Theo ông Hồng Lỗi, Đại sứ Trung Quốc tại Phillipines Mã Khắc Khanh đã gặp quan chức của Bộ Ngoại giao Phillipines nói rõ không chấp nhận và trả lại bức công hàm thông báo nêu trên của Phillipines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc có lịch sử và cơ sở pháp lý đầy đủ chứng tỏ chủ quyền của quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh thuộc về Trung Quốc. “Trung Quốc hy vọng rằng Phillipines sẽ trân trọng chính cam kết của mình bằng việc không có bất kỳ hành động nào khiến tình hình thêm rắc rối và đáp lại đề nghị của Trung Quốc một cách tích cực để thiết lập đối thoại song phương về các vấn đề hàng hải, cùng giải quyết mọi vấn đề qua thỏa thuận song phương”. Giải quyết tranh chấp qua đàm phán giữa các nước chủ quyền liên quan trực tiếp cũng là nhận thức chung đạt được trong “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Công hàm và thông báo trên của Phillipines không những đã làm trái với nhận thức chung, mà còn tồn tại sai lầm nghiêm trọng về sự thực và pháp lý, trong đó còn có nhiều nội dung không đúng sự thực nhằm chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.

Theo giới phân tích, phản ứng trên đây của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên, vì Trung Quốc luôn đòi phải thảo luận song phương, nhằm dùng sức mạnh áp đảo các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.

Tháng 1/2013, Phillipines đã chính thức kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải thích rằng họ đã cạn kiệt các khả năng chính trị, ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc có thời hạn đến ngày 21/2 để trả lời dứt khoát có đồng ý ra trước tòa án quốc tế với Phillipines hay không.

Cùng ngày, tờ Manila Standard Today dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Phillipines Ramon Oca cho biết Manila đang có kế hoạch nộp yêu sách đòi mở rộng “chủ quyền thềm lục địa” của Phillipines trên Biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Ông nói rằng cơ quan này đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường Phillipines chuẩn bị hồ sơ cần thiết. Theo ông Ramon Oca, yêu sách “mới” của Phillipines sẽ đòi hỏi mở rộng “chủ quyền thềm lục địa Phillipines” ra ngoài phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông. Nếu yêu sách được thông qua tại UNCLOS, Phillipines sẽ được độc quyền thăm dò khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thềm lục địa. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm thông tin nào về “yêu sách mới”.

Trong một diễn biến khác, một quan chức Bộ Quốc phòng Phillipines tiết lộ Manila đang tính toán trang bị thêm tên lửa chống hạm cho 2 tàu tuần tra BRP Gregorio Del Pilar và BRP Alcaraz để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải của đất nước. Hai chiếc tàu tuần tra này được bàn giao cho Hải quân Phillipines vào tháng 5/2011 và tháng 5/2012, và đã trở thành tàu quân sự hiện đại nhất của Phillipines chuyên thực hiện tuần tra ở Biển Đông, bảo vệ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí khỏi sự “quấy nhiễu từ bên ngoài”. Trong đó, tàu BRP Gregorio Del Pilar (PF-15) đã được phái ra bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012 để xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép đầm phá bãi cạn này, ngư trường truyền thống của Phillipines.

Thùy Anh (tổng hợp)