Tại phiên họp trên, ngoại trưởng các nước ASEAN đã kêu gọi tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực để thành lập Cộng đồng ASEAN. Vai trò của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá trình này là một trong những chủ đề trọng tâm sẽ được ngoại trưởng các nước trên thảo luận với ngoại trưởng các nước ASEAN trong phiên họp ngày 21/7. Trong khi đó, chưa bao giờ Hiệp hội này lại phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để không hy sinh lợi ích riêng của đất nước mình trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. 

Victor Sumsky, người đứng đầu Trung tâm ASEAN thuộc Học viện MGIMO, nói: “Có một nghịch lý là sự thành công của Trung Quốc trong việc hiện đại hóa kinh tế bắt đầu khiến cho khu vực Đông Nam Á chống lại nước này. Có cảm tưởng rằng khi đã có tiềm năng kinh tế to lớn, bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc nảy sinh tham vọng khẳng định mình về mặt chính trị, trong đó có những cách thức mà các nước láng giềng của Trung Quốc không ưa. Quan điểm này hiện đang phổ biến trong khu vực, nơi mà người ta chú ý theo dõi và quan ngại sự nổi lên của Trung Quốc”. 

Mối quan ngại của các nước ASEAN được phản ánh trong Tuyên bố chung được đưa ra tại Giacácta ngày 19/7. Tuy không đề cập trực tiếp đến mối đe dọa từ phía Trung Quốc, nhưng lời kêu gọi của ngoại trưởng các nước ASEAN về tăng cường năng lực toàn diện nhằm đối phó với những thay đổi trong khu vực rõ ràng mang hàm ý chống Trung Quốc.

Ngoài ra, các sự cố gần đây liên quan đến tàu thuyền đánh cá và tuần tra của Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin trong vùng Biển Đông đang làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Các đại biểu tham dự hội nghị tại Giacácta đã chỉ trích Trung Quốc rất gay gắt. Đồng thời, ngoại trưởng các nước ASEAN kêu gọi xây dựng và tuân thủ nghiêm chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đây dường như là một trong những chủ đề quan trọng trong cuộc họp của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và ngoại trưởng các nước ASEAN. Cũng như Trung Quốc, một số nước ASEAN tuyên bố quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền quốc gia của mình. 

Theo nhà phân tích chính trị Victor Sumsky, tình hình ở Biển Đông sẽ không xấu đi nếu không có sự tham gia của Mỹ. Oasinhtơn đã phát động một chiến dịch phản công chính trị thực sự ở Đông Nam Á để đáp trả sự tăng cường vị thế của Bắc Kinh. Victor Sumsky nhận xét: “Đó là phương pháp để gây áp lực đối với Trung Quốc và phát động tâm lý bài Trung Quốc trong các nước láng giềng. Tình hình Biển Đông ảnh hưởng rất lớn đối với Đông Nam Á cũng như đối với quan hệ giữa Trung Quốc- ASEAN, Trung Quốc-Mỹ. Các tranh chấp lãnh thổ không còn là vấn đề nội bộ của các bên liên quan". Ngày 20/7, “Nhân dân Nhật báo” - báo hàng đầu ở Trung Quốc - đã cảnh báo Oasinhtơn và phản đối Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh không muốn cái bóng của Mỹ thấp thoáng trên vùng tài nguyên giàu có, nơi mà Trung Quốc có lợi ích riêng của mình. 

Theo Đài Tiếng nói Nước Nga (Đêm 20/7)

 Vũ Hiền (gt)