thediplomat_2014-06-11_14-46-53-386x270.jpg

 

Theo "Nhân dân Nhật báo", khi nền kinh tế của Trung Quốc lâm vào khủng hoảng, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra "một làn sóng phản đối quyết liệt ngoài sức tưởng tượng" nhằm vào ông Tập. Và dường như làn sóng này đã trở nên công khai sau cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Đảng tại khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà. Thông thường, đây là dịp để vận động hành lang và đưa ra những thỏa hiệp, và sau đó, các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ đưa tin rằng các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận về chính sách. Tuy nhiên, năm nay mọi việc lại khác hẳn khi thông tin về cuộc họp này khá im ắng.

Giới báo chí Trung Quốc cho rằng có điều gì đó không mấy tốt đẹp đã diễn ra với ông Tập Cận Bình tại cuộc họp, và điều này diễn ra trùng hợp với thực tế là ngày càng có nhiều ý kiến quan ngại về sự quản lý kinh tế ở đất nước này. Các thị trường chứng khoán lên xuống một cách bất thường, trong khi các nhà lãnh đạo Đảng tìm mọi cách để kiểm soát giá cổ phiếu. Và sự sụt giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ đã làm chao đảo thương mại toàn cầu. Các nhà kiểm duyệt đã cấm các phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ cho công chúng toàn bộ câu chuyện về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, để không gây hoang mang cho các nhà đầu tư.

"Thời báo Hoàn cầu", một tờ báo theo đường lối cứng rắn, cho rằng các phương tiện truyền thông phương Tây muốn chứng kiến sự kết thúc của mô hình chính trị và kinh tế ở Trung Quốc, và vì thế đã phóng đại mọi việc. Tờ báo này viết: "Họ nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ khiến cho đất nước Trung Quốc rơi vào hỗn loạn".

Tuy nhiên, chính các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã tiết lộ quy mô của làn sóng phản kháng trong nội bộ Đảng Cộng sản nhằm vào Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng này, một số lượng lớn bất thường các bài báo đăng trên tờ "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1948 - đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu về việc thao túng quyền lực ở hậu trường. Đây rõ ràng là một sự ám chỉ đến cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, năm nay đã 89 tuổi, và những nhân vật có liên quan đến người kế nhiệm ông năm 2002 là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Một số người được cho là thuộc nhóm có liên quan đến "căn cứ quyền lực" của ông Hồ Cẩm Đào trong phái "Đoàn Thanh niên", mà nhóm này có cả Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tuần trước, khi trao đổi với các phóng viên nước ngoài, một nhân vật ở Bắc Kinh đã nói rằng có khả năng ông Lý Khắc Cường sẽ nhận trách nhiệm về những rắc rối kinh tế hiện nay. Xem ra, những lời nói bóng gió trên các phương tiện truyền thông đó còn ôn hòa hơn so với bài báo được đăng nổi bật trên "Nhân dân Nhật báo" và được các phương tiện truyền thông khác đăng tải lại. Bài báo nói trên, được viết bởi tác giả có bút danh là "Guoping" - nhiều ý kiến cho là ám chỉ đến một nhóm bình luận cấp cao - cho biết các cuộc cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình và nỗ lực chống tham nhũng của ông đã vấp phải "những khó khăn lớn". Bài báo nhấn mạnh: "Đã diễn ra một làn sóng phản đối dữ dội ngoài sức tưởng tượng đối với các cuộc cải cách này".

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bài báo nói trên đã thừa nhận một thực tế mà nhiều người ở Bắc Kinh cũng như những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong đã nói tới hơn một năm nay, đó là trong nội bộ Đảng Cộng sản, có rất nhiều người vừa sợ, vừa ghét ông Tập Cận Bình. Một nguồn tin ở Hong Kong có mối quan hệ mật thiết với giới chóp bu nói: "Chính trường Trung Quốc hiện nay giống như một trò chơi có tổng không, và hiện có một mối quan ngại sâu sắc rằng không biết ông Tập Cận Bình đã tập trung được bao nhiêu quyền lực trong tay. Người ta đang lo ngại rằng ông Tập Cận Bình sẽ trở thành một Mao Trạch Đông nữa và không bao giờ từ bỏ quyền lực. Hiện có cảm giác rằng họ (các thành viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc) đang quay lưng chống lại nhau và không ai được an toàn".

Ngày 3/9 tới, khi đón tiếp các nhân vật quyền lực như là Tổng thống Nga Vladimir Putin trên hàng ghế danh dự tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Tập Cận Bình sẽ vẫn phải thể hiện phong thái điềm tĩnh của người lãnh đạo như thường lệ. Với 12.000 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và 1.000 quân nhân đến từ các quốc gia khác, cuộc duyệt binh tại lễ kỷ niệm sẽ trở thành một màn trình diễn sức mạnh mà cả Bắc Kinh và Moskva đều biết làm thế nào để thể hiện một cách hoàn hảo nhất.

Theo "The Sunday Times"

Hùng Sơn (gt)