CHINA_Xi-Jinping-applauding_2.jpg

Về mặt kỹ thuật, TPP không thực sự hấp dẫn Bắc Kinh. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của 7 nước thành viên TPP bao gồm New Zealand, Úc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Chile và Peru. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của các thành viên TPP còn lại là Brunei, Canada, Mexico và Singapore. Trung Quốc đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile (năm 2006), New Zealand (năm 2008), Peru (năm 2009), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (năm 2010) và Úc (năm 2015). Hiện Trung Quốc cũng đang đàm phán FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Cũng có sự chồng chéo đáng kể giữa các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với TPP11 (bao gồm 11 nước không có Mỹ). TPP11 có 4 thành viên thuộc ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, trong khi RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN. New Zealand, Úc và Nhật Bản đồng thời là thành viên của cả TPP11 lẫn RCEP. 

Về mặt chiến lược, TPP mang lại cơ hội lớn cho Trung Quốc. Là nước xuất khẩu lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có vị trí rất tốt để nắm giữ vai trò lãnh đạo đối với hiệp định thương mại khu vực này. Tương tự như vậy, với việc Trung Quốc là thành viên tiềm năng của TPP thì điều này cũng mang lại cơ hội lớn cho TPP11. 

Với việc Mỹ là thành viên thì TPP sẽ bao gồm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 27,85 nghìn tỷ USD (chiếm 37,5% GDP toàn cầu), dân số của các nước TPP là 817 triệu người (chiếm 11,1% dân số toàn cầu) và tổng thương mại trị giá 9,58 nghìn tỷ USD (chiếm 24% thương mại thế giới). Tuy nhiên, do thiếu vắng Mỹ nên TPP11 sẽ chỉ có GDP trị giá 9,82 nghìn tỷ USD (chiếm 13,2% GDP thế giới), dân số 496 triệu người (chiếm 6,8% dân số thế giới) và tổng thương mại là 5,54 nghìn tỷ USD (chiếm 13,9% thương mại thế giới). 

Với việc Trung Quốc trở thành thành viên, TPP có thể tạo ra một động lực mới như là một thỏa thuận thương mại khu vực có ý nghĩa toàn cầu. TPP11 cùng với Trung Quốc sẽ giúp GDP của thỏa thuận thương mại này đạt 20,98 nghìn tỷ USD (chiếm 28,3% GDP thế giới), dân số khoảng 1,87 tỷ người (chiếm 25,5% dân số thế giới) và thương mại đạt 8,99 nghìn tỷ USD (chiếm 22,5% thương mại thế giới). Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy sự ủng hộ đối với tự do thương mại và toàn cầu hóa, các nước TPP11 có thể tận dụng cơ hội này để lôi kéo Trung Quốc với các nguyên tắc cơ bản của tự do thương mại, sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường được thể hiện trong TPP. 

Nếu Trung Quốc tham gia TPP11 cùng với các điều khoản của nước này, có thể có một vài rủi ro đi kèm như sau: 

Thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) với sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của các nước TPP 11. TPP yêu cầu các SOE không được nhận trợ cấp cho việc mở rộng kinh doanh quốc tế. Nhưng 150.000 SOE tạo thành nền tảng cho nền kinh tế Trung Quốc và phần lớn các công ty lớn nhất Trung Quốc là các SOE. Nếu Trung Quốc tham gia TPP với điều kiện các SOE của Trung Quốc được phép hoạt động không hạn chế thì các SME từ các thành viên TPP khác sẽ bị thiệt thòi nghiêm trọng. 

Thứ hai, mặc dù TPP đưa ra mục tiêu bảo vệ người lao động và quyền của người lao động bao gồm cho phép người lao động thành lập công đoàn, nhưng các nước thành viên TPP có thể phải cho phép Trung Quốc quản lý các vấn đề lao động của họ thông qua một tổ chức trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù luật lao động của Trung Quốc cho phép tự do hiệp hội nhưng chính phủ nước này yêu cầu tất cả các công đoàn lao động phải liên kết với Liên đoàn công đoàn toàn Trung Quốc, một cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Thứ ba, với việc Trung Quốc trở thành thành viên mới mà không cần phải tiến hành cải cách quyền sở hữu trí tuệ, việc giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-nhà nước của TPP (một hệ thống theo đó một công ty đầu tư có thể tìm kiếm bồi thường từ nước nhận đầu tư nếu quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm) có thể bị tổn hại nghiêm trọng. 

Thứ tư, với việc Chính phủ Trung Quốc vừa đóng vai trò là nước tham gia vừa giữ vai trò trọng tài trên thị trường Trung Quốc thì triết lý cơ bản về tự do cạnh tranh trong khuôn khổ TPP có thể bị hủy hoại. 

Thứ năm và cơ bản nhất, sự tham gia TPP của Trung Quốc trong đó Đảng Cộng sản nước này tiếp tục nắm giữ quyền lực chủ đạo trong tất cả các chính sách từ kế hoạch kinh tế tới quản lý phúc lợi xã hội đối với chính sách đối ngoại khiến TPP11 có thể đối mặt với những rủi ro chính trị nghiêm trọng khi có sự thay đổi lãnh đạo tại đất nước này kéo theo sự đảo ngược chính sách. 

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc trở thành một thành viên của TPP theo những điều khoản của TPP thì hiệp định này có thể trở thành một ví dụ tốt về thương mại tự do trên quy mô toàn cầu. Thỏa thuận thương mại khu vực này có thể cung cấp cho người tiêu dùng tại các nước thành viên hàng hóa chất lượng cao hơn với giá cạnh tranh, thúc đẩy lợi thế so sánh của các nước thành viên trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi sản xuất cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước này. TPP cũng có thể bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và môi trường, đồng thời giúp làm giảm nhẹ những tác động từ sự tăng trưởng quá mức của Trung Quốc. 

Kết quả như vậy sẽ phù hợp với chiến lược phát triển trong dài hạn của Trung Quốc là trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về tự do thương mại với những cải cách toàn diện của nước này trên nhiều lĩnh vực bao gồm nền kinh tế, hệ thống chính trị, chế độ sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường. Hiện đã có nhiều tiếng nói từ trong nước kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nắm lấy cơ hội hiếm hoi khi Mỹ rút khỏi TPP để bắt đầu đàm phán tham gia hiệp định thương mại này. Điều quan trọng nhất là với một Trung Quốc sẵn sàng cải cách và có khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu và cung cấp hàng hóa toàn cầu, thế giới hy vọng sẽ tránh được bẫy “Kindleberger” - một kịch bản mà thiếu vắng sự lãnh đạo toàn cầu sẽ dẫn tới những hậu quả toàn cầu thảm khốc. 

Vấn đề quan trọng là liệu có khả năng để Trung Quốc định hướng thế giới theo những thực tiễn hiện tại của mình hay chuyển đổi trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về tự do thương mại với những tiêu chuẩn thương mại cao hơn nếu nước này gia nhập TPP? Hiện một số quốc gia TPP11 như Úc và New Zealand đã kêu gọi Trung Quốc tham gia TPP. Sẽ rất tốt nếu TPP11 nắm lấy cơ hội này để lôi kéo Trung Quốc và tham gia vào tiến trình giúp định hình một Trung Quốc "có lợi" cho người dân nước này cũng như cho thương mại toàn cầu.

Tác giả là Tiến sỹ Bo Zhiyue, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Bo Zhiyue, chuyên tư vấn về Trung Quốc cho các lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia. Bài viết đăng trên “Channel news asia”.

Hương Trà (gt)