china-military-spending-PLA-south-china-sea.jpg

Chiến dịch tái cơ cấu của PLA lần này đã chính thức được tuyên bố tại phiên họp toàn thể các nhà lãnh đạo hàng đầu vì mục tiêu quốc phòng và cải tổ quân đội dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương. Phiên họp toàn thể này có sự tham gia của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo cấp cao của 4 cơ quan đầu não của PLA, 7 Đại quân khu, lực lượng hải quân, không quân, tập đoàn tên lửa chiến lược và cảnh sát vũ trang.

Theo nguồn tin của báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã hối thúc các nhà lãnh đạo PLA tuân thủ công cuộc cải tổ kéo dài, trên quy mô lớn vốn được chờ đợi từ lâu. Nguồn tin cho biết: “Đó là một chiến dịch cải tổ đã được dự liệu từ lâu đối với tất cả binh lính bởi vì đây là một cú huých thiết thực để biến PLA thành lực lượng quân đội hiện đại, chân chính, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”. “Tuy nhiên, nó cũng là một thất bại đối với một vài quan chức cấp cao, những người bị mất vị trí trong cuộc cải tổ này. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình lại yêu cầu họ tuân thủ kỷ luật.”

Một nguồn tin độc lập khác cho biết các sỹ quan chỉ huy và chính ủy của 7 quân khu đã được cảnh báo rằng 3 trong số 7 quân khu sẽ bị xóa bỏ. Quyền lực chính trị của Bộ Quốc phòng cũng sẽ được mở rộng. Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” hồi đầu tháng 9 từng đưa tin rằng chiến dịch cải tổ quan trọng của PLA sẽ xóa sổ dần cơ cấu quân khu kiểu Xôviết để ủng hộ cơ cấu theo kiểu Mỹ. 7 đại quân khu của quân đội Trung Quốc sẽ được hợp nhất thành 4 trong một nỗ lực chuyển đổi lực lượng quân đội lớn nhất thế giới thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại ngang tầm với lực lượng tốt nhất của phương Tây.

Như một phần của công cuộc cải tổ, Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 3/9 tuyên bố quân đội nước này sẽ cắt giảm 300.000 quân (Sau khi cắt giảm, quân số của lực lượng này sẽ còn lại khoảng 2 triệu người). Đây là đợt cắt giảm nhân sự quân đội lớn nhất trong gần 2 thập kỷ qua và dường như cho thấy quyết tâm của ông Tập Cận Bình trong việc theo đuổi kế hoạch tái cấu trúc quân đội, bất chấp kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đợt cắt giảm này sẽ khiến cho 170.000 sỹ quan quân đội phải nghỉ việc.

Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện những dấu hiệu chống đối trong quân đội. Hôm 18/11, Nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Nhật báo của PLA) đăng bài bình luận của hai sỹ quan PLA ở Khoa Đào tạo và Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng PLA cảnh báo đội ngũ lãnh đạo quân ủy trung ương rằng cuộc cải tổ có thể làm mất ổn định các quân chủng và lực lượng vũ trang nếu nó cứ tiến hành mà không giải quyết vấn đề lương bổng và trợ cấp. Rất nhiều cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng lại bài bình luận này trên các trang web của họ nhưng sau đó đã phải gỡ bỏ.

Chuyên gia quan sát quân sự có trụ sở tại Hong Kong Lương Quốc Lượng cho biết ông Tập Cận Bình không có thời gian chờ đợi việc chần chừ cải tổ. Theo ông Lương Quốc Lượng: “Ông Tập Cận Bình phải hành động để tiến hành cải tổ bởi vì nó đã được nghiên cứu hơn một thập kỷ qua”, “Sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của Tập Cận Bình cần một lực lượng hải quân hùng mạnh và có thực lực để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch hàng hải của Trung Quốc cũng như những lợi ích của nước này ở nước ngoài”. “Tuy nhiên, cơ cấu quân khu của PLA ngày nay đang tập trung vào lực lượng lục quân mà không có lực lượng nào thực sự đáp ứng các nhu cầu trên”.

Nguồn tin thứ hai cũng cho biết sẽ có một tuyên bố về việc tái cơ cấu “cơ quan đầu não” của quân đội. Trong số 4 cơ quan đầu não - Tổng cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị - chỉ có Tổng cục Cán bộ là sẽ tiếp tục duy trì. 3 đơn vị còn lại sẽ được Tổng cục Cán bộ và Bộ Quốc phòng sáp nhập. Ông Lương Quốc Lượng cho biết sự thay đổi này đã được lên kế hoạch để tạo ra sự phân chia công việc giữa chỉ huy quân đội và chính ủy; một số đơn vị, ban ngành trùng lặp sẽ được hợp nhất hoặc loại bỏ.

Hương Trà (gt)