Trong tuyên bố chung, các nước SCO gồm Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á đã bày tỏ quan ngại đối với kế hoạch phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, cho rằng việc đơn phương tăng cường không hạn chế NMD sẽ gây tổn hại cho an ninh thế giới. Nga và NATO đã tiến hành hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng tại Brúcxen để tìm kiếm biện pháp hợp tác trong vấn đề MD ở châu Âu, nhưng không đạt được thỏa thuận nào.

Tuyên bố chung cũng cho rằng cần giải quyết các tranh chấp và khủng hoảng trong nước bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh cần ngăn chặn xung đột quân sự ở Libi và chỉ trích cuộc tấn công quân sự nhằm vào Libi của đội quân đa quốc gia.

Tại hội nghị, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có bài phát biểu lên án Mỹ, cho rằng không thể tin tưởng những kẻ lừa dối đang theo đuổi chủ nghĩa thực dân. Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai cũng được mời tham dự hội nghị và thể hiện sự hiện diện của một tổ chức hợp tác khu vực. Trung Quốc và Nga đã phối hợp với nhau kiềm chế Mỹ và châu Âu, nhưng cũng cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành quyền chủ đạo trong SCO.

Sau 10 năm thành lập SCO, bản đồ quyền lực của Nga và Trung Quốc ở Trung Á đã có nhiều thay đổi. Sau khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ năm 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền lớn vào các nước giàu tài nguyên như Cadắcxtan và Tuốcmênixtan, xúc tiến chiến lược đảm bảo nguồn năng lượng và củng cố các cơ sở ở Trung Á. Tại hội nghị năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố cung cấp khoản vốn lãi suất thấp 12 tỷ USD cho các nước thành viên SCO, thể hiện phương châm chú trọng hỗ trợ kinh tế Trung Á.

Đáp lại, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng SCO là một tổ chức mở, không phải là “một câu lạc bộ của nhà giàu”, qua đó thể hiện rõ ý định muốn tăng số thành viên của SCO. Thành viên dự khuyết Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc ở khu vực, đã yêu cầu được chính thức gia nhập SCO. Báo "Thương gia" của Nga đã nhận định rằng mục đích của Nga trong việc mời Ấn Độ gia nhập SCO nhằm hạ thấp ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á, nơi vốn được coi là “sân sau” của Nga.

 

Theo Sankei

Viết Tuấn (gt)