Tuần này, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được sự đồng thuận sau 5 năm đàm phán. Song điều đáng chú ý là thỏa thuận này không có sự góp mặt của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các cuộc đàm phán TPP khi được công bố lần đầu tiên đã vấp phải sự hoài nghi lớn từ phía Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại này được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cao cũng đúng vào lúc chính quyền này lớn tiếng tuyên bố thực hiện chiến lược “xoay trục sang châu Á”. Quan điểm đó đã có phần dịu bớt trong những năm qua, với việc Bắc Kinh chấp nhận thái độ “chờ xem sao” đối với thỏa thuận thương mại này, song hiện vẫn có những quan ngại rằng TPP là một phần chiến lược “kiềm chế Trung Quốc” của Mỹ.

Tuy nhiên, chính thức thì Trung Quốc giữ thái độ khá trung lập đối với TPP. Phản ứng trước bản thỏa thuận vừa được công bố, Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Trung Quốc “luôn có một thái độ cởi mở với việc xây dựng các hệ thống phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Phát ngôn viên này nói thêm rằng TPP là một trong số những thỏa thuận thương mại quan trọng trong khu vực, và Trung Quốc hi vọng thỏa thuận này sẽ giúp đẩy mạnh các kế hoạch liên quan tới các thỏa thuận thương mại khu vực khác.

Trung Quốc chắc chắn đang nghĩ tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận tự do thương mại với sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Về mặt nào đó, đây có thể coi là câu trả lời của Trung Quốc về RCEP – và Bắc Kinh sẽ rất muốn RCEP được hoàn tất càng sớm càng tốt.

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ hi vọng rằng các cuộc đàm phán RCEP sẽ kết thúc trong năm 2015. Việc hoàn tất TPP càng khiến Bắc Kinh hướng tới mục tiêu này. Việc có sự trùng lặp các thành viên tham gia hai thỏa thuận này – hơn một nửa thành viên TPP cũng sẽ tham gia RCEP – sẽ giúp hạn chế các tác động tiêu cực cho Trung Quốc.

Những tác động tiêu cực đó là gì? Để dự đoán được tác động kinh tế của một thỏa thuận thương mại tự do là một điều phức tạp, song Trung Quốc phải phần nào chịu sự sụt giảm tăng trưởng do đứng ngoài TPP. Một nghiên cứu năm 2012 do Peter A. Petri thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Michael G. Plummer thuộc Đại học Johns Hopkins dự đoán Trung Quốc sẽ mất khoản doanh thu khoảng 47 tỷ USD (theo tỷ giá năm 2007) từ TPP, và mức tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ thấp hơn 0,3% so với mức dự kiến khi chưa có TPP. Đó không hẳn là một cú đòn chí tử đánh vào Trung Quốc song là tin chẳng tốt lành gì khi đà tăng trưởng hiện nay của nước này đang yếu dần.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đưa ra một cái nhìn sơ lược của riêng hãng này về TPP, trong đó bao gồm các tác động kinh tế có thể có đối với Trung Quốc. Theo đó, Tân Hoa Xã thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ chịu tác động tiêu cực “ở mức độ nào đó”. Song Tân Hoa Xã cho rằng trong dài hạn, không một khu vực thương mại tự do nào có thể đóng cửa đối với các nước không phải là thành viên của hệ thống thương mại quốc tế này mà không “hạn chế lớn” tới sự phát triển của chính khu vực này.

Điều đó dường như là để lập luận rằng TPP thực sự không thể không có Trung Quốc. Chính Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong tuần đã phát biểu rằng “nếu Trung Quốc trong tương lai tham gia TPP thì điều đó sẽ có ý nghĩa chiến lược quan trọng”.

Tân Hoa Xã cũng cho rằng Trung Quốc đã thể hiện một mô hình mở cửa “vững chắc, rộng rãi và toàn diện” với dẫn chứng là các thỏa thuận thương mại tự do mới với Hàn Quốc và Úc, RCEP và dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, mặc dù Trung Quốc chưa tham gia TPP, song có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách tham gia “vào một thời điểm thích hợp” trong tương lai.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)