Trung Quốc đã làm leo thang tình trạng căng thẳng tiềm ẩn những nguy cơ lớn ở Biển Đông khi cuối tuần qua cho dựng giàn khoan khổng lồ mang tên "Hải Dương 981" tại vùng biển mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố chủ quyền. Hà Nội đã lên tiếng phản đối động thái trên bởi giàn khoan này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng việc dựng giàn khoan này là hợp pháp bởi nó hoạt động trong vùng lãnh hải của nước này. Đây không phải là lần đầu tiên việc thăm dò khai thác năng lượng gây ra những xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực, song động thái mới nhất này của Bắc Kinh lại là một vấn đề lớn vì một số lý do sau:

Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành các hoạt động tìm kiếm năng lượng tại các khu vực tranh chấp trên biển và ngăn cản các nước khác, trong đó có Việt Nam, tiến hành các hoạt động tương tự. Song, dường như đây là lần đầu tiên các công ty dầu khí Trung Quốc ngang nhiên khoan dầu tại vùng lãnh hải mà nước khác tuyên bố chủ quyền. Trong lịch sử, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra xung đột vũ trang, trong đó phải kể đến cuộc Chiến tranh Biên giới (năm 1979) và hàng loạt cuộc giao tranh có vũ trang tại các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông. Do đó, việc Trung Quốc cho dựng giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 có thể sẽ gây ra một cuộc đối đầu mới. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Động thái này của Trung Quốc cũng là một "cú đòn mạnh" giáng vào Tổng thống Mỹ Barack Obama - người vừa kết thúc chuyến công du châu Á nhằm tái khẳng định với các đồng minh đang bất an như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines rằng Washington sẽ ngăn chặn các hành vi ức hiếp trên biển của Trung Quốc. Chỉ sáu ngày sau, Bắc Kinh đã thực hiện một trong những động thái khiêu khích nhất từ trước tới nay, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - khi được đề nghị bình luận về sự kiện này - đã giữ im lặng. Theo giới chuyên gia, hành động lắp đặt giàn khoan nói trên của Bắc Kinh chưa đủ để gây ra chiến tranh, song nó mang ý nghĩa dần dần khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc ở khu vực này. Mike McDevitt, Đô đốc Hải quân về hưu và là Trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nói: "Những hành động nhỏ và đơn lẻ sẽ không dẫn tới xung đột, song cùng với thời gian nó sẽ dần làm thay đổi hiện trạng".

Biển Đông hiện là điểm nóng xung đột tiềm tàng lớn nhất giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác. Vùng biển này vừa là cửa ngõ thương mại quốc tế, vừa là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn mà nhiều nước "đói" năng lượng trong khu vực đang nhòm ngó. Công cuộc tìm kiếm dầu lửa và khí đốt của Trung Quốc là động cơ chính đằng sau vụ việc mới nhất này, ít nhất là xét về bề ngoài. Năm 2012, Trung Quốc từng tuyên bố rằng nước này sẽ bán đấu giá quyền khai thác năng lượng tại các vùng biển tranh chấp, đồng thời Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã thực hiện một hành động bất thường là cho dựng một giàn khoan nước sâu do chính họ sản xuất, chứ không ký hợp đồng mua giàn khoan của bất kỳ nhà cung cấp chuyên nghiệp nào. Đây là một động thái gây tốn kém cho CNOOC nhưng lại khá cần thiết, theo quan điểm của tổng công ty này, vì CNOOC không muốn phải dựa vào các công ty của phương Tây vì các công ty này có thể sẽ từ chối cung cấp một thiết bị như vậy cho CNOOC nếu thiết bị này được sử dụng cho các dự án nước sâu ở khu vực có tranh chấp. 

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc CNOOC cho dựng giàn khoan tại vùng biển nước sâu cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, khá gần với nơi mà các công ty dầu lửa quốc tế (như Exxon Mobil) phát hiện có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, dường như là một phần trong chiến lược mà CNOOC từng tuyên bố sẽ dựng các giàn khoan dầu như những "lãnh thổ quốc gia di động", có thể giúp mở rộng chủ quyền của Trung Quốc ở ngoài khơi. Holly Morrow, chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Belfer thuộc trường Đại học Harvard, nói: "Đây là bằng chứng chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm khai thác dầu tại các vùng biển tranh chấp". Việc Trung Quốc làm leo thang căng thẳng bằng hành động dựng giàn khoan Hải Vương 981 thực sự đã khiến dư luận ngạc nhiên vì Trung Quốc và Việt Nam đã ký một hiệp ước năm 2011, đồng ý giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.

Về nguyên tắc, Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Washington vẫn nhấn mạnh rằng các nước như Việt Nam và Trung Quốc cần phải dựa vào luật pháp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông. Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo về một thỏa thuận giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển, một phần là để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng lãnh thổ ở khu vực này. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, CNOOC tin rằng con số này có thể gấp 10 lần. Mặc dù vậy, theo chuyên gia Morrow, cho dù trữ lượng năng lượng thực sự ở Biển Đông là bao nhiêu thì chủ trương hành động "mạnh tay" của Bắc Kinh trong các mối quan hệ khu vực và những thiệt hại mà chủ trương này có thể gây ra là không đáng vì có thể gây ra một cuộc chiến tranh triền miên, những hành động khiêu khích và chính sách bên miệng hố chiến tranh liên quan đến chủ quyền quốc gia, chứ hoàn toàn không còn là cuộc tranh giành tài nguyên nữa. Bà Morrow nói: "Xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà họ sẽ phải trả cho những gì họ đang làm là quá cao, cho dù lợi ích an ninh năng lượng mà họ thu được là gì đi chăng nữa".

Anh Thư (gt)