Khả năng xoay xở của Đài Loan trong cuộc chơi tay ba với Mỹ và Trung Quốc được giới phân tích đánh giá là ngày càng bị thu hẹp. Giáo sư Robert Sutter cho rằng tiền đề của cuộc bầu cử tổng thống và mối quan hệ được cải thiện đáng kể giữa hai bờ eo biển, có lợi cho cả Trung Quốc, Mỹ lẫn Đài Loan, chứa đựng ba loạt yếu tố đóng vai trò chủ chốt đối với tương lai của hòn đảo này

Sức mạnh của Trung Quốc và thế yếu của Đài Loan 

Mất cân bằng sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển có lợi cho Trung Quốc là đáng lo ngại về mặt tâm lý và tác động tới khả năng xoay xở của Đài Loan. 

Kho vũ khí đồ sộ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tại eo biển tăng dần hàng năm cả về số lượng lẫn năng lực, trong khi Đài Loan không thực hiện được mục tiêu duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 3% GDP. Trong khi đó, Mỹ chậm bán vũ khí cho Đài Loan, như phía Mỹ giải thích, là do những vấn đề trong việc thu xếp vốn của Bộ Quốc phòng Đài Loan. Rất có thể vấn đề thu xếp ở đây là do sợ làm mất lòng Bắc Kinh trong khi Robert Gates, khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng, nhắc lại rằng ông quan tâm đến việc tái khởi động mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung nhưng bị Bắc Kinh kèm theo điều kiện ngừng bán vũ khí. 

Nếu như Lầu Năm Góc vẫn rất muốn can dự vào vấn đề eo biển thì các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ ngày càng ít quan tâm đến điều đó hơn. Đặc biệt bởi lẽ Trung Quốc đã phát triển năng lực quân sự khiến mọi cuộc can thiệp sẽ làm tăng đáng kể chi phí. 

Cách đây không lâu, hai nền kinh tế ở hai bờ eo biển có thể so sánh được với nhau về lượng. Năm 1995, kinh tế Đài Loan được đánh giá bằng 1/3 kinh tế của Trung Quốc. Hiện nay, mức chênh lệch là từ 1 đến 15. Hơn thế nữa, sự lệ thuộc kinh tế của Đài Loan ngày càng nặng nề. Hơn một triệu người Đài Loan sang làm ăn tại Trung Quốc và Trung Quốc cũng nhập tới 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan. Trong khi đó Đài Loan thừa nhận rằng sự tự do hoạt động và mọi bước tiến của mình trên trường quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh. 

Sự hỗ trợ của Mỹ giảm dần 

Lập trường công khai của Chính quyền Obama thiên về Đài Loan không che giấu nổi thái độ lưỡng lự ngày càng rõ rệt của Nhà Trắng, đặc biệt khi mỗi sáng kiến thiên về Đài Loan đều có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Bắc Kinh. Hiện nay, lập trường chính thức của Oasinhtơn vẫn là thuyết phục Bắc Kinh không dùng vũ lực, đồng thời đưa ra giải pháp chính trị để thoát khỏi ngõ cụt. Chiến lược đó vẫn không thay đổi từ khi quan hệ chính thức bị cắt đứt vào năm 1971. 

Nhưng Luật quan hệ với Đài Loan (TRA) năm 1979 do Kissinger và Brezinski đề xuất, nghĩa vụ buộc Nhà Trắng không được ngồi im nếu Trung Quốc xâm lược bằng quân sự, thời đó được hiểu ngầm như một suy tính chiến lược với tính bắt buộc ngày càng mờ nhạt. 

Thứ nhất, một nhóm nhân vật thuộc phe Dân chủ và Cộng hòa nghĩ rằng TRA và sự răn đe quân sự đối với Trung Quốc sẽ cho phép tranh thủ thời gian cho đến lúc tình thế có lợi cho Đài Loan xuất hiện giúp tháo gỡ thế khó khăn có lợi cho Đài Loan. 

Thứ hai, một số nhân vật khác trong Quốc hội và Chính quyền - đặc biệt là Chính quyền Reagan - nghĩ rằng sự hỗ trợ toàn diện đối với Đài Loan là một cách để tạo điều kiện thuận lợi cho ảnh hưởng chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, buộc Trung Quốc phải hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và chấp nhận nguyên trạng ở eo biển. Tóm lại, họ nhìn nhận mối quan hệ với Đài Loan như một phương tiện để kiểm soát việc Trung Quốc triển khai sức mạnh trong vùng và trên thế giới. 

Thứ ba, các nhân vật bảo thủ nhất trong số các thượng nghị sĩ vẫn kiên quyết chống lại việc công nhận Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc vì họ không tin tổ chức chính trị này. 

Tóm lại, việc tăng cường mối quan hệ với Đài Loan trong thời kỳ TRA phụ thuộc nhiều vào tác động trong Quốc hội và của một vài chính khách nắm quyền, với mục đích không phải để giải quyết vấn đề Đài Loan, mà vì lợi ích trực tiếp của Mỹ. Đáng lẽ họ cũng có thể xác định lập trường hoàn toàn ngược lại nếu họ đánh giá tình hình như vậy. 
Sự ủng hộ của Quốc hội và phương tiện truyền thông Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Đài Loan chuyển sang chế độ dân chủ. Đồng thời, vụ đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn và sự sụp đổ của hệ thống Xôviết lại càng đẩy Mỹ ra xa Trung Quốc hơn. 

