Trung Quốc gọi đó là “một hình mẫu mới trong quan hệ với nước lớn trong thế kỷ 21” trong khi Mỹ xác định nhiệm vụ đó là tìm ra câu trả lời mới cho câu hỏi "điều gì sẽ xảy ra khi một siêu cường hiện hữu chạm trán với một cường quốc đang nổi lên". Ngoại trưởng Clinton đặt ra câu hỏi này như là nhu cầu phải cân bằng mặt cạnh tranh giữa hai cường quốc và mặt hợp tác khi lợi ích trùng hợp. Trung Quốc đã nêu rõ “kiểu quan hệ mới” tức là chia sẻ quyền lực và Mỹ phải tạo “dư địa” cho Trung Quốc. Điều đó nghĩa là với sức mạnh ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ có vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc nên hiểu rằng có nhiều quyền lực hơn cũng đồng nghĩa với việc phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn; họ không thể có ảnh hưởng lớn hơn mà không chung lưng gánh vác một phần trách nhiệm bảo đảm các giá trị lợi ích chung cho thế giới như Mỹ đang làm hiện nay.

Đáng chú ý là trong các thập kỷ trước, Trung Quốc không thể hiện tham vọng thống trị, ít nhất là về mặt lãnh thổ. Điều này thể hiện qua cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962 và với Việt Nam năm 1979. Những nhà lãnh đạo trước đây của Trung Quốc, bao gồm Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, đã sử dụng quân đội để thể hiện quan điểm, sau đó họ rút toàn bộ lực lượng. Những nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc có vẻ như có cách cư xử khác. Ví dụ trong trường hợp của Philippines, Trung Quốc đã chặn lối vào duy nhất của Bãi cạn Scarborough và hiện đang kiểm soát lối vào đó. Đối với tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản, hiện các tàu Trung Quốc đang được cử hàng ngày tuần tiễu xung quanh các đảo, thách thức đội tàu phòng vệ bờ biển của Nhật Bản. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng là họ sẽ không rút các tàu tuần tra và nói rằng hiện trạng mới đã được xác lập.

Trước đây, Trung Quốc thỏa mãn với việc thể hiện sức mạnh và sau đó rút quân. Ngày nay, có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng thực sự chiếm đóng lãnh thổ. Đã có nhiều dư luận xung quanh tuyên bố “chuyển hướng về châu Á” của chính quyền Obama. Bắc Kinh buộc tội Washington về việc khuấy động các vấn đề khu vực bằng cách trợ giúp cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính Trung Quốc, bằng hành động của mình, đang khuấy động cả châu Á theo một cách khiêu khích hơn Mỹ nhiều vì Mỹ không đưa ra các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ. Washington có thể đã gửi những tín hiệu cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Campuchia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Tổng Thống Mỹ Obama đã chỉ ra rằng các lợi ích của Mỹ nằm trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế và thương mại, không nằm ở các tranh chấp tại Biển Đông. Tờ báo nhà nước Trung Quốc China Daily đã lên tiếng tán thành quan điểm này. Trung Quốc cũng cần phải hạ giọng. Quyết định mới đây về việc đưa ra loại hộ chiếu có in các bản đồ cho thấy các khu vực đang tranh chấp đều là lãnh thổ của Trung Quốc đã không có tác dụng gì ngoài việc khiêu khích các nước láng giềng. Đó là một ví dụ nữa thể hiện Trung Quốc không nhạy bén với cảm xúc của các nước khác.

Tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc nên noi gương những nhà lập quốc và thể hiện ra rằng dù nước nào khởi sự cuộc đối đầu, Trung Quốc cũng sẽ không tranh thủ chiếm lấy các khu vực đang tranh chấp. Bằng cách đó, Bắc Kinh sẽ làm giảm đi sự lo ngại của các nước láng giềng. Việc đó đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ.

Theo New Straits Times (ngày 29/11)

Vũ Hiền (gt)