1. Về nguyên nhân khiến tình hình an ninh trên biển của Trung Quốc ngày càng xấu đi:

 

Hứa Khả cho rằng: vấn đề trên biển của Trung Quốc trong năm 2010 nổi cộm là do những nguyên nhân cả ở trong nước và quốc tế. Lâu nay, trong vấn đề Biển của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, sau đó mới là tranh chấp vùng biển với các nước xung quanh. Cuối tháng 6/2010, Trung Quốc và Đài Loan đã ký ECFA, sự gắn kết về kinh tế giữa hai bờ ngày càng chặt chẽ, đương cục Đài Loan Mã Anh Cửu cũng muốn duy trì hiện trạng. Dự kiến trong 5 - 10 năm tới, khả năng hai bờ xảy ra xung đột là rất ít. Trước đây, Mỹ - Nhật thường dùng vấn đề Đài Loan hoặc thông qua đương cục Đài Loan để gây sức ép đối với Trung Quốc. Nay hiệu quả “con bài Đài Loan” đã giảm nên phải tìm cách “nhúng tay” vào các vùng biển có tranh chấp khác. Về phía Trung Quốc, do bản thân lực lượng trên biển của Trung Quốc còn yếu mỏng nên các thế lực bên ngoài chỉ cần trả một cái giá nhỏ là có thể gây sức ép lớn đối với Trung Quốc. Ví dụ như Hillary chỉ tuyên bố “an ninh ở Biển Đông  có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ” đã gây chấn động lớn đối với Trung Quốc.

 

Doãn Trác cho rằng: về bề nổi, vấn đề trên biển xung quanh Trung Quốc năm nay có vẻ rất nổi cộm, tuy nhiên thực tế theo đánh giá của cá nhân, đây là thời kỳ tốt nhất trong lịch sử. Vấn đề tranh chấp trên biển là vấn đề lịch sử để lại. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, những năm trước giữa thập kỷ 80 là thời kỳ tình hình trên biển xung quanh Trung Quốc nghiêm trọng nhất. Trung Quốc phải đối mặt với sự bao vây của 2 siêu cường, thậm chí là sự đe chiến tranh hạt nhân. Sau thập kỷ 80, tình hình thế giới và môi trường ngoại giao Trung Quốc về tổng thể là hoà bình và phát triển. Sự biển đổi tình hình khiến môi trường an ninh trên biển của Trung Quốc cũng thay đổi. Trước đây, TQ phải đối mặt với vấn đề sống còn, vấn đề an ninh trên biển và tranh chấp biển đảo bị lu mờ. Sau thập kỷ 80, sự đe doạ chiến tranh hạt nhân không còn, vấn đề an ninh trên biển, bao gồm các vấn đề Đài Loan, đảo Điếu Ngư, Biển Đông  mới trở nên nổi cộm.

 

2. Về vấn đề liệu Mỹ có phải là nhân tố cản trở lớn nhất đối với việc phát triển chiến lược biển của Trung Quốc.

 

Hứa Khả cho rằng: Việc Mỹ quay trở lại châu Á, tạo ra các vấn đề an ninh mới để “hù dọa” các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc, gây nên mâu thuẫn giữa các nước châu Á, khiến tình hình an ninh trên biển của Trung Quốc tăng thêm nhân tố mới và lớn mạnh - đó là nhân tố Mỹ. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, việc Mỹ quay trở lại châu Á sẽ là một quá trình tương đối dài, nhất là cuộc chiến chống khủng bố đã tiêu tốn nhiều sực lực của Mỹ và đấy vẫn là mối đe doạ chính của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần nắm chắc thời cơ chiến lược này.

 

Bonnie S Glaser cho rằng: Quá trình Trung Quốc phát triển ra biển nhất định sẽ không phẳng lặng. Khả năng xung đột Mỹ - Trung ở trên biển và trên không sẽ gia tăng. Đối với người phương Tây, câu nói “Trung Quốc sẽ không thách thức Mỹ hoặc thách thức trật tự quốc tế hiện nay” đã trở thành giọng điệu cũ rích. Việc Trung Quốc và một số nước mới nổi trỗi dậy có nhu cầu tiến hành điều chỉnh trật tự quốc tế hiện nay không có gì là đáng ngạc nhiên. Mỹ sẽ không có bất kỳ lý do gì để phản đối Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương. Nếu như việc sử dụng những bố trí hải quân của Trung Quốc là có lợi đối với sự ổn định của thế giới thì Mỹ sẽ hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu hoạt động của hải quân Trung Quốc gây trở ngại cho việc bảo vệ lợi ích bản thân của Mỹ thì sẽ gây ra cọ sát Mỹ - Trung càng nghiêm trọng hơn.

 

3. Về vấn đề then chốt trong giải quyết tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông và nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” liệu có còn hữu hiệu.

 

Hứa Khả cho rằng: Trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, không nên có ảo tưởng “hai bên cùng thắng”. Các cuộc đàm phán song phương và đa phương có thể làm tình hình hòa dịu hơn nhưng sẽ không có ý nghĩa thực tế, kết quả cuối cùng chỉ là “tự mua dây buộc mình”, mất đi cơ hội. Hiện nay, quan trọng nhất là Trung Quốc cần phải có hành động. Trong phạm vi trong vùng biên giới 9 đoạn ở Biển Đông (Đường Lưỡi Bò), Trung Quốc cần điều động một cách lớn mạnh các lực lượng chấp pháp trên biển để tiến hành tuần tra, xua đuổi các tầu thuyền nước ngoài xâm phạm, bảo vệ lãnh thổ và lợi ích biển không bị xâm phạm. Cần tranh thủ quan hệ hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong vấn đề Biển Đông mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, tiến hành biện pháp quyết đoán đòi lại các bãi đảo do các nước nhỏ xung quanh chiếm lĩnh. Vấn đề Biển Đông không thể kéo dài, càng muộn giải quyết, Trung Quốc sẽ phải trả giá về chính trị và kinh tế càng lớn.