Năm 1995, Quốc hội Mỹ gần như thống nhất gây áp lực với Tổng thống Clinton để cấp thị thực cho Tổng thống Lý Đăng Huy. Nhưng khi Bắc Kinh đe dọa quân sự bằng việc bắn tên lửa vào vùng bờ biển của Đài Loan thì chính chính quyền, sau khi đánh giá mối đe dọa là khá nghiêm trọng, quyết định đưa hai tàu sân bay đến vùng eo biển để răn đe các hành động xâm lược khác của Bắc Kinh. Như vậy, cam kết của Quốc hội Mỹ đối với Đài Loan kém quyết liệt hơn so với thời kỳ TRA trước đó 15 năm. 

Trong nhiệm kỳ của Clinton, đúng là phái Cộng hòa lên tiếng hỗ trợ Đài Loan và kết tội nỗ lực của Chính quyền Dân chủ nhằm xoa dịu Trung Quốc, song dường như đó là lập trường mang tính đảng phái nhằm làm mất mặt tổng thống hơn là cam kết nghiêm túc đối với Đài Loan. 

Đoạn tuyệt với Trần Thủy Biển 

Chính quyền Bush mở đầu nhiệm kỳ với quyết tâm rõ ràng củng cố sự hỗ trợ đối với Đài Loan trong khuôn khổ chiến lược tăng cường liên minh và các mạng lưới của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục đích lái các chính sách của Trung Quốc theo hướng Mỹ muốn. 

Chính sách đó sau này bị phá sản vì Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ để đưa ra sáng kiến tiến gần tới độc lập khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội về chính trị cùng với đe dọa quân sự. Mỹ đột ngột cắt đứt mọi cuộc tiếp xúc với Trần Thủy Biển, từ đó bộc lộ công khai sự khác nhau trong đánh giá giữa Nhà Trắng và Đài Bắc. Tại Quốc hội, ít nghị sĩ dám ngăn cản Bush gây sức ép để Trần Thủy Biển chấm dứt khiêu khích và càng không muốn đến thăm Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với nhà lãnh đạo theo khuynh hướng độc lập và chính sách của ông. 

Phân tích các chiến lược của Obama cho thấy sự khác biệt hoàn toàn với ý định ban đầu của Chính quyền Bush và sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan đã giảm sút đến mức nào. Chính thức thì đó vẫn là thuyết phục Trung Quốc không xâm hại tới Đài Loan. Nhưng cán cân lực lượng thay đổi giữa hai bờ eo biển là lý do giải thích tại sao Nhà Trắng ngày càng tỏ thái độ lưỡng lự và sợ đưa Mỹ can dự vào một cuộc xung đột với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đó chính là lý do giải thích tại sao Oasinhtơn cho rằng chiến lược của Mã Anh Cửu xoay quanh việc xích lại gần với Bắc Kinh là một sự tiến triển tích cực. 

Những người trước đây chủ trương tăng cường cho Đài Loan trước Trung Quốc để "tranh thủ thời gian" trong khi chờ đợi bối cảnh thuận lợi hơn cho Đài Loan, thì nay không nói gì nữa. Tư tưởng chống cộng trước đây là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy Quốc hội Mỹ ủng hộ Đài Loan nay không còn đáng kể nữa. Và, trái ngược với những năm đầu của chính quyền Bush, chính quyền hiện nay đã bỏ ý định sử dụng vấn đề Đài Loan để thiết lập ở châu Á-Thái Bình Dương một động lực có lợi cho lợi ích của Mỹ và có khả năng lái chính sách của Trung Quốc theo hướng mà Nhà Trắng mong muốn. 

Nhìn chung, tính chất thiên hình vạn trạng trong chiến lược ngoại giao và an ninh của Chính quyền Obama là sự thay đổi lớn nhất trong chiến lược vùng từ nhiều năm nay. Tuy Oasinhtơn gia tăng can dự vào châu Á-Thái Bình Dương - từ Ấn Độ đến các hòn đảo trong Thái Bình Dương - song những tuyên bố chủ chốt đề cập đến việc Mỹ trở lại vùng này không còn nói đến việc tăng cường mối quan hệ với Đài Loan nữa. Hơn nữa, mọi thứ trong thái độ của Chính quyền Đài Bắc khẳng định và củng cố thêm lập trường của Mỹ. Thái độ "xuống nước" của Đài Bắc trái ngược với sự ủng hộ công khai của Oasinhtơn gần đây đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN. 

Hạ viện và phái Cộng hòa không phải là không thể tìm ra được chiến lược mang tính bè phái thể hiện sự cần thiết phải ủng hộ Đài Loan vì lý do chính sách đối nội. Nhưng việc họ ngày càng ít đi thăm Đài Loan và những nhân vật có đến thăm khi trở về đôi khi mang theo suy nghĩ trái ngược với lợi ích của Đài Loan. Rạn nứt trong nhóm gây ảnh hưởng của Đài Loan đã dẫn đến sự rối rắm và làm suy giảm ảnh hưởng của chính Đài Loan.

