Trong vài tháng trở lại đây, hàng loạt các vụ xung đột trên Biển Đông đã chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để gây áp lực với các bên liên quan, đặc biệt đối với Philippines và Việt Nam.

Tháng 2, tin tức cho biết tàu đánh cá Philippines bị tàu hải giám Trung Quốc nổ súng đe dọa. Ngày 2/3, tại vùng biển quanh hòn Reed Bank, hai tàu hải giám Trung Quốc lại chặn đường tàu thăm dò dầu khí của Philippines mang tên MV Veritas Voyager, ra lệnh cho tàu này chấm dứt hoạt động với lý do khu vực nói trên thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngay sau các sự kiện trên, Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng dàn khoan khai thác dầu ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Đến cuối tháng 5/2011, Philippines phát hiện một loạt trụ neo phao biển được tàu Trung Quốc dựng quanh hòn Amy Douglas Bank, chứng tỏ có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây. Cùng lúc đó, một tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò của PetroVietnam và cắt cáp ngầm của tàu này trong vùng biển mà Hà Nội tuyên bố thuộc Khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, dẫn đến việc dân Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.

Việc tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia không phải là điều gì mới mẻ, nhưng tranh chấp dai dẳng cộng với những động thái quá trớn của bên này có thể dẫn đến phản ứng cứng rắn của bên kia. Đối với sự kiện Biển Đông, chính các động thái của Trung Quốc, như tuyên truyền về tiềm năng sức mạnh hải quân nhằm kích động lòng tự tôn dân tộc trong lòng xã hội Trung Quốc, như những hành động đơn phương vừa qua, mới là điều đáng lo ngại.

Trò chơi muôn thuở của Trung Quốc là để các tổ chức trong nước lên tiếng trước, kết hợp đồng thời những hứa hẹn tốt đẹp với những kích động chủ nghĩa quốc gia bảo vệ chủ quyền. Chiến thuật đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ và toàn diện của Bắc Kinh, và nói theo cách của nhà bình luận Stein Tohneson, đó không phải là sách lược mới của Trung Quốc, mà là “một loạt các hiến kế bệnh hoạn, thiếu phối hợp, thậm chí đôi lúc mang tính ngạo mạn” của các tổ chức trong nước được giao nhiệm vụ phát ngôn. Hậu quả, cho dù Nhà nước Trung Quốc có bào chữa đến đâu, những lý lẽ đưa ra không thể giúp cho các nước láng giềng yên lòng.

Thật vậy, Người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc từng giải thích sự việc cho rằng tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Philippines chỉ là “hoạt động nghiên cứu hải dương học bình thường”, cũng như việc va chạm với Việt Nam là “hoạt động bình thường trên biển nhằm tăng cường giám sát việc áp dụng luật biển” trong “vùng biển thuộc lãnh hải Trung Quốc”. Trên thực tế, trong một bản tin đưa vào năm 2010, báo China Daily từng cho biết lực lượng Hải giám Trung Quốc (China Marine Surveillance - CMS) tăng quân số lên trên 1.000 nhân viên, trang bị thêm 36 tàu với nhiều thiết bị hiện đại nhằm tăng cường “khả năng hoạt động” của lực lượng này. Được thành lập vào năm 1998, CMS đã có 91 tàu tuần tiểu vào cuối 2005; đến cuối 2010, số lượng tàu hải giám đã tăng lên 300 chiếc và được 10 máy bay chiến đấu hỗ trợ. Trước viễn cảnh Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, cả quân sự lẫn bán quân sự và dân sự tại các khu vực tranh chấp mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền “không thể tranh cải” của mình và được “quốc tế công nhận rộng rãi”, khó lòng đòi hỏi các nước láng giềng phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Với những gì đang diễn ra, khi mà tàu bè, thủy thủ đoàn, là tài sản của các nước láng giềng và của cả các công ty khai thác dầu khí nước ngoài, đều bị xem là mục tiêu đe dọa, thì thử hỏi tương lai của các thương thuyền quốc tế qua lại trên vùng này sẽ như thế nào? Nếu xu thế hành xử như hiện nay vẫn cứ tiếp diễn, những tuyên bố của Trung Quốc về quyền tự do thông thương hàng hải chỉ là những tuyên bố trống rỗng. Ngoài ra, có lẽ Trung Quốc đang áp dụng chính sách cứng rắn chống lại mọi hoạt động đơn phương thăm dò dầu khí. Điểm lại các sự kiện vừa qua, rõ ràng Trung Quốc đã và đang bắn tiếng cảnh cáo các công ty khai thác dầu khí như BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) không được thăm dò trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, qua lời lẽ đe dọa rằng quyền lợi của các tập đoàn này tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Gần đây, các quan chức và giới học giả Trung Quốc lại hô hào khẩu hiệu hợp tác cùng phát triển, ngầm tỏ ý rằng nguyên nhân sâu xa của chính sách gây áp lực hiện nay của Trung Quốc là nhằm buộc Việt Nam và Philippines từ bỏ ý định đơn phương thăm dò dầu khí, phải quay trở lại với sáng kiến ban đầu hợp tác 3 bên nghiên cứu địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. (Sáng kiến hợp tác ba bên nói trên không thành hiện thực do vấn đề nội bộ Philippines, và đã hết hiệu lực từ 2008). Nếu đúng như vậy, thì cái cách thuyết phục đối tác của Trung Quốc quả thật lạ lùng, vì chắc chắn cả Philippines lẫn Việt Nam đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, làm thế nào để tạo sự cân bằng giữa mục đích an ninh và mục đích kinh tế, làm thế nào để đồng thời vừa bảo vệ lợi ích quốc gia vừa bảo đảm an ninh khu vực. Có điều cũng chắc chắn rằng, dư luận đối lập trong nội bộ Philippines sẽ chống lại mọi hình thức thỏa thuận mới liên quan đến hợp tác khai thác tài nguyên tại vùng biển gần với Philippines.

Trước tình trạng gia tăng căng thẳng, có lẽ đã đến lúc các bên liên quan hãy nghiêm túc ngồi lại đối thoại với nhau, không phải chỉ để bàn về việc làm thế nào để ứng dụng những gì đã nói trong Tuyên bố Ứng xử Biển Đông 2002 (DOC), vì rõ ràng DOC đã lạc hậu so với diễn biến tình hình. Cái mà các bên đang cần hiện nay và cho tương lai, đó là Quy tắc ứng xử (COC) nhằm ngăn ngừa đối đầu vũ lực tại các khu vực tranh chấp. Quyền lợi chính đáng của Trung Quốc và của tất cả các bên có liên quan cần được giải quyết qua con đường đối thoại và thương lượng. Muốn thực hiện điều đó, Trung Quốc phải chấm dứt các hình thức răn đe và các hình thức sử dụng vũ lực để buộc người khác chấp nhận những gì mà Trung Quốc đòi hỏi. Trung Quốc phải là bên chủ động làm giảm nguy cơ đối đầu quân sự, góp phần xây dựng bầu không khí tích cực dẫn đến đối thoại.

Ở phía bên kia, Việt Nam, Philippines và tập thể ASEAN cần phải tìm ra giải pháp tốt nhất xây dựng tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông, làm cho Trung Quốc hiểu rõ quan điểm của mình trong việc giải quyết tranh chấp qua con đường đa phương, cũng như những mong muốn và thiện chí của mình thể hiện qua nội dung của bộ Quy tắc ứng xử.

Theo Manila Times

Tiến Minh (giới thiệu)