Đây là vấn đề đáng chú ý bởi trước đó có thông tin nói rằng ông Hồ Cẩm Đào sẽ đi theo tiền lệ người tiền nhiệm Giang Trạch Dân lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương khoảng hai năm. Theo tờ báo, nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ rằng tiền đề để ông Hồ Cẩm Đào rút lui hoàn toàn là cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân, phải triệt để rút khỏi các hoạt động công cộng. Điều kiện này đặt ra nhằm giúp ông Hồ Cẩm Đào có được vị trí trước đây của ông Giang Trạch Dân sau khi rời khỏi chính trường, đặc biệt là duy trì quyền phát ngôn trong xử lý sự vụ quốc tế, bao gồm cả vấn đề Đài Loan và vấn đề Tây Tạng. Cùng với ông Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo cũng sẽ duy trì quyền phát ngôn trong việc xử lý các vấn đề đối nội. Có nhà phân tích chỉ ra rằng theo thông lệ ở Trung Quốc, sau khi bàn giao các chức vụ lãnh đạo hiện tại cho ông Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào sẽ tiếp tục phát huy sức ảnh hưởng của mình. Cộng thêm việc ông Giang Trạch Dân vẫn còn khỏe mạnh, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc sẽ có tới hai vị “Thái thượng hoàng” can thiệp vào chính trường. Do tập đoàn lợi ích liên quan tới các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc rất lớn, nên trong tương lai, dù muốn thúc đẩy cải cách, ông Tập Cận Bình sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định sự can dự của hai vị “Thái thượng hoàng” trên sẽ triệt tiêu lẫn nhau, cho nên, ảnh hưởng “can dự chính trường” của các nguyên lão trong tương lai có thể sẽ giảm xuống. 

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình CNN (Mỹ), cựu Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Đổng Kiến Hoa nói: “Dựa trên thực tế, ông Hồ Cẩm Đào sẽ lưu nhiệm Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm một thời gian”. Do ông Đổng Kiến Hoa là người thận trọng, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc, nên có phân tích cho rằng phát biểu nêu trên đã được ngầm cho phép. Nếu lần này ông Hồ Cẩm Đào lưu nhiệm Chủ tịch Quân ủy Trung ương như ông Đổng Kiến Hoa nói, ông Hồ Cẩm Đào sẽ trở thành nhân vật thứ ba phá vỡ thông lệ lãnh đạo tối cao của Đảng kiêm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo tờ “Thành báo của Hồng Công”, chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương ở Trung Quốc thường do nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm giữ. Hiện nay mới có hai người phá vỡ thông lệ này là ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân. Sau Đại hội 13 vào năm 1987, ông Đặng Tiểu Bình không còn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nữa nhưng vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương tới tháng 11/1989 mới bàn giao cho ông Giang Trạch Dân. Tại Đại hội 16 vào năm 2002, ông Hồ Cẩm Đào tiếp nhận chức Tổng Bí thư từ ông Giang Trạch Dân, nhưng ông Giang Trạch Dân vẫn lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương tới tháng 3/2005 mới bàn giao cho ông Hồ Cẩm Đào. 

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên nguyệt san “Open”, Tổng Biên tập của tạp chí này, ông Kim Chung, đã chỉ rõ các nguồn tin cho ông hay “tuyệt đối không có chuyện Hồ Cẩm Đào lưu nhiệm Chủ tịch Quân ủy Trung ương”. Trả lời phỏng vấn tờ “Minh báo”, Giáo sư Trương Minh cho biết thêm khi xưa ông Giang Trạch Dân lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương là vì nhân vật này có thế lực chính trị mạnh. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2 của ông Giang Trạch Dân là ông Vương Cương. Sau khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, ông Vương Cương tiếp tục ở lại cương vị cũ nhiều năm nữa. Nhưng hiện nay, Tập Cận Bình chưa lên nắm quyền, chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã rơi vào tay người của Tập Cận Bình. Điều này cho thấy sự yếu thế của Hồ Cẩm Đào. Vì thế, Giáo sư Trương Minh tin rằng ông Hồ Cẩm Đào không đủ sức để lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. 

Theo “Tin tức Thế giới” (ngày 9/10)

Lê Sơn (gt)