Giới thiệu

1. Tôi rất vui mừng được trở lại trường Đảng Trung ương. Lần gần đây nhất tôi nói chuyện tại trường là vào năm 2005. Trong vòng 7 năm, thế giới đã thay đổi đáng kể. Châu Á đã trở thành một trong những khu vực sôi động nhất trên thế giới. TQ và Ấn Độ đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng, trong khi Đông Nam Á cũng phát triển mạnh mẽ. Trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển dần về phía Đông.

2. Thế giới cũng đã trở nên liên kết và phụ thuộc lẫn nhau hơn. Thương mại thế giới tăng trưởng nhanh chóng, trong khi các thị trường tài chính liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa. Mạng internet giờ đây kết nối hơn một phần ba nhân loại. Rất nhiều hoạt động thực tế nay diễn ra trên không gian ảo, cho dù đó là kinh doanh, giải trí, mạng xã hội, hay thậm chí là tổ chức chính trị. Điều này đã làm thay đổi các chính phủ, xã hội, các nền văn hóa và nền kinh tế.

3. Trong thế giới siêu kết nối này, lợi ích của các quốc gia đơn lẻ có liên hệ chặt chẽ với nhau. Các vấn đề của một quốc gia có thể nhanh chóng lan sang các quốc gia khác. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các vấn đề của thị trường nợ Mỹ đã tác động đến toàn thế giới. Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2008, tôi đã được xem một học giả TQ giải thích chi tiết trong một chương trình đàm thoại về việc Bear Sterns và Lehman Brothers đã phá sản và gây nên sự sụp đổ hệ thống như thế nào. Việc xem được một chương trình như vậy ở TQ đã là khó tưởng tượng nổi ngay cả ở một thập kỷ trước đó. Thứ nhất là do hệ thống tài chính quốc tế trước đây chưa hội nhập toàn cầu, một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như vậy là khó xảy ra. Thứ hai là do đã không ai nghĩ rằng người dân TQ lại quan tâm sâu sắc tới các chi tiết phức tạp của thị trường tài chính quốc tế đến vậy.

4. TQ đã hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Các công nhân và nhà máy TQ phục vụ các khách hàng và thị trường trên khắp thế giới. TQ đã tiếp cận được với các công nghệ, nguồn đầu tư và ý tưởng mới. Đồng thời, TQ cũng đã xúc tác cho quá trình toàn cầu hóa. Hơn một tỷ người dân TQ đang tham gia vào nền kinh tế thế giới, không chỉ có các công nhân mà còn có các kỹ sư, nhà khoa học, doanh nhân, và người tiêu dùng. Nhiều quốc gia đã bắt đầu cảm thấy tác động từ sự trỗi dậy của TQ. Nền công nghiệp, việc làm và xã hội của họ đang trải qua những sự thay đổi sâu rộng. Những lợi ích lâu dài của sự trỗi dậy của TQ là vô cùng to lớn, nhưng những thử thách ngắn hạn làm sao để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới cũng không hề nhỏ. Quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn và đau đớn.

5. Nhưng TQ đang ở một thời khắc quyết định. Trên trang web của trường Đảng trung ương có rất nhiều bài tranh luận về các cải cách kinh tế, xã hội và chính trị của TQ. Các bạn rõ ràng là nắm vững các vấn đề này. TQ cần phải cải cách nền kinh tế để tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân. Cần phải tái cơ cấu từ một nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa trên nhu cầu, bền vững hơn. TQ cần chuẩn bị cho tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày một tăng. TQ cũng cần phải thực hiện những cải cách chính trị để đáp ứng những kỳ vọng của người dân về trách nhiệm giải trình, trong khi vẫn duy trì được trật tự và ổn định xã hội. Làm sao để thực hiện các cải cách đó và thực hiện nhanh đến đâu là vấn đề đang được tranh luận mạnh mẽ. Đây là những thách thức nghiêm trọng và phức tạp đối với bất cứ quốc gia nào, không chỉ riêng TQ. Và do đó cũng là lẽ đương nhiên khi các nhà lãnh đạo TQ đang đặt trọng tâm với những ưu tiên trong nước.

