam cũng tỏ ra kiên trì bảo vệ những lợi ích quốc gia, tích cực thực hiện đường hướng đưa đất nước trở thành cường quốc quân sự với qui mô khu vực. 


Tất nhiên, không ai có quyền lên án chính phủ các nước đang nỗ lực bảo vệ những quyền lợi dân tộc của mình. Nhưng liệu có ai đó sẽ nảy sinh nguyện vọng mở rộng định nghĩa những quyền lợi này? 


Lôgích đơn giản cho thấy, quá trình tích cực tăng cường và hiện đại hóa vũ trang sẽ làm cho các vấn đề an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương phức tạp thêm. Ở mức độ nào đó, những mâu thuẫn này đã được thảo luận tại cuộc trao đổi diễn ra vừa qua tại Hà Nội, giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á và các nước đối thoại. Như tuyên bố tổng kết đã nêu, các bên tham dự trao đổi đã thể hiện sự tin cậy lẫn nhau và nỗ lực phát triển đối tác hợp tác nhằm củng cố hòa bình, duy trì ổn định và phát triển trong khu vực. Không loại trừ, hoạt động này sẽ trở thành bước đi đầu tiên trên con đường hình thành hệ thống an ninh tập thể ở châu Á. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình đơn giản. 


Tương lai nào cho khu vực ?


Đông Á đang trở thành nơi tập trung mâu thuẫn khu vực về biển-quân sự. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố ý định tăng cơ số hạm đội tàu ngầm của nước mình từ 16 lên 22 chiếc tàu ngầm. Ngoài ra,
Tokyo dự kiến sử dụng thêm 2 chiếc tàu ngầm bổ sung vào mục đích tập luyện. Tất cả những động thái đó sẽ được tiến hành trong khuôn khổ chương trình quốc phòng căn bản, trù tính cho đến năm 2015 và sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 12/2010. 


Theo như tuyên bố của Nhật Bản, những biện pháp này là lời đáp trả cho hành động cách đây không lâu của Trung Quốc về việc củng cố hạm đội hải quân sát gần quần đảo Nhật Bản. Bắc Kinh đã gia tăng con số tàu ngầm của mình lên tới 60 chiếc. Báo “The Japan Times” đưa tin, ngoài ra phía Trung Quốc đã xây dựng ở đảo Hải
Nam một căn cứ ngầm dưới đất dành cho thiết bị hạt nhân. Ban lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã bố trí chiếc tàu ngầm hạt nhân mới nhất lớp Thương tại căn cứ trên đảo Hải Nam . Các đại diện Hồng Công đã chụp hình những chiếc tàu ngầm đồ sộ, còn báo Nhật Bản thì đăng tải hình ảnh. 


Sự lo ngại của Nhật Bản do nguyên nhân gia tăng tiềm lực quân sự của Trung Quốc và sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của nước này, còn được trình bày trong ấn phẩm có nhan đề “Sách Trắng về quốc phòng năm 2010”. Trong cuốn sách này, có nhận định cho rằng động thái củng cố và hoàn thiện trang bị vũ khí của lực lượng vũ trang Trung Quốc “là đối tượng nguy hại đối với khu vực và sự hợp tác quốc tế”, trong khi ở “Sách Trắng năm 2009 chỉ đánh giá là “gây nguy hiểm”. Tôkyô đặc biệt lo ngại trước mức độ hoạt động của hải quân Trung Quốc ở ngay sát bờ biển Nhật Bản. 


Các nước Đông Á khác hiện nay cũng đang tập trung nỗ lực theo hướng mở mang lực lượng hải quân. Hòn đảo Đài Loan hoàn thiện quân đội và hạm đội với sự đồng tâm hiệp lực của Mỹ. Việt
Nam đã bắt đầu thi hành đường lối biến đất nước thành cường quốc biển tầm khu vực. Tương ứng với ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc năm 2010, chi phí cho những tàu chiến tăng thêm 23,7% so với năm ngoái. Chỉ riêng việc kiến thiết căn cứ hải quân Jeju-si đã được cấp 97,5 triệu won (tức 7,8 triệu USD). 


Là khu vực hàm chứa nhiều tranh chấp lãnh thổ và là nơi đã không chỉ một lần xảy ra đụng độ trên biển, liệu hiện tượng đua tranh gia tăng lực lượng hải quân như vậy có đe dọa sự ổn định tại Đông Á? - chuyên viên Aleksandr Khramchikhin Trưởng ban nghiên cứu của Viện phân tích chính trị và quân sự, khẳng định “Tất nhiên là đe dọa”. 


Сhuyên viên phân tích của Nga nhận xét: “Nhưng đó là phản ứng thỏa đáng khi có sự gia tăng nguy cơ từ phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân của mình, thì hiển nhiên là các nước láng giềng phải có phản ứng. Bất chấp Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản không còn cách nào khác là thi hành những biện pháp thích hợp. Thêm nữa Trung Quốc gia tăng hải quân một cách khá công khai. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, tham vọng của Trung Quốc càng lớn thêm, kể cả tham vọng quân sự. Rõ ràng động thái đó cần cho Trung Quốc để mở rộng những tài nguyên dự trữ của nước này và biết đâu trong tương lai rất có thể là để chiếm lĩnh lãnh thổ của các nước xung quanh. Nhìn chung, hiện giờ điều chủ yếu là việc tăng cường các trang bị thông thường đang diễn ra chủ yếu tại Đông Á, khu vực đang dần trở thành địa bàn chính của đối kháng hải quân thế giới...”.

Như vậy, một mặt là tình trạng các nước trong khu vực tăng cường chạy đua vũ trang hải quân. Mặt khác, là những tuyên ngôn về cố gắng phát triển đối tác, hướng tới củng cố hòa bình và ủng hộ sự ổn định tại khu vực. Liệu cán cân sẽ nghiêng về phía nào đây?./.

 

 

 

 

Tổng hợp từ TTXVN