Tàu hộ tống Loại 056 của Trung Quốc

 

Theo các nhà phân tích, tại thời điểm hiện nay hải quân Trung Quốc chưa có đủ trang thiết bị và chưa được huấn luyện kỹ năng cần thiết để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ tàu ngầm. Gần đây, năng lực chống ngầm của hải quân Trung Quốc chỉ dựa vào các tàu săn ngầm Type 037 được trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm và các tên lửa, pháo và thủy lôi chống ngầm. Những tàu này chỉ thích hợp trong một số trường hợp chống các tàu ngầm hoạt động ở vùng nước nông hoặc khu vực ven biển, không hiệu quả đối với các tàu ngầm hạt nhân. Với nỗ lực và sự đầu tư lớn, Bắc Kinh đã bắt đầu đưa vào sử dụng các tàu tuần tra cao cấp hơn. Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu đưa các tàu hộ tống Type 056A vào hoạt động. 

Mặc dù Trung Quốc bắt đầu phát triển các ngư lôi chống tàu ngầm trong những năm 1980, nhưng lực lượng hải quân nước này vẫn chưa có tàu chống tàu ngầm chuyên dụng. Quân đội cũng chưa có đủ số lượng máy bay trực thăng chống tàu ngầm, hầu hết số hiện có là loại hạng nhẹ Z-9C và Ka-28. Bắc Kinh thậm chí đã lên kế hoạch hạ đặt hệ thống mìn dọc các điểm huyết mạch và tại những nơi có thể phong tỏa bến cảng những quốc gia bị coi là thù địch để phong tỏa các tàu ngầm và tàu mặt nước. 

Đầu thế kỷ 21, khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc bắt đầu được cải thiện. Các tàu đa năng trên mặt nước đã được trang bị hệ thống định vị nước sâu, ngư lôi chống tàu ngầm và một số lượng lớn các máy bay trực thăng. Tới năm 2005, tàu khu trục Type 052C được đưa vào hoạt động và được trang bị hệ thống định vị siêu âm thụ động. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục thiếu máy bay tuần tra chống tàu ngầm chuyên dụng và hiện chỉ có một vài máy bay Harbin SH-5 cũ. 

Ngư lôi được trang bị trên các tàu ngầm đa năng của Mỹ là mối lo ngại lớn đối với các hành động trên mặt nước của Trung Quốc và các nhóm đổ bộ của nước này, trong khi tên lửa hành trình của Mỹ có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền của Trung Quốc. Để khắc phục điểm yếu quan trọng này, Bắc Kinh đang xây dựng lực lượng hải quân có khả năng ngăn chặn hoặc cản trở bất kỳ sự can thiệp của Mỹ thay mặt cho các đồng minh tại Thái Bình Dương. Mặc dù đã nỗ lực phát triển hệ thống phòng không và chống hạm, Trung Quốc vẫn chưa thể đối phó được các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Ngoài các cuộc đụng độ có thể xảy ra ở Tây Thái Bình Dương, tác chiến chống ngầm là rất cần thiết để Trung Quốc duy trì sự răn đe hạt nhân. Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ là vũ khí về nguyên tắc có nhiệm vụ định vị và tiêu diệt tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Do đó, duy trì được một lực lượng chống tàu ngầm mạnh mẽ xung quanh các bến cảng, các điểm huyết mạch và các khu vực hoạt động là rất quan trọng đối với Trung Quốc, điều này sẽ đảm bảo bộ ba hạt nhân của Trung Quốc (bom chiến lược, tên lửa mặt đất và tàu ngầm hạt nhân) có thể duy trì được sức mạnh. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc hiện đã có đủ công nghệ và tài chính để đầu tư vào việc phát triển khả năng này. Trung Quốc đã tận dụng các nguồn lực để thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng và Mỹ. 

Trung Quốc hiện đã bổ sung thêm các máy bay chống ngầm Gaoxin-6 cho Hạm đội Biển Bắc. Các máy bay này được trang bị radar tìm kiếm trên biển (một sự tiến bộ vượt bậc, bất thường) và các thiết bị chống tàu ngầm và vũ khí khác. Trung Quốc tự cho rằng những máy bay này có thể sánh ngang với các máy bay P-3 Orion của Mỹ.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng gia tăng đóng mới các tàu hộ tống chống tàu ngầm và các tàu mặt nước với các thiết bị phát hiện tiên tiến, trong đó có hệ thống định vị nước sâu và hệ thống định vị siêu âm thụ động. Trung Quốc cũng đang lắp đặt thêm thiết bị đánh lạc hướng bằng âm thanh cho các tàu chiến cùng các ngư lôi có tên lửa hỗ trợ dẫn đường. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra biển xa và lập sơ đồ các khu vực hoạt động tại Biển Đông đồng thời đang xây dựng một mạng lưới các cảm biến dưới nước để phát hiện tàu ngầm tại các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt, quân đội nước này đang thử nghiệm với các phương tiện dưới nước không người lái có các ứng dụng tác chiến chống tàu ngầm.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)