Vai trò của Trung Quốc trên thế giới

6. Tuy nhiên, những lợi ích quốc tế của TQ cũng quan trọng không kém. TQ đã trở thành một chủ thể chính trong hệ thống toàn cầu, phụ thuộc chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Mức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của TQ cũng đồng nghĩa với việc mọi hành động của TQ sẽ được xem xét kỹ lưỡng bởi cộng đồng quốc tế và các chính sách đối ngoại và đối nội của TQ sẽ luôn ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Ví dụ, nhu cầu của TQ về các nguồn tài nguyên thiên nhiên làm khuấy động thị trường toàn cầu; Cán cân thương mại của TQ tác động đến thị trường tài chính quốc tế; Những chính sách an ninh của TQ ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của các quốc gia khác. Do đó, việc tính đến những ảnh hưởng của các chính sách của mình đối với các quốc gia khác chính là lợi ích của TQ.

7. TQ không còn là một vương quốc cô lập, tự cung tự cấp thời Trung cổ. TQ giờ đây là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là một quốc gia thương mại lớn. Nó phụ thuộc vào một hệ thống thương mại toàn cầu mở, toàn diện và công bằng để phát triển. Nó cần một môi trường quốc tế ổn định và mối quan hệ tốt với các quốc gia khác để có thể tập trung phát triển kinh tế. TQ là một chủ thể chính mà không một vấn đề quốc tế nào có thể giải quyết được mà thiếu sự tham gia của TQ, cho dù là vấn đề biến đổi khí hậu, Vòng đàm phán Doha hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

8. Sự hội nhập của TQ vào hệ thống quốc tế đã diễn ra trơn tru, cho thấy ảnh hưởng của TQ lớn đến mức nào. TQ đã được hưởng lợi rất lớn từ môi trường toàn cầu hòa bình và ổn định. Việc duy trì trật tự thế giới này, mà cụ thể là luật pháp quốc tế, hệ thống toàn cầu phù hợp và công bằng cho mọ quốc gia lớn nhỏ, là lợi ích của TQ. TQ đã làm như vậy, ví dụ việc gia nhập WTO và tuân thủ các luật lệ của tổ chức này trong các tranh chấp thương mại. Điều này củng cố những gì mà TQ đã nhiều lần khẳng định - rằng TQ không theo đuổi bá quyền và mong muốn có được các mối quan hệ thân thiện, bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia khác.

9. Đó là lý do tại sao Singapore tin rằng sự phát triển hòa bình của TQ sẽ có lợi cho Singapore và toàn thế giới, và đã ủng hộ cho sự phát triển của TQ bằng nhiều biện pháp thực tế. Một TQ thịnh vượng, ổn định, hội nhập với cộng đồng quốc tế là nhân tố chính cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở châu Á và trên thế giới.

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ

10. Trong các quan hệ đối ngoại của TQ, không có mối quan hệ nào quan trọng hơn quan hệ với Mỹ. Đây là mối quan hệ song phương quan trọng nhất đối với cả hai bên và đối với toàn thế giới.

11. Mỹ vẫn sẽ là siêu cường thống trị trong tương lai gần. Tuy đang đối mặt với nhiều vấn đề hết sức khó khăn, nhưng Mỹ không phải là quốc gia đang suy thoái. Mỹ là một xã hội vô cùng linh hoạt và sáng tạo, thu hút nhiều nhân tài trên khắp thế giới, bao gồm nhiều người từ TQ và các nước châu Á khác. Những người mới đến này thường hòa nhập thành công và đóng góp đáng kể cho xã hội, giáo dục hay kinh doanh. Cả 8 giải Nobel khoa học của người TQ đều đã hoặc sau đó đã trở thành công dân Mỹ. Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp khả năng tái tạo sinh lực và tự đổi mới của Mỹ.

12. Toàn khu vực của chúng ta, bao gồm cả Singapore sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển trong mối quan hệ TQ - Mỹ. Chúng tôi hy vọng mối quan hệ TQ - Mỹ sẽ hưng thịnh bởi vì chúng tôi là bạn với cả hai quốc gia. Chúng tôi không muốn thấy mối quan hệ của họ xấu đi hoặc bị buộc phải chọn một trong hai. Ảnh hưởng của Singapore là khiêm tốn, nhưng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy mối quan hệ tốt thông qua các tuyên bố và hành động của mình.

