Manila có vẻ như đã giảm bớt việc chỉ trích Trung Quốc trước chuyến thăm này với hy vọng giành được thêm đầu tư của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng sự hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay chỉ được tăng cường nếu Trung Quốc được tham gia nhiều hơn vào ngành khai mỏ của Philíppin và Manila kiềm chế hơn trong vấn đề Biển Đông.

Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Benigno Aquino III đã bị trì hoãn khá lâu khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng từ tháng 3/2011 do những tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, trước chuyến thăm này, Manila đã có giọng điệu hòa giải trong một nỗ lực thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc. Philíppin có truyền thống kích động Mỹ và Trung Quốc chống lại nhau để thu lợi từ sự hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong khi tự bảo vệ mình bằng những đảm bảo an ninh từ Oasinhtơn. Bắc Kinh nhận ra điều này và tận dụng yêu cầu đầu tư của ông Aquino để đòi thêm những nhượng bộ và sự hạn chế hành vi của Philíppin trong vấn đề Biển Đông.

Với việc tăng trưởng kinh tế của Philíppin đang có dấu hiệu giảm sút, ông Aquino đang trong tình thế khó khăn. Mặc dù đã lên cầm quyền hơn 1 năm, nhưng ông Aquino vẫn chưa thực hiện được hầu hết những hứa hẹn khi tranh cử và đang đối mặt với uy tín ngày càng giảm sút. Hậu quả là Philíppin đang ngày càng cần đầu tư của nước ngoài và ông Aquino đang mong chờ đầu tư của Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philíppin, nhưng đầu tư của nước này tại Philíppin chỉ đạt khoảng 100 triệu USD trong năm 2010, một phần rất nhỏ trong tổng số đầu tư nước ngoài lên tới 59 tỷ USD, và còn thấp hơn số tiền đầu tư của Trung Quốc hồi năm 2005. Nói cách khác, đầu tư Trung Quốc có nhiều tiềm năng phát triển trong một đất nước luôn thiếu vốn đầu tư như Philíppin. Trong chuyến công du Trung Quốc, có tới 300 chủ doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Aquino. Theo các tin tức, ông Aquino mong muốn tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều với Trung Quốc vào năm 2016, lên 60 tỷ USD, so với mức 28 tỷ USD hiện nay và hứa hẹn "mở cửa" cho đầu tư nước ngoài. Ông Aquino đang vận động Trung Quốc đầu tư vào ngành ô tô, đóng tàu, các dự án đường sắt và nông nghiệp và chương trình quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân, trọng tâm của chiến lược tái cơ cấu kinh tế và tạo việc làm của Chính phủ Aquino.

Sự tăng trưởng kinh tế và mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc, cùng với đầu tư và viện trợ giảm sút từ Nhật Bản, đang ngày càng khiến nhiều nước Đông Nam Á rơi vào tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh đang dùng ảnh hưởng kinh tế này làm đòn bẩy để đạt được ảnh hưởng chính trị và hỗ trợ giải quyết những tranh chấp ngoại giao. Tuy nhiên, không giống với các nước khác trong khu vực, Philíppin là một đồng minh an ninh của Mỹ, quốc gia đang cung cấp cho Manila những phương án lựa chọn khác để cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trên thực tế, Manila đã chứng tỏ khả năng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, với chính sách tái can dự của Mỹ, những lợi ích cạnh tranh nhau tại Biển Đông và các vấn đề khu vực khác, Manila cần thận trọng hơn để tiếp tục được lợi từ sự hợp tác với cả hai bên.

Lâu nay, Bắc Kinh vẫn quan tâm đến việc thâm nhập khu vực năng lượng và tài nguyên giàu có của Philíppin. Nhưng sự phản đối ở bên trong Philíppin đang cản trở những nỗ lực này của Trung Quốc. Ông Aquino đang phải chịu sức ép hủy bỏ chính sách, cho phép nước ngoài sở hữu 100% các hoạt động khai mỏ quy mô lớn và cổ phần hạn chế trong các hoạt động nhỏ hơn, do vậy ông ta sẽ khó đồng ý với yêu cầu mở cửa hơn nữa ngành khai mỏ Philíppin cho Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng có thể gây áp lực, buộc Manila kiềm chế hơn tại Biển Đông và nhấn mạnh đến cách tiếp cận đối thoại song phương và các dự án cùng khai thác của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bất đồng mới nhất đối với các nỗ lực cùng khai thác cho thấy cả hai bên sẽ giữ nguyên các quan điểm của mình. Philíppin sẽ không nhượng bộ về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, do vậy sẽ tiếp tục mua vũ khí và kêu gọi sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ, cho dù giọng điệu ôn hòa hơn.

Mặc dù căng thẳng dịu đi trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philíppin, các lợi ích cạnh tranh tại Biển Đông tiếp tục ngăn cản hai nước có những quan hệ gần gũi hơn. Bắc Kinh hy vọng có được những nhượng bộ của Manila, nhất là tại Biển Đông, để đổi lấy đầu tư. Nhưng Trung Quốc cũng hiểu không nên ép Chính quyền Manila quá mức vì điều đó sẽ khiến Mỹ chú ý hơn đến khu vực Biển Đông đang tranh chấp. 

Theo Stratfor

Thùy Anh (gt)