Tuyến đường này dài 3.200 km, khởi đầu từ thành phố Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương và kết thúc ở thủ đô Tehran của Iran. Tuyến đường đi qua Kazakhstan (Almaty), Kyrgyzstan (Bishkek), Uzbekistan (Tashkent và Samarkand), Turkmenistan (Ashgabat) sẽ bổ sung cho mạng lưới đường sắt hiện có trong khu vực này, chủ yếu chạy theo hướng Đông Nam đến Tây Bắc, về phía Moscow. Tuyến đường cũng sẽ khắc phục được sự khác biệt về độ rộng của đường ray giữa khu vực Trung Á (1,52 m) với độ rộng tiêu chuẩn của Trung Quốc và các nước khác trên thế giới (1,435 m), qua đó giúp rút ngắn thời gian chờ đợi chuyển đổi tàu, giúp cho tàu khách có thể chạy với vận tốc lên đến 300 km/h, tàu container đạt vận tốc 120 km/h.

Một vành đai, một con đường

Sáng kiến trên chỉ là một trong hàng loạt các sáng kiến mở rộng khả năng kết nối về kinh tế và ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc ra lục địa Á - Âu thông qua các chiến dịch đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng như đường, kết nối đường sắt, sân bay và hệ thống đường ống dầu khí. Những dự án này là một phần của chiến lược Một vành đai, Một con đường (OBOR) của Trung Quốc, gồm Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nhằm mục đích tăng cường sự kết nối giữa Trung Quốc với Trung Á, Tây Nam và Đông Nam Á, cũng như với Nga và Châu Âu.

Sáng kiến của CRC được đưa ra vào một thời điểm quan trọng khi các biện pháp cấm vận kinh tế của quốc tế đối với Iran dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào năm 2016, nhưng chưa nhận được sự ủng hộ chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Với việc Iran là một trong những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới và là một nền kinh tế lớn ở Trung Đông, sáng kiến tăng cường kết nối kinh tế và vận tải giữa hai nước sẽ tăng cường ảnh hưởng về địa chính trị của Trung Quốc tại Iran. Từ quan điểm an ninh năng lượng, Iran có một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng trong tương lai của Trung Quốc, là nguồn cung cấp dầu và khí đốt dài hạn quan trọng đối với nước này.

Nhân tố dầu khí: Bất chấp các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Trung Quốc vẫn đầu tư mạnh vào nhiều ngành công nghiệp từ hàng tiêu dùng tới năng lượng tại Iran. Yếu tố năng lượng đóng một vai trò thiết yếu trong mối quan hệ giữa hai nước. Iran đang và sẽ tiếp tục là một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Từ sau khi Iran và P5+1 đạt được Thỏa thuận hạt nhân lịch sử tháng 7/2015, lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đã dần dần tăng lên, hiện chiếm khoảng 9% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc. Từ đầu năm 2015 đến nay, xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc đạt mức trung bình 573.000 thùng mỗi ngày (bpd) cao hơn so với mức trung bình năm 2014 là khoảng 555.000 thùng dầu mỗi ngày.

Không chỉ là năng lượng: Một phần đáng kể thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu sang Trung Quốc đã được gửi vào các ngân hàng Trung Quốc. Ngay cả trong trường hợp các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, một phần đáng kể của các khoản tiền gửi - có thể lên đến hàng chục tỷ USD - sẽ tiếp tục ở lại Trung Quốc, giúp thanh toán cho các hợp đồng thương mại giữa Iran và Trung Quốc. Bên cạnh đó, không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong những năm gần đây, Trung Quốc còn là một cường quốc thay thế cho Mỹ trong các tính toán chiến lược của Tehran.

Trung Quốc từ lâu đã là một nhà cung cấp quân sự quan trọng của Iran, ngoài ra, với tư cách là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc trở thành điểm tựa cho hoạt động ngoại giao của Iran.