13. TQ và Mỹ có nhiều lợi ích chung. TQ phụ thuộc vào thị trường và công nghệ của Mỹ. Đối với nhiều công ty Mỹ, TQ là thị trường xuất khẩu và là cơ sở sản xuất chính. TQ là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất và do đó không mong muốn nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn. Trong chuyến thăm TQ năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói rằng cả hai quốc gia đều có những khó khăn chung, do đó nên hợp tác với nhau và tránh xung đột. Singapore đồng tình với quan điểm này.

14. Tuy nhiên, mối quan hệ TQ - Mỹ có nhiều mặt. Cho dù rõ ràng hai quốc gia hợp tác trong nhiều lĩnh vực, vẫn có các lĩnh vực mà hai nước cạnh tranh. Theo thời gian, va chạm là không tránh khỏi. Về nhân quyền và dân chủ, hai quốc gia có những quan điểm rất khác biệt. Về cơ bản, sự phát triển của TQ cho thấy một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực. Lịch sử cho thấy rằng khi các thế lực mới nổi lên thường dẫn đến bất ổn và xung đột. Bộ phim truyền hình TQ “Sự trỗi dậy của cường quốc” một vài năm trước cho thấy các nhà lãnh đạo tư tưởng TQ hiểu được sự cần thiết của việc học hỏi từ lịch sử và tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

15. Hơn nữa, cả TQ và Mỹ đều phải cân nhắc các áp lực chính trị trong nước và chủ nghĩa dân tộc trong việc quản lý các mối quan hệ của mình. Một bộ phận người Mỹ lo lắng về sự trỗi dậy của TQ. Tầng lớp tinh hoa thì lo lắng về tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, còn những người công nhân bình thường lo lắng về công việc và tương lai của họ.

16. Về phía TQ, một số người nghi ngờ Mỹ muốn kiềm chế TQ. Giới trẻ TQ, trưởng thành sau Cách mạng Văn hóa, những người được hưởng lợi từ công cuộc tự do hóa của TQ, và đương nhiên tự hào về những thành tựu của TQ. Một vài trong số họ tin rằng TQ nên bớt cam chịu hơn, và nên từ bỏ phương châm giấu mình chờ thời (“Thao Quang Dưỡng Hối”) của Đặng Tiểu Bình. Những quan điểm như thế thường thấy trên mạng.

17. Vì thế cả TQ và Mỹ đều phải xử lý bước thay đổi này trong quan hệ hai nước một cách khôn ngoan và cẩn trọng. Đôi bên cần tăng cường tin tưởng lẫn nhau, từ đó tránh hiểu lầm ý đồ của đối phương và đưa ra những bước đi sai lầm. Do đó, chúng tôi hưởng ứng việc mở rộng đối thoại ở mọi cấp giữa hai quốc gia. Những cuộc tiếp xúc không chính thức giữa các cơ quan an ninh và quốc phòng, như việc tham gia vào Đối thoại Shangri-la do Singapore làm chủ tịch hàng năm, góp phần tăng cường sự hiểu biết và lòng tin giữa hai nước.

18. Một nhân tố quan trọng trong quan hệ Mỹ - TQ là vấn đề Đài Loan. Quan hệ hai bờ eo biển từ lâu đã là điểm nóng tiềm tàng TQ và Mỹ. Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi chính phủ Quốc dân đảng đắc cử năm 2008. Ngày nay, “Tam thông” đã trở thành hiện thực. Các cử tri Đài Loan ủng hộ quan hệ ổn định hơn giữa hai bờ eo biển, và điều đó lại ảnh hưởng đến vị trí của các đảng phái chính trị tại Đài Loan. Nhiều quốc gia CÁ - TBD cũng ủng hộ những động thái tích cực này.

19. Mỹ đang và sẽ tiếp tục duy trì quyền lực tại khu vực CÁ - TBD. Các nhà lãnh đạo TQ cũng chào đón sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Lương Quang Liệt thừa nhận khu vực CÁ - TBD đủ rộng lớn cho sự hiện của cả Mỹ và TQ, dù hai quốc gia có những điều kiện, nhu cầu và lợi ích chiến lược khác nhau.

