Sự cân bằng tích cực lâu nay trong quan hệ Trung-Mỹ giữa hy vọng và lo ngại đang nghiêng về hướng lo ngại lấn át hy vọng. Hiệu chỉnh sự cân bằng này sẽ là mục tiêu của Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ diễn ra tới đây tại Washington. Đặc biệt hơn, nội dung này cần là trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Các cuộc đối thoại và tiếp xúc thượng đỉnh cần tập trung vào tầng nấc chiến lược, thay vì nhắc lại một lô những chỉ trích và lại kết thúc trong thành công với một số "thành quả".

Gần 40 năm qua, đa số người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc đang "chuyển động theo hướng đúng đắn" xét về vai trò toàn cầu và hoàn cảnh trong nước. Người Trung Quốc, nhìn chung, cũng xem Mỹ đang chuyển động theo hướng xây dựng, coi Mỹ là một thực thể mà ở đó, lợi ích kinh tế rốt cuộc sẽ chiến thắng quan điểm kiềm chế và thay đổi chế độ. Bởi mỗi bên đều nhìn nhận bên kia nhìn chung đang "chuyển động theo hướng đúng đắn", nên bối cảnh mà các quyết định được đưa ra là bối cảnh về một cuộc chơi dài hơi, kiên nhẫn và hạn chế tối đa sự va chạm trong khi đẩy mạnh hợp tác.

Nhưng nay, bất chấp một số tiến bộ hạn chế gần đây trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đàm phán kinh tế và giao lưu quân sự, quan điểm của mỗi bên về bên kia đã trở nên tiêu cực hơn. Chính sách của nước này với nước kia theo hướng cứng rắn hơn và mọi động thái tiêu cực bởi bên này sẽ được bên kia tìm cách đáp trả. Phức tạp hơn, Trung Quốc cho rằng mình đã mạnh hơn và thấy không nhất thiết phải kiên nhẫn. Cần phải làm gì trước tình hình này?

Trước hết, những gì được xem là trật tự tự nhiên thời hậu chiến khi mà Mỹ chiếm khoảng 35% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu đã không còn bền vững khi mà tỷ trọng của Mỹ đã giảm xuống dưới 20%. Việc đáp ứng mong muốn hợp lý của Trung Quốc về tăng quyền phát ngôn trong hệ thống quốc tế là cần thiết. Chống lại sự ra đời của những tổ chức mới và sự tái phân chia ảnh hưởng sẽ chỉ khiến cho Mỹ trở nên cô lập và suy yếu hơn. Thảm bại của Mỹ liên quan Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á là một điển hình. Rõ ràng, điều này có nghĩa là cần điều chỉnh cổ phần của Trung Quốc trong Quỹ tiền tệ quốc tế.

Thứ hai, phương châm chiến lược của Đặng Tiểu Bình là hạn chế tối đa xung đột ở bên ngoài để tập trung cho vấn đề trong nước. Phương châm này được đưa ra trong bối cảnh giả thiết Trung Quốc có nhiều vấn đề trong nước và thực lực hạn chế. Sẽ là khôn ngoan khi nhìn nhận rằng, nếu Bắc Kinh thể hiện sức mạnh của mình ra bên ngoài, nó sẽ khiến các láng giềng lo lắng và hợp lực với các cường quốc ở xa để đối phó với Trung Quốc.

Do vậy, điều Bắc Kinh cần làm lúc này là cải thiện quan hệ với các láng giềng chủ chốt và gác lại tranh chấp trên biển càng nhiều càng tốt. Trong đa số các tranh chấp trên đất liền trong quá khứ, Trung Quốc chấp nhận cảnh giải quyết theo hướng công bằng với các nước láng giềng. Và bây giờ, Trung Quốc cũng nên làm vậy với các yêu sách biển bị chồng lấn. Về phần mình, Washington không nên quá sốt sắng với việc đó là tiến trình đa phương hay song phương. Việc khiến Trung Quốc công bằng hơn và không cưỡng bức trong xử lý tranh chấp với các nước láng giềng đã là quá đủ với Washington.

Khi cần thiết, cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều tìm cách hạ nhiệt tình hình, một tiêu chí để đánh giá bản lĩnh của người lãnh đạo. Mao đã đồng ý có một số điều chỉnh về yêu sách các hòn đảo với Việt Nam vào những năm 1950, trong khi Đặng cũng tỏ bản lĩnh khi gác lại tranh chấp trên biển với Nhật Bản. Nhà lãnh đạo bản lĩnh sẽ không đi theo tình cảm của số đông. Hoạt động bồi lấp đang diễn ra tại Biển Đông bởi tất cả các bên cần phải được ngừng lại. Washington cần khuyến khích các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương trong các trường hợp cụ thể và cả hai bên đều không nên tiếp tục cách tiếp cận nguy hiểm là phô trương sức mạnh quân sự.

Văn bản tóm tắt kết quả cuộc đối thoại năm nay cũng như kết quả cuộc gặp thượng đỉnh nên là bản đồ định hướng tầm chiến lược cho quan hệ Trung-Mỹ. Trong các cuộc khủng hoảng với Bắc Kinh, chỉ có nhận thức chung về lợi ích chiến lược mới có thể soi sáng con đường phía trước. Một văn kiện như vậy cần ghi nhận rằng, sự phân chia quyền lực đã thay đổi và trở nên khuếch tán hơn, và rằng cân bằng và ổn định là mục tiêu chung của chúng ta. Cả hai nước cùng nên khuyên khích hơn nữa đầu tư vào các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm ở nước kia. Tuyên bố mới đây của Tổng thống Obama về việc Mỹ hoan nghênh Trung Quốc tham gia TPP khi đáp ứng điều kiện, là một bước đi đúng hướng.

Liệu tình hình chính trị trong nước ở mỗi nước sẽ làm cho tầm nhìn xa trộng rộng như trên trở thành khả thi, hay sự cạnh tranh chính trị trong nước ở mỗi nước sẽ chiến thắng những nhu cầu cho tương lai. Đây mới là vấn đề then chốt.

David M. Lampton, Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins và là Chủ tịch Quỹ Châu Á. Bài viết được đăng trên South China Morning Post.

Trần Quang (gt)