Khi ông nhậm chức Phó Vụ trưởng Vụ châu Á vào năm 1994, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đang ở trong tình trạng hỗn độn và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau do tranh chấp ở Biển Đông tại đảo Vành Khăn vào đầu năm 1995. Mối quan hệ của họ còn xấu đi khi ASEAN cùng nhau lên án hành động của Trung Quốc vào tháng ba năm đó.

Phải mất một thời gian để ASEAN xây dựng lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Cơ hội đến với Bắc Kinh khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, bắt đầu ở Thái Lan, sau đó lan sang Hàn Quốc và Indonesia. Với một lời hứa mạnh mẽ không phải phá giá đồng tiền của mình cùng với các gói hỗ trợ tài chính khiêm tốn, Trung Quốc đã trở thành người bạn của ASEAN đạt được vị thế kinh tế và chính trị vững vàng hơn trong khu vực.

Trước khi xảy ra sự căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, hai bên đã từng có sự thiện chí và sự tin tưởng lẫn nhau ở mức cao, từ đó đã thúc đẩy và làm sâu sắc thêm sự hợp tác của họ, đặc biệt là trong các khuôn khổ của ASEAN+3, trong đó có việc ký kết Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực ASEAN. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 43 ủy ban về ASEAN bao gồm nhiều lĩnh vực cam kết và hợp tác. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 33 ủy ban, Ấn Độ có 23 ủy ban để giám sát hợp tác với ASEAN.

Hiện nay, với những gương mặt lãnh đạo mới của mình, những mâu thuẫn trong thời kỳ chuyển tiếp cần được giải quyết. Với việc Vương Nghị được bổ nhiệm, ASEAN hy vọng rằng những căng thẳng với Trung Quốc sẽ giảm đi. Trong tương lai gần, ASEAN cũng mong rằng quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sẽ được cải thiện bởi hai nước này trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực này. Một Cộng đồng ASEAN đầy tham vọng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu hai người khổng lồ châu Á không có mối quan hệ tốt. Thực tế, mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản ổn định và thân thiện là một điều kiện tiên quyết cho ASEAN tiếp tục đạt được sự thịnh vượng.

Tại thời điểm này, với sự khéo léo trong ngoại giao và phong cách đàm phán thận trọng, Vương Nghị có vẻ là người thích hợp trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc cũng như quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lên một tầm cao khác. Ông đã từng góp phần trong việc tăng cường quan hệ ASEAN - Trung Quốc sau thời kỳ sự kiện đảo Vành Khăn. Một kết quả quan trọng là Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Nhận công tác nhiệm kỳ tại Nhật Bản trong thời gian 2004-2007, ông đã giúp cải thiện quan hệ với Tokyo. Trước khi tiếp nhận vị trí hiện tại, ông đã có 5 năm phụ trách các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Khi đó, quan hệ qua với Đài Loan được coi là tốt nhất.

Các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc dự kiến ​​sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 2/4 để thảo luận về tình hình quan hệ. Đây là cơ hội để họ đến chào xã giao tân Ngoại trưởng Trung Quốc. Mặc dù vấn đề Biển Đông không có trong chương trình nghị sự, hai bên đều hy vọng sẽ thảo luận vấn đề nhạy cảm này. Một quan chức cấp cao Thái Lan, người sẽ tham dự cuộc họp ở Bắc Kinh, đã bày tỏ sự lạc quan rằng nó sẽ đặt nền móng cho cả hai bên trong tương lai nhằm bắt đầu tiến trình rất được mong đợi, đó là dự thảo quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Thái Lan là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Brunei, Chủ tịch ASEAN, cũng đã làm rõ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của mình là để giảm bớt sự căng thẳng ASEAN - Trung Quốc trong các tranh chấp biển.

Rõ ràng là các kết quả trong tháng tới tại Bắc Kinh sẽ trở thành thước đo về thái độ của Trung Quốc đối với ASEAN dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Vương Nghị sẽ làm việc chặt chẽ với người tiền nhiệm Dương Khiết Trì, người đã được thăng chức Ủy viên Hội đồng Nhà nước phụ trách các vấn đề đối ngoại. Cùng nhau, họ được coi là một "đội hình trong mơ" về chính sách đối ngoại trong đó Dương Khiết Trì là người am hiểu về Mỹ sẽ tập trung vào các nước phương Tây, còn Vương Nghị là người có thể nói tiếng Nhật và là một đối tác cũ của ASEAN sẽ tập trung vào châu Á.

Có một điều thú vị cần lưu ý là việc Vương Nghị được bổ nhiệm đã tạo nên một không khí sôi nổi trong ASEAN, trong khi việc bổ nhiệm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không khuấy động bất kỳ sự tò mò nào mặc dù ông là một cựu chiến binh Việt Nam. Tuy nhiên, ông đã tạo nên sự quan tâm tại khu vực châu Âu và Trung Đông.

Sau sự chuyển đổi đột ngột của quan hệ ASEAN - Trung Quốc kể từ tháng 7/2010 sau 15 năm quan hệ đối tác hợp tác, Trung Quốc đã tăng cường nguồn nhân lực làm việc về ASEAN, cả ở Bắc Kinh và tại trụ sở ngoại giao của mình ở Jakarta. Với những vấn đề không chắc chắn trong các tranh chấp tại Biển Đông, cải thiện quan hệ với ASEAN hiện trở thành mục tiêu chính sách đối ngoại cấp bách nhất. Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN đã được coi như là một ví dụ về cách một đất nước lớn mạnh cùng tồn tại với các nước láng giềng nhỏ hơn. Trong suốt ba thập kỷ hiện đại hóa của Trung Quốc, chung sống hoà bình với Đông Nam Á đã được nêu bật là một trong những thắng lợi lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc cần tiếp tục chứng minh rằng điều này vẫn còn có tác dụng trong tình hình hiện nay.

Có thể thấy thấy Trung Quốc trở nên tự tin hơn trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản mặc dù có nhiều khi mối quan hệ của họ trở nên rất căng thẳng và gần bờ vực chiến tranh với các tranh chấp tại đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước khi ASEAN mở rộng vào năm 1995, Trung Quốc có thể dễ dàng đối phó với ASEAN hơn khi có thể coi ASEAN như một nhóm nước có chung mục đích. Hiện ASEAN đã có 10 thành viên, đồng nghĩa với việc sẽ có những mức độ thân thiết khác nhau đối với Bắc Kinh.

Kết quả là, Bắc Kinh đang điều chỉnh lại mối quan hệ của mình với từng thành viên của ASEAN, sắp xếp phân loại lại từng nước ASEAN, tập trung vào các thành viên ít thù địch hơn. Vẫn cần phải theo dõi xem chiến lược này sẽ có kết quả thế nào trong mối quan hệ chung ASEAN - Trung Quốc và trong quan hệ nội bộ các nước ASEAN.

Theo The Nation

Văn Cường (gt)