Thuận lợi và thách thức: Thách thức lớn nhất đối với quan hệ Trung Quốc - Iran hiện nay là khả năng các nước phê chuẩn Thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được hồi tháng 7 vừa qua. Trong những năm qua, Trung Quốc đã được lợi từ quan hệ căng thẳng giữa Iran với Mỹ và Châu Âu. Và những đặc quyền Trung Quốc có được sẽ bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp phương Tây tràn vào Iran khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực phương Tây có ưu thế về mặt kỹ thuật. Trong khi việc dỡ bỏ trừng phạt đem lại cho Trung Quốc cơ hội kinh tế mới tại Iran, nó cũng tạo ra sự cạnh tranh quốc tế nhiều hơn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và trong tương lai gần, Trung Quốc và Iran sẽ không thể duy trì mối quan hệ “đặc quyền”.

Mở cửa thị trường mới: Vậy, việc xây dựng một hệ thống đường sắt tốc độ cao giữa hai nước sẽ có vai trò gì?. Trung Quốc coi Iran là một địa điểm đầu tư, quá cảnh, và là một thị trường mới nổi. Và trước viễn cảnh sự cạnh tranh dự kiến sẽ gia tăng mạnh từ năm 2016, tuyến đường sắt này sẽ là một bước đi quan trọng hướng tới việc hòa nhập Iran vào sáng kiến Con đường tơ lụa kiểu mới Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, Iran có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là điểm kết nối cả Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ và Con đường tơ lựa trên biển. Về lâu dài, việc xây dựng và hoạt động của hệ thống đường sắt sẽ không chỉ đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, mà còn thỏa mãn cả lợi ích địa chính trị và kinh tế của nước này. Trước ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc Bắc Kinh phát triển quan hệ theo hướng Tây, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tài nguyên và các đối tác chiến lược ở Trung Á và Trung Đông là tất yếu.

Hệ thống đường sắt sau khi được xây dựng sẽ giúp Trung Quốc và hàng hóa của nước này tiếp cận khu vực trung tâm của lục địa Á - Âu, qua đó mở rộng thị trường cho các công ty và người lao động Trung Quốc. Tuyến đường sắt cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dọc theo hành lang đường sắt thông qua việc kết nối các nền kinh tế khu vực và thúc đẩy trao đổi hàng hóa với Trung Quốc và EU.

Trở ngại phía trước: Sáng kiến liên kết đường sắt của Trung Quốc vẫn có một số trở ngại phải vượt qua. Thứ nhất, Bắc Kinh cần chứng minh rằng mình thực sự quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đường sắt này. Thứ hai, sáng kiến của Trung Quốc chưa được đánh giá về mặt thương mại. Với chiều dài của tuyến đường sắt cùng với chi phí xây dựng và vận hành của nó, số lượng hành khách có thể ở dưới mức có thể chấp nhận được. Thứ ba, có những lo ngại về an ninh. Tuyến đường sắt có thể dễ dàng trở thành mục tiêu cho những kẻ cực đoan. Trên thực tế, sẽ rất khó khăn để thực hiện dự án này, đặc biệt là khi nó sẽ đi qua nhiều quốc gia bất ổn ở Trung Á như Kyrgyzstan và Uzbekistan.

Nhiều nhà phân tích cũng nhất trí rằng dự án sẽ không thể hoàn thành một cách nhanh chóng, chủ yếu là do thời gian chuẩn bị kéo dài (chờ đợi các biện pháp trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ và hoàn tất các yếu tố kỹ thuật như nghiên cứu khả thi, phê duyệt và vấn đề thị thực). Bên cạnh đó, tiến độ của dự án còn phụ thuộc vào việc nó nhận được sự ủng hộ mức độ nào từ lãnh đạo cấp cao. Nếu không có sự chú ý từ lãnh đạo cấp cao, sáng kiến này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để có thể trở thành hiện thực./.

Theo “Dw

Anh Thư (gt)