Ấn Độ và Việt Nam đang thúc đẩy mở rộng quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược được xây dựng dựa trên quan hệ gần gũi đặc biệt kể từ khi được thiết lập hơn 50 năm trước.

Thời gian gần đây, sự liên hệ chính trị tăng cường đã được phản ánh qua một vài chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước. Sự liên kết kinh tế và thương mại tiếp tục gia tăng. Sự chủ động của Ấn Độ trong chính sách hướng đông kết hợp với sự gia tăng can dự của Việt Nam với khu vực và Ấn Độ đã mang lại những lợi ích lớn, thiết thực.

Như là một phần của sự lớn mạnh quan hệ đối tác chiến lược, Công ty dầu khí OVL, thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã quyết định không rời khỏi các lô dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông mà còn gia hạn giấy phép khai thác lần thứ 3 tại lô 128 để duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Lô dầu này nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và Trung Quốc năm 2011 đã cảnh báo các hoạt động khai thác của OVL là phi pháp và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tuy vậy, Công ty OVL vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác dầu khí của mình và việc gia hạn lần này được nhìn nhận như là nỗ lực của Ấn Độ khẳng định sự hiện diện tại khu vực nơi Trung Quốc đang thể hiện sự hiếu chiến. Bên cạnh đó, Công ty OVL tiếp tục sở hữu 45 % của lô dầu khí 06.1 của Việt Nam.

Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam được đánh dấu bằng sự gia tăng can dự kinh tế và thương mại và Ấn Độ hiện nằm trong tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương Ấn-Việt đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua, đạt mức 8 tỷ USD trong năm tài chính 2013-2014, đã sớm vượt mức 7 tỷ USD năm 2015. Hai bên đã nhất trí đạt mức thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ có 93 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong khi Việt Nam có 3 dự án đầu tư tại Ấn Độ trị giá 12,6 triệu USD. Công ty Tata Power của Ấn Độ đã giành được hợp đồng xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá 1,8 tỷ USD tại Sóc Trăng, một dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam tính đến nay. Bên cạnh đó, các công ty của Ấn Độ cũng đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin,v.v.

Quốc phòng là một lĩnh vực khác của quan hệ đối tác chiến lược đang lớn mạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã thăm Ấn Độ từ 23-26/5/2015 và hai bên đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung 5 năm cho hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015-2020 và ký MoU hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang hợp tác để giúp các lực lượng vũ trang Việt Nam xây dựng khả năng quân sự, nhất là hải quân với các lĩnh vực hợp tác bao gồm huấn luyện, sửa chữa và hỗ trợ bảo dưỡng, trao đổi giữa các viện nghiên cứu và các chuyến ghé thăm cảng.

Ấn Độ và Việt Nam sẽ đồng chủ trì nhóm chuyên gia làm việc chung về gỡ mìn nhân đạo trong khuôn khổ diễn đàn ADMM+. Bốn tàu chiến Ấn Độ, trong đó có tàu khu trục tàng hình bản địa INS Satpura và tàu chở dầu INS Shakti với 1200 sĩ quan và thủy thủ đã thăm cảng Đà Nẵng từ 6-10/6/2013. Tàu khu trục tàng hình đa chức năng bản địa INS Shivalik đã thăm cảng Hải Phòng từ 5-8/8/2014 và tàu Samudra Pehredar của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã thăm cảng Đà Nẵng từ 14-16/10/2014.

Hai bên cũng đã ký thỏa thuận tín dụng trị giá 100 triệu USD tháng 9/2014 về việc mua sắm quốc phòng. Thêm vào đó, Ấn Độ đã đề nghị thảo luận về khoản tín dụng 300 triệu USD cho lĩnh vực dệt may. Ấn Độ cũng đã đồng ý xem xét khoản tín dựng vay riêng lên tới 100 triệu USD cho Việt Nam mua thẻ bảo hiểm xuất khẩu quốc gia.

Theo The Economic Times

Văn Cường (gt)