Trong lúc chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper tham gia các cuộc phiêu lưu quân sự tại Ukraine và Trung Đông, các đồng minh của Canada tại châu Á đang ngày càng lo lắng về nguy cơ thực sự và đang hiện hữu đến từ hải quân Trung Quốc. Sau 30 năm đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ hải quân hiện đại, các tàu chiến Trung Quốc không còn là nguy cơ trên lý thuyết. Khi Bắc Kinh theo đuổi tham vọng trở thành một sức mạnh quân sự toàn cầu và kích động những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng xung quanh, họ đang xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng ngăn cản Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào các vấn đề của họ.

Mới đây, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, đã chỉ ra mức độ thành công của Bắc Kinh trong chiến dịch "tàng hình" để xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng khuyếch trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc khắp khu vực và để "nuốt chửng" các lãnh thổ tranh chấp. Điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Locklear cho biết Trung Quốc đã gần thiết lập được "sự kiểm soát trên thực tế" đối với 4/5 diện tích của Biển Đông.

Ngoài việc triển khai lực lượng hải quân mới và ngày càng hùng mạnh tại một số tuyến đường vận chuyển trên biển đông đúc nhất thế giới, Trung Quốc đang bắt tay vào một dự án nạo vét và xây dựng lớn để mở rộng các hòn đảo nhỏ và các bãi cát ngầm thành đảo, trên đó họ xây dựng các đường băng và căn cứ quân sự. Các đảo nhỏ và rặng san hô ở Biển Đông hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ, cũng được các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Trong 3 năm qua, đã xảy ra một số đụng độ giữa các tàu tuần duyên của Việt Nam và Philippines với các tàu xâm nhập của Trung Quốc. Kết quả là cả Hà Nội và Manila đều kêu gọi Washington và các đồng minh khác như Ấn Độ và Nga, hỗ trợ việc tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang của họ.

Nhật Bản, kẻ thù cũ của Trung Quốc, cũng đang cảm nhận được những nguy cơ trực tiếp từ Bắc Kinh. Trong 3 năm qua, Trung Quốc liên tục gây sức ép với Nhật Bản liên quan tới vấn đề chủ quyền của quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh đã cử tàu đánh cá và tuần duyên vào lãnh hải Nhật Bản, đồng thời cử máy bay chiến đấu vào không phận nước này. Tokyo phản ứng một cách cứng rắn, nhưng bình tĩnh. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách củng cố các liên minh quân sự với Washington và các đồng minh khu vực như Australia và Hàn Quốc. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải thận trọng gấp đôi trong bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào.

Việc Tokyo đang tìm kiếm những liên minh mới phần nào cho thấy Nhật Bản không hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Năm 2008, ông Obama đã hứa hẹn "chuyển trục" sang châu Á trong cam kết quân sự và ngoại giao của Mỹ. Cam kết trên không được rõ ràng như Nhật Bản và các đồng minh châu Á của Mỹ kỳ vọng. Do vậy, Nhật Bản đang tìm kiếm những đối tác mới, nhưng Canada lại không thuộc nhóm đứng đầu danh sách các nước mà Nhật Bản cảm thấy có thể hữu dụng. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn vừa qua, các quan chức Nhật Bản nói rằng họ cảm thấy chính phủ Canada thiếu khả năng chiến lược để phản ứng với thách thức do khả năng khuyếch trương sức mạnh thực sự hiện nay của Trung Quốc gây ra, chưa nói đến đến khả năng của lực lượng hải quân "kiệt quệ" của Canada trong một cuộc khủng hoảng.

Một báo cáo mới được công bố của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) xác nhận rằng Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động xa bờ. Trong 10 năm tới, Bắc Kinh sẽ hoàn thành tiến trình chuyển tiếp thành một lực lượng hải quân có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ trên khắp thế giới. Trọng tâm phát triển hải quân và khuyếch trương sức mạnh trên biển của Trung Quốc đang nhận được cú huých lớn kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc 3 năm trước đây. Ông Tập Cận Bình coi sức mạnh trên biển đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự, ngoại giao và mục tiêu trở thành cường quốc của Trung Quốc.

Mục tiêu tăng cường hải quân của Trung Quốc rõ ràng là nhằm thách thức ưu thế của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và hăm dọa, buộc các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, phải thừa nhận sức mạnh chi phối của Trung Quốc. Và đây mới chỉ là sự khởi đầu. Báo cáo của ONI viết: "Trung Quốc đang ở giữa tiến trình hiện đại hóa quân sự, và tiến trình này được tiếp tục lập kế hoạch trong những thập kỷ tới". Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đóng, hạ thủy hoặc đưa vào sử dụng hơn 60 tàu chiến và xu hướng này đang được tiếp tục, trong khi Ottawa còn chưa soạn thảo chi tiết cho các kế hoạch hiện đại hóa hải quân, được công bố năm 2011.

Ba hạm đội của Trung Quốc là Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, hiện có khoảng 205 tàu chiến, gấp 3 lần quy mô của hải quân Nhật Bản. Ba hạm đội này có 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 59 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel, 4 tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 26 tàu khu trục lớn, 52 tàu khu trục nhỏ, 86 tàu tuần tra được trang bị tên lửa, 20 tàu hộ tống và 56 tàu đổ bộ. Hải quân Trung Quốc có một tàu sân bay đang được sử dụng cho mục đích đào tạo lực lượng không quân hải quân và đang trong tiến trình đóng thêm ít nhất 2 tàu sân bay.

Thách thức lớn nhất là hầu hết các tàu chiến và tàu ngầm này được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18 hiện đại, mà Mỹ và các đồng minh không có khả năng phòng thủ một cách đáng tin cậy.

Theo iPolitics

Trần Quang (gt)