Trước sự có mặt của hầu như tất cả các quan chức quân sự châu Á ở khán phòng, Đại tá cao cấp Chu Ba của Trung Quốc bất ngờ dõng dạc phát biểu bảo vệ các hoạt động xây dựng đảo của nước này; chỉ trích phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho rằng các hành động của Trung Quốc đang đe dọa ổn định ở khu vực; và nhấn mạnh “hòa bình và ổn định ở khu vực vẫn được duy trì nhờ nỗ lực kiềm chế lớn của Trung Quốc”. Nhưng chỉ một lát sau, khi rời khỏi đám đông và những chiếc máy quay, trong một cuộc phỏng vấn ngắn, Đại tá Chu đã thay ngay giọng điệu ngang ngạnh của mình bằng những câu nói đánh giá “tinh tế” hơn về mối quan hệ “phức tạp” giữa Mỹ và Trung Quốc. Chu cho rằng bài phát biểu của ông Carter đã khiến ông ta phải có những phát biểu “cân bằng” như vậy; Mỹ và Trung Quốc không phải bất đồng về tất cả các vấn đề.

Mặc dù ông Carter đã không có bất kỳ cuộc họp chính thức nào với các quan chức Trung Quốc, mà chỉ có các đại diện ở cấp thấp hơn của Mỹ tham dự những cuộc họp này, nhưng từ thực tế có thể thấy rõ ràng là cả hai phía đã nhất trí về việc có bất đồng về những thành tố tạo thành chủ quyền của Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng khẳng định sự bất đồng này không cản trở các kế hoạch hợp tác quân sự mới với Trung Quốc hoặc đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai bên, cơ sở để đảm bảo cho sự ổn định và thịnh vượng của châu Á.

Tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cùng một số quốc gia khác đã kéo dài nhiều thập kỷ, nhưng vấn đề này chỉ thực sự “leo thang” trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở gần Việt Nam năm ngoái, và sau những cuộc đụng độ giữa các lực lượng hải quân và tầu đánh cá của các bên tranh chấp.

Căng thẳng càng tăng cao khi quy mô của các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trở nên rõ ràng (mở rộng thêm 2.000 héc-ta trong vòng 18 tháng qua) và việc Trung Quốc đưa 2 khẩu pháo lớn đến 2 hòn đảo ở khu vực này càng làm gia tăng lo ngại về khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị các lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền của mình. Các quốc gia khác cũng xây dựng tiền đồn ở Biển Đông, nhưng những hoạt động này được triển khai từ trước năm 2002, khi Trung Quốc và 9 quốc gia Đông Nam Á khác ký vào một thỏa thuận không ràng buộc nhất trí về việc “tự kiềm chế” và không đưa người đến ở những khu vực không có người ở vào thời điểm đó; và những hoạt động xây dựng xây dựng này chưa bao giờ được thực hiện với tốc độ và quy mô như những nỗ lực xây dựng cải tạo đất gần đây của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cho rằng nước này sẽ tiếp tục xây dựng năng lực quân sự cho các đồng minh ở khu vực và thiết lập quan hệ mật thiết hơn với những cựu thù như Việt Nam với hy vọng trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của Mỹ, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ lớn mạnh hơn và có thể “ngăn cản” Trung Quốc. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ lại có vẻ không được thuyết phục bởi kế hoạch dài hạn này, hoặc tin rằng Mỹ sẽ có hành động để bảo vệ quan điểm về tự do hàng hải và sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Đối thoại, Đại tướng Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cho rằng nếu bỏ qua bất kỳ tình huống bất hợp pháp nào, trật tự sẽ bị phá vỡ, hòa bình và ổn định sẽ mất đi; hy vọng và mong tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, cư xử như một nước lớn có trách nhiệm. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng vấn đề này có khả năng dẫn đến một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại, nếu không muốn nói là trong lịch sử; và những lời hùng biện “máu lửa” chẳng có lợi cho bất kỳ quốc gia nào.

Theo The New York Times

Trần Quang (gt)