 

Vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông xem ra đơn giản chỉ là xung đột song phương, nhưng thực chất rất nguy hiểm, cần xử lý thận trọng. Vấn đề chủ quyền đối với Đảo Điếu Ngư là hiểm hoạ do Mỹ để lại từ sau thế chiến thứ 2 để nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nhật. Hiện thực lực trên biển của Trung Quốc còn kém xa so với Nhật - Mỹ, nếu Trung Quốc có hành động quá khích, Mỹ - Nhật sẽ bắt tay chống lại Trung Quốc, khả năng trỗi dậy trên biển của Trung Quốc sẽ bị huỷ hoại. Có thể đợi đến khi thực lực trên biển của Trung Quốc đủ mạnh mới có thể thực hiện các biện pháp quyết đoán.

 

Doãn Trác nhấn mạnh: trước “gác tranh chấp, cùng khai thác” còn có “chủ quyền thuộc ta”. Vấn đề chủ quyền không phải là không thể đàm phán. Trong lịch sử từng nêu ra “vấn đề chủ quyền không thể đàm phán” là do có bối cảnh và thời điểm lịch sử đặc biệt, khi Anh muốn dùng vấn đề chủ quyền Hongkong để đổi lấy quyền chính trị. Trong thực tiễn, vấn đề biên giới Trung - Nga, nhất là phân chia đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoy Ussuriysky), rồi trong vấn đề biên giới giữa Trung Quốc - Myanmar, Trung Quốc -Mông Cổ, hai bên đều có những thoả hiệp. Trong đàm phán về biên giới, nếu không có nhân nhượng và thoả hiệp sẽ không thể đạt được đột phá. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối cách làm như của Nhật đối với đảo Điếu Ngư. Dưới sự ủng hộ của Mỹ, việc Nhật tiến hành các hành động phá vỡ các thoả thuận ngầm và biện pháp chính trị lớn, thách thức lợi ích của Trung Quốc …sẽ không còn dư địa để đàm phán và thoả hiệp.

 

Bonnie S Glaser nhấn mạnh: Những tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trước hết phải được giải quyết trong nội bộ các nước. Chỉ cần các nước có thể giải quyết thỏa đáng thì Mỹ cũng không cần tham gia. Chỉ khi các bên có xung đột cần có sự con thoi của Mỹ thì Mỹ mới làm như vậy. Trong tranh chấp biển đảo giữa Trung - Nhật, đối thoại cấp cao giữa 3 bên Mỹ - Trung - Nhật là rất có ý nghĩa, nhưng Mỹ cũng không thể coi đó như là một cuộc chơi làm trọng tài giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mỹ - Trung - Nhật là 3 nước lớn ở khu vực châu Á cần có sự hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa.

 

4. Đánh giá về thực trạng và triển vọng chiến lược biển của Trung Quốc.

 

Doãn Trác cho rằng: Trung Quốc vẫn chưa có một chiến lược biển rõ ràng ở tầm quốc gia, mới chỉ có chiến lược phát triển biển ở cấp Bộ chủ quản và có phần chú trọng về lĩnh vực kinh tế. Trong kỳ họp Chính hiệp 3/2010, đã có kiến nghị cần đẩy nhanh xây dựng chiến lược an ninh biển ở tầm quốc gia với nội dung bao gồm 3 phương diện: an ninh biển, quyền lợi phát triển biển và đối phó thế nào với các tranh chấp biển xung quanh. Về tổng thể, chiến lược an ninh biển mang tính phòng vệ. Vấn đề trọng đại và lợi ích cốt lõi vẫn là Đài Loan. Lợi ích phát triển biển là đảm bảm an ninh tuyến hàng hải. Đối với vấn đề tranh chấp biển đảo, nguyên tắc tổng thể là Trung Quốc phát triển kinh tế cần có một môi trường quốc tế hòa bình, không mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp quân sự, không muốn phá vỡ môi trường bên ngoài.

 

Hứa Khả nhấn mạnh: chiến lược biển của Trung Quốc cần “lấy Trung Quốc làm chủ”, Trung Quốc cần có tầm nhìn xa, quy hoạch chiến lược biển với khung thời gian từ 50 năm - 100 năm và trong quá trình thực tiễn phát triển vững chắc nội lực. Hiện Trung Quốc có lợi thế là cảng khẩu phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trung Quốc đã hình thành các chuỗi cảng khẩu như khu kinh tế Bột Hải, đồng bằng Trường Giang, khu kinh tế liên kết hai bờ, đồng bằng Chu Giang, Vịnh Bắc Bộ. Điều này đã tạo cơ sở vững chắc để phát triển biển trong tương lai. Ngành vận tải biển và đóng tàu của Trung Quốc cũng đã phát triển, hiện chỉ còn thiếu là sự phối hợp giữa lực lượng quân sự trên biển và lực lượng trên không.

 

Năm 2010, một loạt sự kiện đột phát trên biển là hồi chuông cảnh báo đối với vấn đề biển của Trung Quốc, đây cũng là cơ hội để Trung Quốc nhìn lại chiến lược biển quốc gia, để coi trọng hơn vấn đề biển, quy hoạch chiến lược biển, đưa việc xây dựng trật tự biển và tăng cường năng lực chấp pháp trên biển lên một chương trình nghị sự quan trọng hơn.


Hoàng Trung (cộng tác viên tại Hồng Kông)

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)