Quân đội Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ thỏa thuận mới đây giữa Mỹ và Singapore cho phép triển khai máy bay do thám P-8 của Mỹ đến đảo quốc này và hy vọng động thái này không tác động xấu đến sự ổn định khu vực. Trong thông báo ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: “Chúng tôi tập trung chú ý đến tình hình liên quan và hy vọng sự hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước liên quan sẽ mang lại lợi ích cho hòa bình và ổn định khu vực, chứ không phải ngược lại”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc - hiện tranh cãi với Washington liên quan đến hoạt động lấn biển xây đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông - tuyên bố việc Mỹ triển khai P-8 đến Singapore nhằm mục tiêu quân sự hóa khu vực và có hại cho hòa bình khu vực. Tuy nhiên, theo giới quan sát, động thái trên dường như không tác động đáng kể đến quan hệ Mỹ-Trung Quốc hay Singapore – Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp tuần này tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen đã hoan nghênh việc Mỹ triển khai máy bay do thám P-8 tại Singapore từ ngày 7-14/12. Một quan chức quốc phòng Mỹ cũng cho rằng có thể trông đợi việc tiếp tục triển khai P-8 tại Singapore. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố hầu hết chủ quyền, với tuyến đường vận tải biển trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Mỹ đã chỉ trích hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở quần đảo tranh chấp Trường Sa và gần đây tiến hành các hoạt động tuần tra trên không và trên biển tại đó.

Bà Angela Poh - nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) - cho biết việc triển khai P-8 là dấu hiệu đáng kể khác của Mỹ, sau những hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải gần đây, cho thấy họ sẽ không cho phép Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Giáo sư Trương Bảo Huy thuộc Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong cũng nhất trí với nhận định này khi nói: “Đây là yếu tố quan trọng cho sự ưu việt của Mỹ. Nếu các nước khác mất niềm tin vào năng lực và sự sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ họ, khi đó sự ưu việt của Mỹ sẽ sụp đổ”.

Tuy nhiên, Giáo sư Trương Bảo Huy cũng cho rằng động thái của Mỹ nhiều khả năng sẽ không khiến Trung Quốc dừng hoạt động xây đảo. Giới phân tích cũng cảnh báo rằng hệ quả của động thái này sẽ khiến căng thẳng leo thang ở vùng biển tranh chấp. Tiến sĩ Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói: “Trung Quốc coi việc triển khai này là sự xâm phạm chủ quyền của họ, và vì thế sẽ dẫn đến sự đáp trả đối với cái mà Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích của Mỹ. Không bên nào có thể lùi bước mà không làm mất đi uy tín của mình”.

Trong khi đó, bà Poh đã mô tả sự kình địch này là “một trò chơi rất cân bằng”. Bà nói: “Trong khi thúc đẩy các động thái này, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ tìm mọi cách để tránh căng thẳng trên Biển Đông trượt khỏi tầm kiểm soát”. Ngoài ra, bà Poh lưu ý rằng Bắc Kinh và Washington cũng không muốn để những diễn biến này tác động đến quan hệ song phương. Tương tự, quan hệ Trung Quốc-Singapore cũng ít có khả năng bị tác động. Giáo sư Trương Bảo Huy nói: “Singapore đã có thiện chí lớn với Trung Quốc khi đăng cai cuộc gặp Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu. Vì thế, quyết định liên quan đến P-8 sẽ không tác động lớn đến quan hệ giữa hai bên”.

Trong khi đó, theo trang mạng "The Diplomat", việc Mỹ triển khai P-8 không bất ngờ đối với Singapore. Singapore luôn coi hành động cân bằng cẩn trọng giữa Mỹ và Trung Quốc là cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích của nước này. Ngay từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Singapore đã không muốn bị xem là quá gần gũi hoặc dựa dẫm vào Trung Quốc. Thực tế, Singapore là nước cuối cùng trong nhóm 5 nước ASEAN ban đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đồng thời, Singapore cũng duy trì mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ.

Singapore đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông. Chính vì thế, động thái chấp nhận để Mỹ điều máy bay P-8 đến Singapore là một cách tương đối ít rủi ro để thể hiện mối quan ngại của Singapore với Trung Quốc, trong khi vẫn củng cố vững chắc quan hệ quốc phòng Singapore-Mỹ. Bên cạnh đó, cả Singapore lẫn Mỹ đều tránh gắn trực tiếp việc triển khai P-8 với tranh chấp Biển Đông. Thay vào đó, hai bên giải thích rằng việc triển khai này nằm trong nỗ lực xây dựng quan hệ và hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn (HADR). Tuyên bố chung của hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Singapore cũng nêu bật “niềm tin được chia sẻ rằng sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình, thịnh vượng và ổn định” của khu vực.

Theo "Today"

Hương Trà (gt)