issue52_0.jpg

Giới chuyên gia về an ninh và các vấn đề Đông Nam Á cho biết cuộc tập trận đã cho thấy Trung Quốc và Malaysia đang hợp tác rất chặt chẽ trong các vấn đề về quân sự ở eo biển có tầm quan trọng chiến lược Malacca - nơi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Trung Quốc đã huy động một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, một tàu khu trục nhỏ được trang bị tương tự, nhiều trực thăng và máy bay vận chuyển cũng như tàu khám chữa bệnh Peace Ark tham gia cuộc tập trận.

Theo Tân Hoa Xã, khoảng 1.160 nhân viên PLA từ các lực lượng hải, lục, không quân tham gia diễn tập phản ứng với các kịch bản gồm: giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và không tặc, cũng như tham gia diễn tập bắn đạn thật. Ông Trương Minh Lượng, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam, cho biết địa điểm tổ chức các cuộc diễn tập ở Eo biển Malacca và các vùng biển gần đó sẽ làm dấy lên mối quan tâm từ Mỹ và các đồng minh. Ông Trương Minh Lượng nói: "Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ quan sát chặt chẽ cuộc diễn tập chung giữa Trung Quốc và Malaysia ở Eo biển Malacca - một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới, nơi có tầm quan trọng địa chính trị đối với cả Washington và Tokyo... Cuộc diễn tập quân sự chung chưa từng có này chứng minh các tàu hải quân Trung Quốc có thể đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông và đảm bảo tuyến đường đó là một phần quan trọng trong sáng kiến 'Một Vành đai, Một Con đường' (Vành đai con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ mới) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", ám chỉ tham vọng của Bắc Kinh trong việc tạo ra hành lang thương mại và kinh tế trên bộ và trên biển. Trung Quốc từng tham gia tập trận chung với các nước thành viên khác của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc tập trận này có quy mô lớn nhất.

Ông Nghê Lạc Hùng, chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, đánh giá rằng cuộc tập trận sẽ là mối lo ngại đối với Mỹ và Nhật Bản bởi nó chứng tỏ Trung Quốc đã "lôi kéo thành công quân đội Malaysia về phía mình". Ông Nghê Lạc Hùng cũng đề cập đến khả năng xảy ra một "cuộc giao tranh quân sự giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản xung quanh vấn đề Biển Đông". Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia ở khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố phần lớn diện tích thuộc về mình. Nước này cũng đã và đang xây dựng nhiều công trình, trong đó có những đường băng trên 7 đảo nhân tạo được bồi đắp từ những bãi đá và rạn san hô. Trong số những bên tranh chấp, Philippines kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc mở rộng, trong khi Mỹ đã thúc đẩy hợp tác quân sự với một số đồng minh khu vực. Theo ông Nghê Lạc Hùng, sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc ở Eo biển Malacca là nhằm chuyển đến Mỹ và Nhật Bản thông điệp rằng một số thành viên chủ chốt của ASEAN không muốn chỉ dựa vào sự bảo vệ của Mỹ, và việc hợp tác với Trung Quốc có thể là một lựa chọn thay thế.

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng"

Anh Thư (gt)