Tàu hải quân Trung Quốc vừa thao tập tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Trước diễn biến này, Tôkiô bày tỏ sự quan ngại về hoạt động ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc tại khu vực này. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, một đội gồm 4 tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã đi qua vùng biển nằm giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Trung Quốc qua lại khu vực này là nhằm chuẩn bị cho cuộc thao luyện hàng năm vốn đã trở thành thông lệ. Đáp lại những quan ngại từ phía Tôkiô, Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc có quyền tự do hàng hải trên vùng biển này. Theo Chính phủ Trung Quốc, điều này hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế và được công nhận trên thực tế.Trong khi đó, giới quan sát nhận định các cuộc tập luyện diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông. Gần đây, Nhật Bản lên tiếng phản đối các thông tin cho biết phía Trung Quốc độc lập tiến hành khai thác các mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch định danh những hòn đảo không có người sinh sống nằm gần quần đảo Senkaku đang trong tình trạng tranh chấp. Trong thời gian gần đây, Tôkiô đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước sự tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu minh bạch trong các mưu đồ địa chính trị. Báo cáo thường niên năm 2011 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự báo Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện thường xuyên các hoạt động hải quân trong vùng biển bao quanh các hòn đảo của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông cũng như ở Thái Bình Dương và Biển Đông. Sự gia tăng hoạt động của lực lượng Hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh thực sự có ý định mở rộng sự hiện diện của lực lượng Hải quân nước này trong các vùng biển mà Tôkiô có các yêu sách về lãnh hải.

Đại tướng, Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị của Nga, ông Leonid Ivanshop, nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga: “Đây là cuộc tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng, hơn nữa lại là khu vực giàu dầu mỏ và hải sản. Phía Trung Quốc đang sử dụng áp lực hải quân để củng cố các yêu sách của mình. Tuy nhiên, còn một sự việc khác hiện hữu rất rõ ràng. Những năm gần đây, Mỹ đẩy mạnh hoạt động hải quân xung quanh Trung Quốc. Oasinhtơn bố trí căn cứ quân sự và thậm chí đưa máy bay chiến lược đến Ôxtrâylia. Mỹ đang kiểm soát Eo biển Malắcca vốn có ý nghĩa sống còn đối với Trung Quốc. Oasinhtơn còn tìm cách lấy lòng Ấn Độ dựa trên cơ sở là chống Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc phô trương sức mạnh của mình và quyền thống trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phần phía Tây của Thái Bình Dương”. Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ thái độ bực bội vì Oasinhtơn can thiệp ngày càng nhiều vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Thời gian gần đây Mỹ đã gia tăng đáng kể quan hệ với các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Inđônêxia, Philíppin và Xinhgapo trong lĩnh vực an ninh. Bắc Kinh xem đây là mối đe dọa đối với những lợi ích chiến lược của mình. Vì thế những cuộc tập trận hiện nay không chỉ liên quan tới cuộc tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku, mà còn cả với hoạt động đang gia tăng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Trong 2 năm qua, Bắc Kinh tiến hành gần 50 cuộc tập trận hải quân. Việc củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực đang thách thức Mỹ. Bắc Kinh nhận thấy rằng cần phải hoạt động tích cực hơn trước, để phô trương lá cờ của mình trên Thái Bình Dương.

Theo Ruvr (7/2)

Mỹ Anh (gt)