20. Singapore tin rằng sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại khu vực sẽ đóng góp cho an ninh và sự thịnh vượng của châu Á. Mỹ có lợi ích chính đáng lâu dài và đóng một vai trò quan trọng tại châu Á mà không một quốc gia nào khác có thể làm được. Điều này không đơn thuần xuất phát từ sức mạnh quân sự hay kinh tế mà còn từ những yếu tố lịch sử. Sáu mươi năm sau kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc, sự hiện diện của Mỹ đã tạo nên một môi trường hòa bình cho khu vực phát triển thịnh vượng. Đấy là lý do tại sao nhiều quốc gia CÁ - TBD hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp vào nền hoàn bình và ổn định của khu vực.

21. Dù đôi khi vẫn còn những căng thẳng, quan hệ Mỹ - TQ đang ngày càng phát triển. Hai nước một mặt tiếp tục duy trì mối quan hệ toàn diện, mặt khác vẫn tiếp tục giải quyết các vấn đề lớn nhỏ, từ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến vụ Trần Quang Thành. Lãnh đạo cả hai bên đều nhận thức được những lợi ích chung to lớn. Giới lãnh đạo TQ có thể nhìn xa hơn những vấn đề song phương nhất thời, hướng đến tầm nhìn dài hạn. Những Tổng thống kế tiếp của Mỹ đã nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với TQ, bất chấp những lời gièm pha trong suốt các chiến dịch tranh cử. Họ thừa nhận Mỹ không thể kỳ vọng TQ sẽ thay đổi hình ảnh theo hướng một số người Mỹ mong muốn.

22. Những người Mỹ cẩn trọng, thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cũng nhận thức được rằng bất cứ một nỗ lực nào nhằm kiềm chế TQ đều sẽ đi đến thất bại. Quan hệ Mỹ - TQ trong thế kỷ 21 không thể nào so sánh với quan hệ Mỹ - Liên bang Xô-viết thời Chiến tranh Lạnh. Thương mại giữa Mỹ và Xô-viết thời kỳ này là không đáng kể, và ngăn chặn hạt nhân là yếu tố đảm bảo ổn định hàng đầu. Ngày nay, TQ và Mỹ có mối quan hệ mật thiết và được củng cố bởi sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Mỹ không thể kiềm chế TQ mà không cùng lúc làm tổn thương chính mình. Các nước châu Á và châu Âu sẽ không tham gia vào một nỗ lực sai lầm nhằm kiềm chế TQ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Singapore đã nói rõ quan điểm này trong một bài phát biểu tại Washington hồi đầu năm 2012, một quan điểm được nhiều quan chức Mỹ chấp nhận. Cuối cùng, cả TQ và Mỹ phải phát triển một bản tạm ước mới, phản ánh thực tế và lợi ích của cả hai bên.

Vai trò của Trung Quốc trong khu vực

23. Bên cạnh việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, TQ cũng có lợi ích chiến lược tại một khu vực châu Á ổn định và thịnh vượng. Các quốc gia láng giềng thịnh vượng sẽ là đối tác đáng giá trong sự phát triển của TQ, là nguồn vốn đầu tư và nguyên liệu thô. Một môi trường an ninh ổn định sẽ cho phép TQ tập trung vào những mục tiêu phát triển, và không bị xao lãng bởi những căng thẳng trong khu vực.

24. Một châu Á thịnh vượng và ổn định đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các bên liên quan trong khu vực. Một khuôn khổ hợp tác khu vực như vậy đang dần được hình thành. ASEAN chính là nền tảng cho một khuôn khổ như vậy. Tổ chức này neo giữ những cấu trúc an ninh khu vực lớn hơn bao gồm ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Đồng thời, việc châu Á không trở thành một khối kín cũng rất quan trọng. Châu Á cần giữ một cấu trúc mở và duy trì những liên kết chặt chẽ xuyên TBD với các quốc gia Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của APEC, nơi các nhà lãnh đạo đã gặp gỡ vào tuần này ở Vladivostok.

25. Những tổ chức này đưa các quốc gia CA-TBD xích lại gần nhau và cùng thảo luận, hợp tác trên nhiều mặt, bao gồm hội nhập kinh tế, phát triển chính trị - an ninh và hợp tác chuyên ngành. Chúng cũng mở đường cho một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên.

26. Vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa của cấu trúc khu vực. Tất cả các nước lớn đều yên tâm khi để ASEAN giữ vai trò lãnh đạo, trở thành đòn bẩy trong các cuộc thảo luận và hợp tác. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi một ASEAN thống nhất, hiệu quả và thân thiện với tất cả các nước lớn, bao gồm cả TQ. Một ASEAN chia rẽ và mất uy tín sẽ dẫn đến kịch bản các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn giữa các nước lớn, và khu vực Đông Nam Á sẽ biến thành một vũ đài thù địch và cạnh tranh, nơi mà không ai giành phần thắng.

27. Tôi lấy làm vui mừng khi TQ đã gắn kết một cách tích cực với ASEAN. TQ là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của TQ. ASEAN và TQ đã ban hành một Hiệp định Tự do Thương mại FTA vào năm 2000, khi ông Chu Dung Cơ làm Thủ tướng. Động lực của sáng kiến táo bạo này không chỉ xuất phát từ những lợi ích kinh tế mà còn bởi mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. TQ cũng hợp tác với các quốc gia ASEAN trong một chương trình nghị sự rộng lớn, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng (theo Bản kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN), năng lượng, văn hóa và sức khỏe cộng đồng. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều chào đón những cam kết của TQ và sẵn sàng mở rộng quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi.

Biển Đông

28. Tuy nhiên, mặc dù mối quan hệ giữa TQ và ASEAN đang ngày càng sâu sắc, vẫn không tránh khỏi việc xuất hiện những vấn đề giữa TQ và ASEAN, hay giữa TQ với các quốc gia thành viên ASEAN đơn lẻ. Một trong những vấn đề đó là tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Tôi sẽ nói chi tiết về vấn đề này, với hy vọng các vị có thể hiểu rõ hơn quan điểm của Singapore, cũng như những suy nghĩ cơ bản của chúng tôi về các vấn đề chính sách đối ngoại.

29. Các tranh chấp về chủ quyền rất phức tạp và khó giải quyết. Không bên nào có thể dễ dàng từ bỏ những yêu sách của mình mà không phải trả giá đắt về mặt chính trị. Những yêu sách chồng lấn của các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông sẽ không thể sớm được giải quyết. Vì vậy trên quan điểm của Singapore, các bên liên quan cần quản lý các tranh chấp một cách có trách nhiệm, tránh để xung đột leo thang hay tiến tới đối đầu, ảnh hưởng tới vị thế quốc tế của khu vực.

30. Singapore giữ một lập trường thông suốt và nhất quán về vấn đề biển Đông. Chúng tôi không phải là một nước đưa ra yêu sách chủ quyền, không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, chúng tôi không thể đánh giá thực chất của các tuyên bố. Tuy nhiên, Singapore có những lợi ích quan trọng nhất định đang bị đe dọa.

31. Đầu tiên, với tư cách là một nước rất nhỏ, chúng tôi có lợi ích căn bản trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với luật quốc tế. Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng các tranh chấp về chủ quyền và quyền hàng hải ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS).

32. Thứ hai, thương mại là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế của chúng tôi. Tỉ trọng ngoại thương của chúng tôi cao gấp ba lần GDP. Do vậy, tự do hàng hải là một lợi ích căn bản, đặc biệt là tự do hàng hải dọc theo tuyến vận tải biển của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có hai tuyến: Eo biển Malacca và Biển Đông. Do vậy, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với sự sống còn và phát triển của chúng tôi. Dù những tranh chấp ở Biển Đông có tồn tại, tự do hàng hải vẫn phải được duy trì. Tàu thuyền của nhiều quốc gia cùng sử dụng Biển Đông, do đó tôi chắc chắn rằng những quốc gia này sẽ chia sẻ mối quan tâm này với Singapore.

33. Thứ ba, với tư cách là một nước Đông Nam Á nhỏ, ASEAN rất thiết yếu đối với Singapore, an ninh của chúng tôi phụ thuộc vào một Đông Nam Á hòa bình và ổn định, điều này lại phụ thuộc vào một ASEAN đoàn kết.