Ủng hộ quan điểm thực dụng hơn 

Giáo sư Robert Sutter cho rằng cần thực dụng hơn khi đánh giá tương lai của Đài Loan và khả năng hòn đảo này không chịu xích lại gần với Bắc Kinh. Theo ông, chính sách thực dụng đó là cần thiết để giới tinh hoa và truyền thông, ở cả Mỹ lẫn Đài Loan, ý thức được hậu quả của một chiến lược đang đưa Đài Loan ngày càng đi vào quỹ đạo của Trung Quốc. 

Đặc biệt, các chính khách và các cực gây ảnh hưởng khác, kể cả những người chống lại việc Đài Loan mất kiểm soát đối với vận mệnh của mình, cũng nên nhận thấy rằng nếu ủng hộ sự lựa chọn hiện nay của Chính phủ Đài Loan, được Mỹ và Trung Quốc ủng hộ, họ sẽ trở thành đồng phạm với sự chuyển hướng dần dần giúp Bắc Kinh tác động tới mọi sự lựa chọn tương lai của hòn đảo. 

Có lẽ Nhật Bản là nước tỏ ra lo lắng nhất trước việc Đài Loan ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng sẽ phải gia tăng nỗ lực để trấn an các đồng minh Nhật Bản cũng như ở châu Á-Thái Bình Dương về quyết tâm của mình nhằm cân bằng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trong vùng. Một hậu quả khác của sự tiến triển tình hình hiện nay là việc xích lại gần nhau giữa hai bờ eo biển sẽ làm giảm khả năng tạo đối trọng của Mỹ. 
Cũng về vấn đề này, tạp chí "Tin Trung Hoa" dẫn lời một nhà phân tích khác không nói tên nhận xét mối quan hệ giữa Oasinhtơn và Đài Bắc trước đây rất mặn mà nay suy giảm đáng kể, đồng thời Đài Loan ngày càng bị cô lập và một bộ phận trí thức Mỹ luôn bị ám ảnh bởi chính sách "ngăn chặn" của Trung Quốc. 

Sự mỏng manh trong mối quan hệ đó cộng với khả năng dễ bị tổn thương về chính trị và chiến lược của Đài Loan, trong khi quy chế của hòn đảo này không rõ ràng, được khẳng định qua một số phân tích của Mỹ cho rằng Đài Loan trước đây có tính sống còn đối với chiến lược của Mỹ, nhưng nay đã không còn quan trọng nữa. Còn giả thiết thống nhất bằng vũ lực với một cuộc tấn công của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc hay một cuộc phong tỏa hòn đảo, ít có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, nếu đúng là tình hình cho thấy có nhiều yếu tố khẳng định điều đó, thì cũng còn nhiều ẩn số bên trong đối với cả ba tác nhân của vấn đề này. 

Đúng là từ năm 1949 đến nay Bắc Kinh không từ bỏ yêu sách chính trị đối với Đài Loan, cũng không bỏ giải pháp quân sự vẫn được nói đến trong Luật chống ly khai (năm 2005). Song hiện nay không một chiến lược gia nào có khả năng nói chính xác mà không sợ nhầm hậu quả của một cuộc xung đột nếu được phát động ở eo biển Đài Loan, là như thế nào, kể cả đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh đều không nghiêm túc dự định sẽ đối đầu trực tiếp, vì cả hai đều bị gò trong sự răn đe hạt nhân. 

Đúng là cũng không thể phủ nhận tính hiển nhiên và tính hiệu quả trong hành động gián tiếp của Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính sách của Mã Anh Cửu để đưa Đài Loan vào quỹ đạo của mình, song cũng không thể không nhận thấy rằng sự cách biệt giữa các chế độ chính trị ở hai bờ eo biển Đài Loan là một lực đẩy đối với hòn đảo, tạo ra giới hạn rõ ràng đối với chiến lược của Bắc Kinh, kể cả trong bối cảnh Đài Loan ngày càng phụ thuộc về kinh tế. Hiện nay, trở ngại đó thể hiện ở việc Mã Anh Cửu liên tiếp chối từ đối thoại chính trị với Bắc Kinh. 

Tương lai sẽ cho thấy liệu sự gia tăng mối quan hệ kinh tế và thương mại - mà Mã Anh Cửu sẽ tìm cách kìm lại - có lên tới mức khiến Đài Loan phải chấp nhận đối thoại chính trị với Bắc Kinh hay không. Nếu Đài Bắc không chấp nhận, mọi khả năng mà Bắc Kinh có thể dự tính ngoài sự kiên nhẫn như ban lãnh đạo hiện nay thể hiện, có thể chứa đựng không những nguy cơ gây phương hại tới những bước tiến trong mối quan hệ từ năm 2008, mà cả nguy cơ nghiêm trọng của hành động quân sự không được báo trước. 

Theo nbr.org ( tháng 5/2011)

Lê Sơn (gt)