Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang đã chính thức bị các công tố viên ở thành phố Thiên Tân buộc tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ bí mật nhà nước sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc hoàn tất điều tra vụ án Chu Vĩnh Khang và bàn giao cho các công tố viên ở thành phố trực thuộc trung ương này. Chu Vĩnh Khang phải đối mặt với ít nhất một lời buộc tội có thể dẫn đến hình phạt tử hình, nhưng vẫn chưa có sự chắc chắn nào về kết quả cuối cùng ở tòa án.

Kể từ khi Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách nước này đã gán cho ông ta những danh hiệu tồi tệ nhất. Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc-đã ví Chu Vĩnh Khang với “những kẻ phản bội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá khứ, trong khi Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cáo buộc Chu Vĩnh Khang và cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai “làm suy yếu sự đoàn kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc và dính líu đến các hoạt động chính trị không được nhà chức trách cho phép”. Cựu Cố vấn chính sách cấp cao Thi Chi Hồng cũng tiếp nối vào hồ sơ này với việc xác nhận một “bè lũ 4 tên” mới, trong đó Chu Vĩnh Khang được coi là một thành viên. Những thành viên khác của nhóm này là Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch. Ngoài tất cả những sự công kích nói trên, nhà chức trách Trung Quốc dường như cố hạn chế đưa ra những cáo buộc chính trị nghiêm trọng nhất chống lại Chu Vĩnh Khang – một sự kiềm chế mà các chuyên gia phân tích nói rằng có thể hạn chế dư luận không tốt về hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử vì các tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước. Trong số đó, tội danh “cố tình làm lộ bí mật nhà nước” có thể là cáo buộc đáng chú ý nhất, nhưng bản thông báo vắn tắt của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc về những cáo buộc nhằm vào Chu Vĩnh Khang không nói đến việc Chu Vĩnh Khang đã cung cấp thông tin mật cho ai. Mạc Thiếu Bình, một luật sư ở Bắc Kinh, nói rằng cáo buộc về bí mật nhà nước rơi vào một danh mục phạm tội rộng lớn được biết đến là “xao lãng nhiệm vụ” - điều được áp dụng với các viên chức chính quyền cố tình cung cấp thông tin đã được phân loại “mật” cho những người không được phép tiếp nhận thông tin. Cáo buộc này có thời hạn phạt tù giam lên tới 7 năm.

Truyền thông Trung Quốc Đại lục cũng cho rằng cáo buộc về bí mật nhà nước nhiều khả năng liên quan đến các mối quan hệ của Chu Vĩnh Khang với Bạc Hy Lai. Một bài viết của Tuần báo Phượng Hoàng nói rằng Chu Vĩnh Khang có thể đã đưa cho những người trong liên minh của ông ta thông tin về những sự sắp xếp nhân sự trước khi chúng được công bố tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. Báo này nói rằng ông ta cũng có thể đã làm lộ những bí mật kinh tế cho những người khác để thu những khoản lợi lộc lớn. Bài viết của Tuần báo Phượng Hoàng cũng cho rằng vào năm 2012, Chu Vĩnh Khang đã cảnh cáo Bạc Hy Lai rằng cánh tay phải của Bạc Hy Lai khi đó là Giám đốc Sở Công an Thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân đã tìm cách tỵ nạn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) – một hành động đã công khai giáng một đòn vào vụ bê bối xung quanh vị Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Theo bài viết này, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã có một cuộc gặp bí mật, mà ở đó họ đã ủng hộ việc “điều chỉnh” cải cách và chính sách mở cửa được khởi xướng bởi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình trong những năm 70 của thế kỷ trước. Hai nhân vật này đã “kỷ niệm mối quan hệ chính trị của họ” và cam kết “chơi một cuộc chơi lớn”.