ASEAN phải tiếp tục đoàn kết để có thể thực thi ảnh hưởng ở cấp độ quốc tế, để lời nói của chúng tôi có trọng lượng, và để đảm bảo và tăng cường lợi ích chung của chúng tôi. Nếu ASEAN bị suy yếu, an ninh và ảnh hưởng của Singapore cũng sẽ giảm sút.

34. Quay lại với những sự kiện gần đây, Biển Đông là một vấn đề trọng tâm của ASEAN. Đối với ASEAN, không giải quyết được vấn đề này sẽ phá hủy nghiêm trọng sự tín nhiệm đối với tổ chức. ASEAN không thể đứng về bất cứ bên nào trong số các bên yêu sách chủ quyền, mà phải đứng và duy trì vị trí trung lập, hướng tới tương lai, và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề. Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông được Indonesia đưa ra gần đây đã làm được điều đó. ASEAN đã chấp nhận những nguyên tắc này. Đây là một tiến bộ tích cực. Chúng tôi cũng hi vọng rằng ASEAN và TQ sẽ sớm bắt đầu đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

35. Bên cạnh chủ quyền và quyền lợi hàng hải, ASEAN và TQ còn nhiều lợi ích to lớn hơn đang bị đe doạ tại Biển Đông. Nhiều quốc gia đang theo dõi chúng ta sát sao. Họ sẽ nhìn nhận cách TQ giải quyết các vấn đề khó khăn song phương với các nước láng giềng như là dấu hiệu về ý nghĩa của sự trỗi dậy của nước này đối với thế giới. Họ cũng sẽ chú ý hành động của ASEAN để xem liệu hiệp hội có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề khó khăn hay không. ASEAN và TQ không thể cho phép chỉ một vấn đề này ảnh hưởng tới mối quan hệ nhìn chung là tích cực giữa hai bên. Lợi ích giữa ASEAN và TQ khá rộng và mặt tích cực là chủ đạo, và nên duy trì như vậy.

Quan hệ đối tác Trung Quốc - Singapore

36. Tôi đã phát biểu thẳng thắn về cơ hội và thách thức đang đặt ra cho TQ, và cũng đặt ra cho khu vực trong khi thích nghi với một TQ đang trỗi dậy. Với tư cách là một nước nhỏ, Singapore nhìn nhận thế giới như nó vốn có. Chúng tôi theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập trên cơ sở lợi ích quốc gia. Chúng tôi coi trọng quan hệ thân thiết với TQ và các nước khác. Tuy nhiên, Singapore có vị trí địa chính trị đặc thù. Chúng tôi có đa số dân cư người Hoa. Chúng tôi lại bị bao quanh bởi các nước láng giềng có đa số dân không phải người Hoa, với thiểu số người gốc Hoa có vị trí dễ bị tổn thương về mặt chính trị. Đó là lý do vì sao Singapore luôn luôn cần được xem là hành động độc lập nhân danh chính mình. Bằng tiếng nói độc lập, khách quan của mình, chúng tôi có thể phát biểu với sự tín nhiệm, và điều đó rất hữu ích đối với bạn bè và đối tác của chúng tôi.

37. Tôi rất vui mừng khi thấy Singapore và TQ có mối quan hệ lâu dài, hiệu quả và đôi bên cùng có lợi. Nó đã bắt đầu rất lâu trước khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1990, và thậm chí còn trước cả khi Đặng Tiểu Bình thăm Singapore năm 1978.

38. Trong vài thập kỷ qua, TQ đã thay đổi hoàn toàn thông qua chính sách cải cách và tự do hóa, và Singapore cũng biến chuyển mạnh mẽ. Cả hai sẽ tiếp tục thay đổi. Quan hệ đối tác cũng sẽ thay đổi phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta. Năm 1994, chúng ta đã mở Khu công nghiệp Tô Châu (SIP), áp dụng kinh nghiệm của Singapore trong phát triển công nghiệp hợp nhất và kế hoạch hóa đô thị vào môi trường TQ. Tôi rất mừng rằng từ đó nhiều thành phố và tỉnh của TQ đã áp dụng các ý tưởng của SIP. Dự án này đã vượt xa so với mong đợi của chúng ta.

