Tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chính phủ các nước đều bơm tiền cho các hệ thống tài chính của họ. Nhưng không nước nào bắt kịp được quy mô, tầm cỡ hay tốc độ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bơm gần 900 tỷ USD vào thời điểm Oasinhtơn còn đang tranh luận về việc chi 100 tỷ USD đầu tiên cho gói kích thích kinh tế của họ.

Khi các nền kinh tế khác mới bắt đầu rơi vào suy thoái, Trung Quốc đã quan ngại bởi vì tỷ lệ tăng trưởng của họ giảm xuống dưới mức 2 con số. Khác với các chính phủ bị thâm hụt ngân sách tại Mỹ và châu Âu, ngân sách của Bắc Kinh vẫn thặng dư. Vì thế tiền không phải là vấn đề. Động cơ của ban lãnh đạo Trung Quốc là làm mọi cách để đưa kinh tế trở lại con đường tăng trưởng nhanh chóng. Mức tăng trưởng kinh tế mạnh là quan trọng để duy trì mức sống được cải thiện của nước này, kiểm soát bất ổn xã hội, bôi trơn những bánh xe phiên bản chủ nghĩa tư bản nhà nước duy nhất của Trung Quốc và đảm bảo vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế thần kỳ đã chuyển đổi Trung Quốc từ một nền kinh tế lạc hậu thành một cường quốc kinh tế, đang "hấp thu" hàng hóa và vốn từ khắp thế giới với một tốc độ đáng kinh ngạc. Canađa, Ôxtrâylia và các nước sản xuất tài nguyên lớn khác đang được lợi từ sự phát triển của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc đang trở thành một nền kinh tế bong bóng lớn nhất thế giới sắp nổ tung? Hay Trung Quốc đúng là một người khổng lồ đang tỉnh dậy và sắp chi phối toàn cầu?

Các biện pháp bơm vốn mạnh của Trung Quốc đã hiệu quả. Các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội lớn đã được khởi công một cách nhanh chóng. Các khoản trợ cấp lớn đã giữ cho nhiều nhà máy vẫn mở cửa, tránh được khả năng hàng triệu nhân công nhập cư thất nghiệp tràn ra đường phố. Nhưng dòng đầu tư và tín dụng rẻ cũng đang tạo ra những bong bóng nguy hiểm trong bất động sản và các tài sản khác.

Giờ đây, nhiệm vụ của Trung Quốc khó khăn hơn: hãm bớt vận tốc của con tàu kinh tế nhằm ngăn chặn lạm phát tăng lên mà không làm đoàn tàu trật đường ray. Kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã vạch ra một chương trình táo bạo, được thiết kế để chuyển trọng tâm tăng trưởng sang thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc vào hàng chế tạo chi phí thấp, phát triển khu vực dịch vụ non trẻ và đầu tư mạnh vào "các ngành chiến lược đang trỗi dậy" như công nghệ sinh học.

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua đã làm tăng khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới về số lượng tỷ phú, với 128 người. Hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Nhưng vẫn còn nửa tỷ người phải vật lộn với mức thu nhập chưa đến 2 USD/ngày. Nếu tiến trình chuyển đổi này của Trung Quốc hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ có thể sống với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thấp hơn, khi mức lương tăng lên và bất bình đẳng thu nhập giảm đi. Những người lạc quan về kinh tế Trung Quốc tin rằng ban lãnh đạo thực dụng và nhanh nhạy của Trung Quốc sẽ có những hành động tái cân bằng, rằng Trung Quốc vẫn đang trên con đường thay thế Mỹ và châu Âu, đang bị thách thức về tài chính và tê liệt về chính trị, trở thành siêu cường sắp tới của thế giới. Nhưng số người bi quan về Trung Quốc, cũng nhiều ngang số người lạc quan, thì cho rằng Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ vì một loạt khó khăn bên trong và bên ngoài, đang bị thổi phồng bởi một mô hình tăng trưởng thiếu sót.

Trên mặt trận quốc tế, những trở ngại trên con đường trở thành siêu cường bao gồm những chính sách tiền tệ, đầu tư và thương mại đang khiến các nước khác tức giận, dẫn đầu là chiến lược cố tình giữ cho đồng Nhân Dân Tệ ở mức thấp giả tạo, trong khi Trung Quốc đang triển khai một phần trong khoản dự trữ ngoại tệ 2,8 nghìn tỷ USD của họ để mua các công ty sản xuất năng lượng, các mỏ khoáng sản và đất nông nghiệp trên khắp thế giới. Nhưng Bắc Kinh cũng đạt được thành công lớn trong việc bảo vệ và tăng cường các lợi ích chính trị và kinh tế của họ tại nước ngoài, không chỉ nhờ vị thế là chủ nợ số 1 thế giới và khách mua lớn nhất mọi hàng hóa chủ yếu.

Còn những điểm yếu trong nước của Trung Quốc, như một hệ thống tài chính yếu kém, phần đóng góp của tiêu dùng sụt giảm trong GDP, mức tăng trưởng việc làm yếu, sự làm ăn kém hiệu quả của khu vực nhà nước và tình hình nhân khẩu học bất lợi bắt nguồn từ chính sách 1 con, đang cản trở giấc mơ chi phối thế giới của Trung Quốc.

Với mức tăng trưởng kinh tế cao bền vững, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và có khả năng vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trong vòng 2 thập kỷ hoặc sớm hơn. Nhưng xét theo một số tiêu chuẩn quan trọng, Trung Quốc vẫn còn xa tốp đứng đầu. Cho dù thu nhập quốc gia bình quân đầu người của Trung Quốc có tăng gấp 3, thì mức này mới chỉ bằng 25% của Mỹ, và gần bằng Hunggary, hiện đứng thứ 45. Trung Quốc còn phải phấn đấu nhiều để thu hẹp khoảng cách thu nhập trung bình với các nước giàu.

Theo The globe and mail

Mỹ Anh (gt)