China-Navy-400x285.jpg

Trung Quốc đã thắng vòng đầu tiên của cuộc thi kiểm soát Biển Đông bằng cách hoàn tất việc xây dựng một quần thể các đảo nhân tạo. Và hầu như sẽ chẳng có ai ngăn được Trung Quốc giành chiến thắng trong vòng tiếp theo vì chính quyền Mỹ và các đồng minh, trong đó có Úc, đã tỏ ra lưỡng lự trong việc thực hiện những lời hứa trước đó là thách thức các tuyên bố và các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng vào năm 2017, Trung Quốc sẽ “trang bị” cho những đảo cát mới này các hệ thống cảng, doanh trại, các bức tường với lỗ châu mai, pháo binh, đường băng và rađa tầm xa, cho phép triển khai sức mạnh quân sự và bán quân sự vươn tới những điểm xa và nóng nhất ở Biển Đông. Theo các phân tích quân sự, những cơ sở này sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng cản trở các nước cũng có yêu sách khác ở Biển Đông và có khả năng phá vỡ các tuyến đường biển vốn chiếm hơn 3/5 khối lượng hàng hóa của Úc vận chuyển qua Biển Đông. Một nguồn tin chính thức nói: “Đây là một chiến thắng chiến lược to lớn đối với Trung Quốc”. Một nguồn tin khác cho rằng: “Họ đã thắng lợi vòng 1 và gần như không gì có thể ngăn cản họ chiến thắng vòng tiếp theo”.

Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Trung Quốc “ngừng lâu dài việc cải tạo đất" và đưa ra những kế hoạch “bay qua” và “đi qua” khu vực trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này và những chuyến bay giám sát của Mỹ đã được thực hiện, trong đó có một chuyến chở đoàn quay phim của kênh truyền hình CNN và chuyến khác chở Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift.

Tuy nhiên, theo hãng tin Fairfax, những chuyến bay này diễn ra bên ngoài khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo, trái với một số phương tiện truyền thông đưa tin lúc đó. Hãng tin Fairfax cho biết các nguồn tin quân sự, quốc phòng và nhiều nguồn chính thức khác tiết lộ rằng các chuyến bay qua” và “đi qua” như cam kết vẫn chưa diễn ra, và nói thêm rằng hai chuyến bay giám sát nói trên được tiến hành ở khoảng cách còn xa hơn những gì được thông báo rộng rãi lúc đó.

Trong khi Mỹ và các đồng minh phải vật lộn để “nói đi đôi với làm”, thì các đội tàu nạo vét của Trung Quốc đã hoàn thành công việc cải tạo, bao gồm những cơ sở cho một đường băng thứ hai dài 3.000 m trên đảo Đá Subi ở khu vực này, đủ để máy bay lớn nhất trong không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hạ cánh.

Theo các nguồn tin được tiếp cận các hình ảnh vệ tinh, công việc cải tạo phần lớn đã được hoàn thành đúng thời gian để Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước êm thấm tới Washington trong khoảng thời gian 1-2 tuần, khi số tàu nạo vét của Trung Quốc sử dụng ở quần đảo Trường Sa giảm tới 90% trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ và Úc lại gặp vấn đề khi họ vật lộn với đống bản đồ cũ và hình ảnh trên không theo chuỗi thời gian để tìm xem cấu trúc nào của Trung Quốc là mục tiêu cho việc áp dụng “tự do hàng hải”.

Trong bất cứ trường hợp nào, các chiến lược gia thừa nhận rằng việc áp dụng “tự do hàng hải” sẽ không thể cản trở được việc quân sự hóa các đảo cát mới của Trung Quốc. Một số chiến lược gia còn tin rằng Trung Quốc sẽ thẳng tiến trên con đường của mình mà không bị ai ngăn cản cho tới ít nhất năm 2017. Tuy nhiên, một số quan chức của Mỹ và Úc lại cho rằng Trung Quốc giành chiến thắng ở cấp chiến thuật, nhưng thua trong trò chơi chiến lược lớn hơn, khi các nước trên khắp khu vực đáp trả bằng cách xây dựng những mối an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ và giữa các nước này với nhau.

Theo “The Sydney Morning Herald

Nhật Linh (gt)