114413214xijinpingchannel4_FPKX.jpg

Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây cũng đã công bố Sách trắng về vũ trụ, đề cập đến chính sách khai thác và phát triển không gian vì mục đích hòa bình đồng thời cho thấy các thành tựu quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mà Trung Quốc gặt hái được trong thời gian qua và chiến lược phát triển của nước này trong 5 năm tới.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng Sách trắng trên đã giúp vén bức màn bí ẩn bao phủ ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Trung Quốc đã vươn lên để trở thành một cường quốc vũ trụ kể từ năm 1970 - thời điểm Bắc Kinh phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ. Năm 2003 đánh dấu bước ngoặt mới khi Trung Quốc đứng vào nhóm những quốc gia có thể độc lập đưa con người vào vũ trụ (sau Mỹ và Nga). Nhờ vào những quyết sách mạnh mẽ để huy động và tập trung nguồn lực, Trung Quốc đã nhanh chóng rút ngăn khoảng cách phát triển với các cường quốc vũ trụ trụ trên khắp thế giới.

Năm 2011, Trung Quốc đã phóng tàu Thiên Cung 1 vào vũ trụ để thực hiện những bước đi đầu tiên của kế hoạch xây dựng trạm không gian. Như vậy, chỉ mất có 8 năm kể từ chuyến bay có người lái đầu tiên trong vũ trụ, Trung Quốc đã khẳng định vị thế là một "cường quốc không gian". Dự kiến, trạm không gian này sẽ hoàn thiện tất cả các chức năng trên quỹ đạo vào năm 2023. Tuy nhiên, "giấc mộng Trung Hoa" không chỉ dừng ở mục tiêu xây dựng trạm không gian. Theo Sách trắng trên, tàu vũ trụ của Trung Quốc sẽ thực hiện việc hạ cánh mềm xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2018, và tàu thám hiểm tới Sao Hỏa sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2020. Những mục tiêu này chứng tỏ Trung Quốc vẫn đang giữ nhịp trong chiến lược phát triển không gian như các cường quốc khác.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của không gian và cả những lợi ích tiềm tàng mà nó mang lại. Đây là lý do Sách trắng về vũ trụ của Trung Quốc chủ yếu đề cập đến chính sách khai thác, phát triển ở khía cạnh khoa học vì mục đích hòa bình chứ không phải an ninh quốc gia hay quân sự. Trung Quốc muốn khẳng định rằng chính sách vũ trụ của họ là phi quân sự và không trở thành mối đe dọa cho bất cứ nước nào.

Tại cuộc họp báo công bố Sách trắng, ông Wu Yanhua - Phó Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nói rằng Bắc Kinh sẽ phát huy vai trò vì hòa bình trong suốt quá trình khai thác và sử dụng không gian. Theo ông Wu, mục tiêu tổng quát của Trung Quốc là trở thành một cường quốc vũ trụ thực thụ vào năm 2030, và nhiều nhà bình luận hiểu rằng một cuộc chạy đua mới đang hình thành trong không gian. Dù ngân sách còn ít, nhưng những năm gần đây, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều tìm cách thúc đẩy chương trình vũ trụ đồng thời quan sát chặt chẽ mọi động thái từ phía Trung Quốc.

Trong nhiều trường hợp khác nhau, công nghệ được ứng dụng cho các chuyến bay vào vũ trụ và khai thác không gian rất gần gũi với lĩnh vực quốc phòng và an ninh khi tất cả các vệ tinh đều mang tính lưỡng dụng (cả dân sự và quân sự). Ví dụ, năm 2016, Trung Quốc đã vượt lên trong cuộc chạy đua khi phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên mang tên "Micius" (Mặc Tử) vào quỹ đạo. Vệ tinh "Micius" có nhiệm vụ thiết lập đường dây thông tin mà tin tặc không thể tấn công. Dữ liệu thông tin được mã hóa và chuyển đến vệ tinh dưới dạng các hạt photon nên không thể bị đánh cắp và có thể đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Bước đột phá về vệ tinh "Micius" đã giúp Trung Quốc có trong tay toàn bộ công nghệ về vệ tinh lượng tử, bệ phóng và cả tên lửa.

Những công nghệ này sẽ thiết lập mạng lưới thông tin không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà cả quân sự nên có thể nói chương trình không gian của Trung Quốc mang tính lưỡng dụng rất rõ rệt. Quân đội sẽ nắm quyền điều khiển chương trình này trong trường hợp xảy ra xung đột hay chiến tranh. Dù ở thời chiến hay thời bình thì việc phát triển công nghệ truyền thông hiện đại cũng sẽ giúp ích nhiều cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong nỗ lực tăng cường khả năng chống xâm nhập và tiếp cận (A2/AD).

Theo RUSI

Mỹ Anh (gt)