Vào mùa Xuân 2015, người ta sẽ thấy hải quân Trung Quốc có mặt ở Địa Trung Hải để tham gia tập trận chung với Nga. Kế hoạch tập trận chung được công bố hồi tuần trước ở Bắc Kinh sau một hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc.

Rõ ràng, Trung Quốc chắc chắn sẽ thoả mãn với việc tàu hải quân của họ xuất hiện ở ngay vùng biển được coi là "trái tim" của nền văn minh châu Âu. Tuy nhiên, không chỉ mang tính biểu tượng đơn thuần, cuộc tập trận chung cho thấy những bước đi quan trọng của cả Trung Quốc và Nga nhằm tác động tới trật tự thế giới. Bắc Kinh và Moskva thường lên tiếng phản đối hoạt động quân sự của phương Tây ở gần biên giới nước họ. Trung Quốc phàn nàn về việc máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ tiến sát bờ biển của mình. Nga tìm cách ngăn chặn kế hoạch Đông tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kết nạp thêm thành viên ở vùng đệm ảnh hưởng. Vì thế, cuộc tập trận chung sắp tới ở Địa Trung Hải sẽ phát đi một thông điệp khá rõ ràng: nếu NATO có thể tuần tra gần biên giới Trung Quốc và Nga, thì hai nước này cũng có thể tiếp cận khu vực được coi là "sân nhà" của NATO. Học thuyết Sinatra ngụ ý rằng các nước đều có thể hành xử theo cách riêng của mình dường như lại phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. 

Đằng sau kế hoạch tập trận chung là một chiến lược sâu rộng hơn nhằm tái lập trật tự thế giới dựa trên ảnh hưởng của mình. Cả Trung Quốc và Nga đều cho rằng họ có quyền phủ quyết đối với những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng. Theo cách tiếp cận này, Nga coi việc Ukraine - một quốc gia nằm dưới quyền thống trị của Moskva trong nhiều thế kỷ, nay gia nhập liên minh của phương Tây là điều không thể chấp nhận. Thay vào đó, Tổng thống Vladimir Putin thúc đẩy ý tưởng thành lập một liên minh Á-Âu nhằm khôi phục vị thế của Nga ở vùng ảnh hưởng truyền thống. Cũng có thể coi đây là đối trọng của Liên minh châu Âu (EU).

Gần đây, Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở châu Á dựa trên tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại theo đuổi chính sách hiếu chiến đối với những vấn đề an ninh. Hiện Trung Quốc đang can dự vào tranh chấp chủ quyền biển với một số nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam... Năm 2013, Trung Quốc còn tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông. Một vài ý kiến ở phương Tây gợi ý rằng vì hòa bình, nên công nhận ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đối với khu vực. Thậm chí, trả lời phỏng vấn tờ "Tấm gương" gần đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger còn nói thẳng rằng có những lý do khiến Ukraine không thể tự quyết định tương lai của chính mình.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama dĩ nhiên không thể chấp nhận hướng tiếp cận này. Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tony Blinken, Washington phản đối khái niệm về bá chủ khu vực và khẳng định các nước dân chủ, độc lập có quyền lựa chọn đồng minh. Nga có nhiều lý do để phản bác lại lập luận này của Mỹ. Với tiềm lực quân sự và kinh tế hiện nay, Mỹ có thể vươn tầm ảnh hưởng đến mọi nơi trên thế giới, và đối với Washington, không còn khái niệm bá chủ khu vực mà đó là bá chủ toàn cầu. Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, có căn cứ không quân và hải quân ở Bahrain, Qatar. NATO mở căn cứ ở hầu khắp các nước thành viên. Thực tế này khiến Nga và Trung Quốc không thể không lo ngại về nguy cơ bị cô lập trong chiến lược kiềm chế và ngăn chặn của Mỹ.

Tuy nhiên, có một thực tế mà Trung Quốc và Nga sẽ phải tính đến khi tăng cường ảnh hưởng ở khu vực và trên toàn cầu. Đó là những nước càng ở gần hoặc nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga hay Trung Quốc thì càng mong muốn thoát ra để xích lại gần hơn với Mỹ. Từ Ba Lan cho đến Nhật Bản, họ đều sẵn sàng đứng dưới cái "ô" an ninh mà Mỹ dựng lên. Nếu nhìn dưới góc độ này, phải chăng sự xuất hiện của tàu hải quân Trung Quốc ở Địa Trung Hải vào năm tới vô hình trung sẽ giúp NATO tăng thêm lực hấp dẫn của chính mình?

Theo Financial Times

Duy Anh (gt)