39. Khi TQ bắt đầu tập trung vào phát triển bền vững, chúng ta tiến hành dự án Thành phố sinh thái Thiên Tân vào năm 2007. Trong những dự án gần đây, chúng ta tập trung vào các khía cạnh phần mềm của phát triển, ví dụ như ở Thành phố Tri thức Quảng Châu và Khu Sáng kiến Công nghệ cao Singapore-Tứ Xuyên (HTIP). Tuần vừa qua tôi đã đi thăm Thành phố sinh thái Thiên Tân và HTIP, và tôi rất ấn tượng với những phát triển ở đó. Tháng 7/2012, Singapore và TQ đã đồng ý ủy quyền cho một ngân hàng TQ ở Singapore làm ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ. Điều này sẽ có lợi cho các công ty kinh doanh ở TQ, và giúp thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế. Tôi hôm nay, thủ tướng Ôn Gia Bảo và tôi sẽ tham dự lễ ký hiệp định thành lập Khu Thực phẩm ở Cát Lâm. Khu Thực phẩm Cát Lâm sẽ là một khu thực phẩm chất lượng cao, với một Hệ thống An toàn thực phẩm phỏng theo hệ thống và quy trình của Singapore.

40. Quan hệ đối tác của chúng ta phải tiếp tục phát triển. Singapore đang ở trong một thời kỳ phát triển mới. Chúng tôi mong muốn phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, và giúp xã hội và hệ thống chính trị của chúng tôi thích nghi với một thế giới khác biệt. Thế giới luôn thay đổi, và chúng tôi thấy con đường của mình ở phía trước. TQ cũng đang trong quá trình chuyển đổi như vậy. Một vài thách thức của họ cũng tương tự như của Singapore, dù là ở phạm vi lớn hơn.

41. Một vấn đề đặt ra cho Singapore là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, nhằm tạo ra không chỉ một nền kinh tế thịnh vượng mà còn là một xã hội đa dạng và hài hòa. TQ cũng đang tập trung vào thách thức này. Trong khuôn khổ Ủy ban chung Singapore-Trung Quốc về Hợp tác song phương (JCBC), chúng ta đang mở rộng hợp tác đến quản lý xã hội.

42. Một vấn đề nữa là ảnh hưởng của Internet và truyền thông xã hội. TQ có hàng trăm triệu cư dân mạng, trong khi Singapore là một quốc gia có mức độ kết nối mạng cao. Các ưu điểm của Internet rất rõ ràng, nhưng vẫn cần phải xem xét ảnh hưởng lâu dài của nó lên xã hội và nền văn hóa của chúng ta. Diễn đàn lãnh đạo Trung Quốc-Singapore lần thứ 3, do Trưởng ban tổ chức Trung ương Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Phó thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền chủ trì, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý truyền thông xã hội.

43. Có những điểm tương đồng khác giữa hai nước chúng ta. Singapore hi vọng có thể học tập phương pháp và ý tưởng của TQ, và hi vọng rằng kinh nghiệm của chúng tôi có thể tiếp tục đáng quan tâm và có ích đối với TQ.

Kết luận

44. Tôi vừa chia sẻ những suy nghĩ của mình về các cơ hội và thách thức dài hạn mà TQ phải đối mặt, cũng như quan hệ của họ với các nước khác.

45. Truyền thông quốc tế có xu hướng tập trung vào các vấn đề chính trị và kinh tế đương đại của TQ: liệu rằng nền kinh tế nước này sẽ “hạ cánh mềm” hay “hạ cánh cứng”, hay liệu giá cổ phiếu sẽ tăng lên hay giảm xuống. Tôi không thể dự đoán được sàn chứng khoán Thượng Hải ngày mai sẽ đóng cửa với ngưỡng cao hơn hay thấp hơn, nhưng tôi tin tưởng vào triển vọng lâu dài của TQ.

46. Tôi tin rằng chính phủ và nhân dân TQ quyết tâm vượt qua những thách thức chồng chất hiện này. Tôi tự tin rằng TQ sẽ tìm ra con đường thành công của riêng mình. Và tôi cũng tin rằng thành công của TQ sẽ đưa tới một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho bản thân họ, cho châu Á và toàn thế giới. Do đó, tôi chúc mừng TQ và trông đợi tương lai hợp tác chặt chẽ lâu dài giữa Singapore và TQ.

Theo Văn phòng Thủ tướng Singapore

Trần Quang (gt)