Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng tốt nhất thế giới trong giai đoạn 1978-2010 - trung bình 9,8%, hứa hẹn có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2015. Vậy, sự bùng nổ này có thể kéo dài bao lâu? 

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Những nghiên cứu lý giải về mức độ tăng trưởng và kinh nghiệm của Trung Quốc với các quốc gia Đông Á khác cho thấy Trung Quốc vẫn có tiềm năng phát triển một cách nhanh chóng, nhưng các chi tiết cụ thể của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đang diễn ra cần phải được xem xét. 

Trong những ngày đầu của thời kỳ đổi mới, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhân khẩu học bằng cách tăng dân số ở độ tuổi lao động và hạ thấp tỷ lệ phụ thuộc: còn gọi “lợi tức nhân khẩu học” (có nghĩa những lợi ích kinh tế có được từ biến đổi dân số). Với chính sách “một con” của Trung Quốc, tỉ lệ sinh - có nghĩa là số lượng trung bình một phụ nữ sinh con trong cuộc đời của mình - đã giảm xuống còn 1,4 con trên một phụ nữ, thấp hơn tỷ lệ cần thiết để giữ cho dân số ổn định. Chính sách này đã giúp ổn định dân số và đem đến lợi ích tăng trưởng lớn chưa từng có. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào năm 2010, và tỷ lệ dân số phụ thuộc cũng bắt đầu tăng. 

Một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế chưa từng có ở Trung Quốc trong 30 năm qua có thể được quy cho “lợi tức nhân khẩu học”. Hai cơ chế đằng sau hiện tượng này là tỷ lệ phụ thuộc thấp hơn, dẫn đến tỷ lệ hình thành vốn cao hơn, và sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động, dẫn đến nguồn cung cấp lao động dồi dào hơn. Cả hai yếu tố này đang góp phần vào tăng trưởng kinh tế. 

Nhưng sự đảo chiều của những xu hướng nhân khẩu học có nghĩa mô hình tăng trưởng truyền thống của Trung Quốc sẽ trở nên không bền vững. Với mức sinh hiện nay, sự đóng góp của “lợi tức nhân khẩu học” vào tăng trưởng kinh tế sẽ gần như bằng không trong vài năm tới. Và sau năm 2020 nhân khẩu học sẽ tạo ra một gánh nặng, chứ không phải là một cú hích, đối với tăng trưởng kinh tế. Vậy Trung Quốc cần phải làm gì? 

Nói chung, các biện pháp cải cách có thể được phân thành hai loại. Đầu tiên sẽ nhằm mục đích kéo dài “lợi tức nhân khẩu học”. Thứ hai sẽ tìm cách cải thiện hiệu suất năng suất của Trung Quốc. Tổng tỷ lệ sinh của Trung Quốc chắc chắn sẽ thấp. Và, ở mức 1,4 con/phụ nữ, nó gần với mức “bẫy sinh thấp” 1,3 con/phụ nữ mà lịch sử đã chứng minh các nước không thể trở lại mức độ sinh sản trước đó. Mức độ sinh sản có thể tăng lên bằng việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nhưng chính sách mới của Trung Quốc chỉ có tác dụng hạn chế về khả năng sinh sản. Nới lỏng chính sách về quy mô gia đình sẽ tạo ra những tác động đến tăng trưởng trong những giai đoạn ngắn và dài hạn khác nhau, làm giảm mức tăng trưởng trong ngắn hạn và làm tăng mức tăng trưởng trong dài hạn. Sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ phải chuyển sang “chính sách hai con”. 

Tăng tuổi nghỉ hưu cũng có thể tạo ra những thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc. Nhưng điều này dường như không tác động mạnh hoặc lâu dài đến khả năng tăng trưởng của Trung Quốc. Nâng cao trình độ học vấn có thể mang lại lợi ích khá lớn: từ năm 2016 đến năm 2020, trung bình thêm một năm học cho người dân Trung Quốc sẽ giúp gia tăng mức độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,6-7,5%. Tuy nhiên, tác động của việc này sẽ giảm dần theo thời gian. Nâng cao chất lượng giáo dục cũng có thể có tác động đáng kể đến khả năng tăng trưởng. 

Nhưng tiềm năng thực tế để duy trì tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc lại nằm ở việc cải thiện năng suất. Trong nhiều lĩnh vực, công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp với trình độ của các nền kinh tế tiên tiến. Và với sự chênh lệch lớn về năng suất của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, Trung Quốc cần phải có cải cách pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động và nguồn vốn nhằm chuyển đổi từ doanh nghiệp có năng suất thấp sang doanh nghiệp có năng suất cao. Điều này sẽ cho phép những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tiếp tục mở rộng và phát triển, trong khi các doanh nghiệp kém hiệu quả phải bị loại khỏi thị trường. Việc tăng cường các cơ chế thị trường ở Trung Quốc là điều cần thiết để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. 

Cải cách hệ thống tài chính cũng rất cần thiết để nâng cao năng suất, trong đó tự do hóa lãi suất là ưu tiên hàng đầu. Chỉ có tỷ lệ lãi suất dựa trên thị trường mới có thể phân bổ hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng suất. Một biện pháp quan trọng khác để Trung Quốc nâng cao năng suất là phải cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm kiếm những việc làm đem lại hiệu quả cao nhất. 

Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới trong phát triển kinh tế. Nhận thức được những động lực nhân khẩu học để giúp tăng trưởng kinh tế đến nay là điều cần thiết và các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức ở phía trước.

Theo East Asia Forum

Văn Cường (gt)