Trong một động thái có thể làm dấy lên căng thẳng mới trong khu vực, ngày 1/5, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đột ngột chuyển giàn khoan HD-981 tới vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ từ Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong đó nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc đơn phương kéo giàn khoan và một số lượng lớn tàu, trong đó có tàu quân sự, vào hoạt động tại khu vực lô dầu-khí 143 trên thềm lục địa của Việt Nam là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một nguồn tin của Chính phủ Việt Nam nói: “Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc rút hoàn toàn giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực trên, đông thời tiến hành đàm phán để giải quyết bất đồng xung quanh vấn đề này”. 

Trong cuộc điện đàm trên với ông Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) cũng đã gửi thư tới CNOOC bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước hành động của Trung Quốc và yêu cầu công ty này ngừng ngay lập tức hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. 

Các nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ sự ngạc nhiên về hành động của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam. Họ đặc biệt bất ngờ khi Trung Quốc triển khai hành động trên sau khi ONGC quyết định tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Việt Nam đã đồng ý cho ONGC Videsh (OVL) thăm dò thêm hai lô dầu-khí ngoài 5 lô đã được mời chào, song OVL chỉ nhận một lô được giao tháng 11/2013 và sẽ thẩm định tiềm năng của hai lô mới. Tất cả các lô dầu-khí mà Việt Nam trao cho OVL đều không qua đấu thầu cạnh tranh. Tháng 11/2013, ONGC đã ký hiệp định với PetroViệt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu-khí. Một quan chức OVL cho biết, Việt Nam là một trong những nước trọng tâm mà ONGC Videsh muốn có cổ phần trong các tài sản dầu-khí, dựa vào khả năng công nghệ và thương mại. OVL có mặt tại Việt Nam từ năm 1988, hiện đã đầu tư hơn 500 triệu USD tại nước này. Trung Quốc trước đây đã phản đối sự có mặt của Ấn Độ tại các lô dầu của Việt Nam ở khu vực Biển Đông, nhưng New Delhi đã phớt lờ và OVL vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Việt Nam - nước có mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng với Ấn Độ. 

Các chuyên gia quân sự cho rằng lực lượng Hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể sớm xây dựng một sân bay mới trên đảo Gạc Ma nhằm tăng khả năng kiểm soát của Hải quân Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc cho rằng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông là "cố hữu” và “không thể tranh cãi”, song rõ ràng Bắc Kinh thiếu chứng cứ pháp lý quốc tế và làm đảo lộn luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Tuyên bố của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế và là một trở ngại lớn đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Theo “Thời báo Kinh tế” (ngày 7/5)

Hương Trà (gt)