Trong một clip phim hoạt hình mà tập đoàn công nghệ Internet Tencent của Trung Quốc phát hành hồi cuối tháng trước, kẻ thù không được nêu tên, song chiếc tàu trông khá giống tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, còn chiếc máy bay bị phá hủy rõ ràng là chiếc Lockheed Martin Corp F-22.

Điều này có thể chỉ là sự tưởng tượng, song clip trên - với hơn 60 triệu lượt người xem cho tới nay – đã cho thấy tinh thần chủ nghĩa dân tộc và sự tự tin đang lên cao trong người dân và giới quân sự Trung Quốc. Một nước Trung Quốc quyết đoán dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây tin rằng quân đội của họ có những công nghệ mà ít ra cũng đủ để khiến Mỹ phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi tiến hành bất cứ động thái quân sự phiêu lưu mạo hiểm nào ở nơi Trung Quốc coi là "sân sau" của mình.

Thiếu tướng nghỉ hưu La Viện, hiện là nhà bình luận quân sự, hồi tháng 6/2015 đã viết: “Liệu Mỹ có chắc sẽ giành ưu thế trong một cuộc tỉ thí với Trung Quốc không? Trung Quốc đang chuẩn bị hàng ngày để có thể chiến thắng trong một cuộc chiến hiện đại”. Giới phân tích nhận định rằng có ba đấu trường tiềm năng cho một cuộc tỉ thí như vậy, đó là: Biển Đông - nơi Trung Quốc có tranh chấp với các nước láng giềng; Biển Hoa Đông – nơi các hòn đảo nhỏ xa xôi là nguyên nhân tranh cãi giữa Bắc Kinh và Nhật Bản, đồng minh của Mỹ, và một cuộc xung đột bất kỳ liên quan tới Đài Loan.

Mỹ tới nay vẫn là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Nước này đã cam kết sẽ vẫn cho tàu tiếp tục qua lại bất cứ khu vực nào mà nước này coi là vùng lãnh hải quốc tế ở ngoài khơi của Trung Quốc và đưa một phần trong số các trang thiết bị quân sự hiện đại nhất của mình tới hoạt động ở khu vực này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phô trương một số vũ khí quân sự hạng nặng mới nhất của mình trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh hồi tuần trước để kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã nêu bật sức mạnh đang lên của nước này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ đã tỏ ra coi nhẹ vấn đề này khi cho rằng mặc dù việc Trung Quốc tăng cường quân sự trong những năm gần đây đã khiến dư luận lo ngại, song cuộc duyệt binh hồi tuần trước “chỉ có tác dụng phô diễn và không phải là điều mà Washington phải lo ngại thái quá”. Trong số các loại vũ khí được Trung Quốc phô trương lần đầu tiên tại cuộc duyệt binh có loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến Dongfeng-21D, loại vũ khí vẫn chưa qua thử nghiệm được thiết kế để phá hủy tàu sân bay chỉ bằng một cú bắn.

Ngoài ra còn có một số loại tên lửa đạn đạo liên lục địa như DF-5B và DF-31A cũng như tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, được giới truyền thông quốc phòng gọi là “sát thủ Guam” bởi nó giúp Trung Quốc tăng cường khả năng đe dọa căn cứ Thái Bình Dương nào của Mỹ. Còn các sân bay và cảng đang xây dựng trên các đảo mới bồi lấn của Trung Quốc ở vùng Biển Đông đang tranh chấp sẽ giúp Trung Quốc phô bày sức mạnh xa hơn tới vùng biển Đông Nam Á.

Đề cập đến khả năng đối đầu với Mỹ ở khu vực gần hoặc xung quanh Đài Loan, Đô đốc về hưu Trương Triệu Trung đã phát biểu trên truyền thông quốc gia rằng: “Chúng ta về cơ bản đã vượt qua được chuỗi đảo thứ nhất. Giờ chúng ta cần vượt qua chuỗi đảo thứ hai và thứ ba”, ám chỉ đến khả năng thách thức Hải quân Mỹ ở phía bên kia Đông Á và tiếp đó là tới Hawaii.

Nhà phân tích an ninh khu vực Richard Bitzinger thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho rằng mặc dù trong cuộc duyệt binh hồi tuần trước không có gì mới về mặt kỹ thuật, song ông quan ngại về sự tự tin thái quá của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, đang theo đuổi chiến lược “tái cân bằng” với châu Á và chưa sẵn sàng từ bỏ vị trí cường quốc hải quân hàng đầu của mình ở Tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ cho biết khoảng 58% lực lượng của họ – gồm tàu chiến, máy bay, lính thủy và lính thủy đánh bộ - đang được triển khai tới hoặc đóng quân tại các cảng thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Nhật Bản, Guam và Singapore. Tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang trên đường tới Nhật Bản và ba tàu khác đang đóng tại cảng của Mỹ trên bờ Thái Bình Dương.

Báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh đến khoảng trống trong quốc phòng của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc còn thiếu khả năng chống tàu ngầm mạnh chẳng hạn. Một quan chức phương Tây tại Bắc Kinh, trích dẫn những đánh giá nội bộ về các tên lửa của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh, cho rằng: “Có các tên lửa này và biết sử dụng chúng hiệu quả trong cuộc xung đột là hai vấn đề rất khác nhau”. Quan chức này cũng nói thêm rằng chưa rõ các mô hình mới nhất này đã được triển khai hay chưa.

Tuy nhiên, những tiến bộ của Trung Quốc cũng đã làm đau đầu Đài Loan, nơi Trung Quốc vẫn coi là của mình và chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát. Theo luật, Mỹ phải giúp Đài Loan phòng vệ. Một báo cáo không công bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan mà Reuters có được đã cảnh báo rằng loại bom H-6 được nâng cấp của Trung Quốc, nếu gắn với tên lửa chống tàu, sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc thể hiện sức mạnh tới tận Ấn Độ Dương.

Loại máy bay tương tự xuất hiện trong bộ phim hoạt hình của Tencent đã bắn tên lửa để xóa sổ một tàu sân bay. Một nhà ngoại giao cấp cao châu Á đóng tại Bắc Kinh nói: “Thông điệp Trung Quốc đưa ra những ngày này là ‘chúng tôi ở đây và bạn tốt nhất hãy quen với điều đó. Mục đích là đẩy người Mỹ ra càng xa càng tốt. Chỉ có thể có một người anh lớn ở khu vực này thôi”.

Theo Reuters

Văn Cường (gt)