Bàn về vụ án Chu Vĩnh Khang, Chương Lập Phàm - một chuyên gia độc lập về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh - nói rằng ông không ngạc nhiên khi Chu Vĩnh Khang không bị buộc tội các tội nghiêm trọng hơn. Theo chuyên gia này, những lời cáo buộc như là “chủ nghĩa bè phái” hay “liên quan đến các hoạt động chính trị không được phép” “rõ ràng đã được sử dụng trong các cuộc thanh tra kỷ luật nội bộ Đảng, và không có những lời buộc tội tương ứng”. Chuyên gia Chương Lập Phàm nhấn mạnh: “Tuy nhiên, nếu nhà chức trách muốn thúc đẩy những lời buộc tội cứng rắn hơn chống lại Chu Vĩnh Khang, luôn luôn có những lựa chọn như kích động lật đổ quyền lực của nhà nước, hoặc kích động một sự chia rẽ ở trong nước”.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Chu Cường hồi tháng trước đã nói rằng Chu Vĩnh Khang nằm trong số 28 quan chức “ngã ngựa” sẽ phải đối mặt với các phiên tòa xét xử công khai theo luật pháp. Tuy nhiên, theo chuyên gia Chương Lập Phàm, lời buộc tội “làm lộ bí mật nhà nước” sẽ cho nhà chức trách một lý do tốt để đóng cửa, hoặc ít nhất là đóng cửa một phần, phiên tòa xử Chu Vĩnh Khang đối với công chúng để tránh tình trạng lúng túng khó xử. Ông Chương Lập Phàm nhấn mạnh: “Một phiên tòa công khai thường có nghĩa là ‘một thỏa thuận dưới gầm bàn’ đã đạt được, rằng bị cáo sẽ nhận tội để đổi lấy một bản án khoan dung hơn. Tuy nhiên, trong phiên tòa công khai của mình, Bạc Hy Lai đã phá vỡ thỏa thuận đó và đã bào chữa cho bản thân ông ta, gây ra nhiều sự lúng túng khó xử cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Trong số 3 cáo buộc mà Chu Vĩnh Khang phải đối mặt, chỉ có cáo buộc nhận hối lộ có thể dẫn đến một bản án tử hình. Hiện chưa rõ liệu Chu Vĩnh Khang có phải đối mặt với án tử hình hay không, nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc nói rằng sự tham nhũng của Chu Vĩnh Khang đã kéo dài từ khoảng thời gian ông ta làm ‘ông chủ’ lĩnh vực xăng dầu, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Bí thư Chính pháp Trung ương, cũng như khi ông ta làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao Trung Quốc tuyên bố Chu Vĩnh Khang “đã lợi dụng các chức vụ của ông ta để trục lợi cho người khác, nhận bất hợp pháp những khoản tiền lớn từ người khác. Và sự lạm dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang đã dẫn đến những tổn thất to lớn cho công quỹ và hủy hoại nghiêm trọng lợi ích của quốc gia và công chúng, đồng thời tạo ra ảnh hưởng xã hội tai hại”. Theo tài liệu tổng hợp mà phóng viên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã được xem, ít nhất 37 công ty, có cả những công ty ở tận những nơi xa xôi như Bắc Mỹ, hoặc thuộc sở hữu của gia đình Chu Vĩnh Khang hoặc có liên quan đến gia đình này. Các hoạt động kinh doanh của những công ty này gồm có sản xuất dầu mỏ, phát triển bất động sản, thủy điện và du lịch... Hãng tin Reuters trước đó đã đưa tin rằng tổng số tài sản mà gia đình Chu Vĩnh Khang nắm giữ có thể lên tới 90 tỷ nhân dân tệ, mặc dù những người khác bày tỏ sự nghi ngờ về con số này.

 Tuy nhiên, chắc chắn chỉ có một số lượng nhỏ sự giàu có trong những gì Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc – nếu có – có thể trực tiếp liên quan đến Chu Vĩnh Khang. Là người đứng đầu gia đình, Chu Vĩnh Khang không trực tiếp liên quan đến các phi vụ làm ăn. Ví dụ, cái tên “Chu Vĩnh Khang” không xuất hiện trong hàng nghìn trang tài liệu tổng hợp mà phóng viên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã chứng kiến. Người con trai cả của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân – còn gọi là Chu Tân, 42 tuổi – là người nắm giữ đế chế kinh doanh của nhà họ Chu. Chiêm Mẫn Lợi – mẹ vợ của Chu Bân – là một nhân vật quan trọng khác. Chu Phong, cháu trai của Chu Vĩnh Khang, và người chị dâu Chu Linh Anh cũng đóng một phần vai trò trong đế chế này. Những thành viên này của gia đình Chu Vĩnh Khang đã cùng nhau nắm giữ một sự nghiệp thương mại đồ sộ của nhà họ Chu.

Việc đưa vị cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương ra tòa xét xử đánh dấu một đỉnh cao mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu nhà lãnh đạo này có thể duy trì đà thừa thắng xông lên hay không. Các chuyên gia quan sát Trung Quốc và nhiều chuyên gia nói rằng thật khó để có thể dự đoán liệu Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xử lý thêm một “con hổ” tầm cỡ như Chu Vĩnh Khang hoặc một ai đó thậm chí còn lớn hơn, hay không. Lệnh Kế Hoạch – người được coi là cánh tay phải của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – hiện đang bị điều tra nhưng vẫn chưa bị buộc tội. Tuy nhiên, Lệnh Kế Hoạch không bao giờ đạt được vị trí cấp bậc lãnh đạo cao nhất trên chính trường Trung Quốc.

Mặc dù có một sự ủng hộ công khai mạnh mẽ đối với cuộc điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang, nhưng một số người lo ngại rằng quá nhiều cú sốc đối với chế độ có thể gây chia rẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm suy yếu những nền tảng của nó. Giáo sư Trương Minh, một chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định: “Tình hình hiện nay quá phức tạp. Quy mô tham nhũng ở Trung Quốc quá rộng và quá sâu”. Trong khi đó, chuyên gia bình luận chính trị Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh cũng chia sẻ quan ngại tương tự, đồng thời nói rằng “vẫn cần phải chờ xem liệu ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có dừng lại sau khi xử lý Chu Vĩnh Khang hay họ sẽ bắn hạ những con hổ thậm chí còn lớn hơn”.

Về mặt công khai, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã liên tiếp cam kết trong nhiều dịp rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nhổ tận gốc các phe phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vị tư lệnh cao nhất của Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn – đã nói rằng sẽ không có “những vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tất cả những điều này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ không dừng lại sớm. Vào ngày mà vụ truy tố Chu Vĩnh Khang được công bố, hôm 3/4, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tiết lộ tổng số các vụ dùng tiền công chi cho các bữa đại tiệc chính thức quá phung phí trong tháng 2. Cơ quan này nói rằng con số đó đã tăng 30% so với cách đây một tháng, cho thấy rằng vẫn có những nhân tố suy đồi bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có dấu hiệu rõ ràng rằng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương muốn duy trì áp lực và thu hút sự ủng hộ công khai đối với việc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (ngày 4/4)

 

Vũ Hiền (gt)