Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn vừa kêu gọi đồng bào mình chuẩn bị “chiến tranh nhân dân” trên biển để bảo vệ chủ quyền đất nước. Mọi người đều cho rằng lời lẽ hiếu chiến như vậy có liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Dư luận cho rằng tuyên bố này có liên quan đến phản ứng của Trung Quốc về phán quyết của Toà án The Hague về các đảo tranh chấp. Ngày 12/7, Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague ra phán quyết việc Trung Quốc không có căn cứ gì để khẳng định chủ quyền đối với các đảo thuộc về Philippines. Đáp lại, báo chí Trung Quốc gọi Tòa The Hague là bù nhìn của các lực lượng bên ngoài, còn Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng các đảo này đã luôn luôn là một bộ phận không tách rời của Trung Quốc và đã được người Trung Quốc thể hiện trên các bản đồ cổ.

Điểm quan trọng nhất là số lượng những phát biểu hiếu chiến của Bắc Kinh đang gia tăng từng ngày, không chỉ về các đảo tranh chấp mà còn đối với Nhật Bản, Mỹ và việc bố trí tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD ở Hàn Quốc. Thực tế thì Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh của họ và cảnh báo về những hậu quả đối với các hành động của các nước láng giềng. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh Đông Nam Á tiến hành công kích Trung Quốc. Vì thế mà tình hình đang không ngừng nóng lên.

Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc về “chiến tranh nhân dân” rõ ràng đang dẫn tới một cuộc xung đột lớn mà ít ai mong muốn nhưng lại không thể tránh khỏi. Một mặt, Trung Quốc tuyên bố chống việc quốc tế hóa cuộc xung đột, lôi kéo các nước khác tham gia, mặt khác, Bắc Kinh đã ám chỉ rằng họ nhận được sự ủng hộ của Nga về vấn đề các đảo tranh chấp để tạo dư luận quốc tế. Phán quyết của Tòa án là phía bên kia của việc quốc tế hóa xung đột. Hiện nay, Trung Quốc không thể không phản ứng khi tình hình kinh tế - xã hội của nước này ngày càng xấu đi. Trung Quốc muốn sử dụng nhân tố bên ngoài để kích động tinh thần yêu nước của người dân trong nước. Tuy nhiên, không ai muốn nổ ra một cuộc chiến thực sự. Bất kỳ động thái quân sự nào tại khu vực đảo tranh chấp sẽ kéo Trung Quốc tụt lùi nhiều năm và buộc họ phải thay đổi hoàn toàn chính sách thời bình sang trạng thái thời chiến. Các nước Đông Nam Á, nhất là Philippines và Việt Nam có liên quan tới cuộc xung đột, tất nhiên không cần chiến tranh. Đồng thời, các đối thủ tiềm năng lại là các đối tác thương mại lớn mà Bắc Kinh không sẵn sàng chấp nhận từ bỏ. Trung Quốc muốn thể hiện mình là một cường quốc quân sự ngang tầm với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến và có khả năng giải quyết các cuộc xung đột kéo dài, nhất là xung đột rất lâu dài trên Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khó có thể dẫn đến chiến tranh, nhưng nó làm cho tình hình trong khu vực xấu đi nghiêm trọng, nhất là trước thềm Hội nghị G-20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới, nơi giải quyết các vấn đề kinh tế.

Thứ hai, Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề Ucraina, đặc biệt là cách thức giải quyết và phản ứng của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc muốn có một hành động nào đó tương tự để chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình là một người cứng rắn. Tuy nhiên, nỗ lực lặp lại những kinh nghiệm của Nga có thể dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài.

Có khả năng xung đột trên Biển Đông sẽ mở đầu cho Thế chiến III, mặc dù ở mức rất nhỏ. Dù thế, không nước nào mong muốn cuộc chiến này. Trong khu vực, không một quốc gia nào có các phức hợp quân sự - công nghiệp đủ lớn. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ cuộc xung đột, nhưng sẽ bất lợi cho các nước khu vực Đông Nam Á, nhất là về mặt kinh tế. Hiện nay, các bên đang dẫn dắt dư luận về khả năng chiến tranh, từ đó đưa tới xung đột hạn chế, thúc đẩy Trung Quốc tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự lớn trên các đảo, nhất là bố trí các tên lửa chiến thuật tầm ngắn và tầm trung, và phản ứng trả đũa của các nước…

Philippines có thể cầu viện Mỹ bảo vệ, khi đó xung đột sẽ xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây là khả năng không quá tệ và Nga sẽ phải đứng trước những lựa chọn rất khó khăn. Một mặt, Nga tránh để không bị lôi cuốn vào xung đột, mặt khác, việc tăng cường hợp tác kỹ thuật - quân sự với Trung Quốc buộc Nga phải đứng về phía Bắc Kinh, nhưng sẽ không có hậu quả tích cực. Hiện nay, Nga giữ thái độ trung lập, song nước này đang đứng trước tình thế rất khó khăn do Trung Quốc đang đòi Nga có hành động kiên quyết và dứt khoát.

Phó Tiến sỹ Andrey Ivanov, phóng viên chuyên về các vấn đề Đối ngoại và Kinh tế thế giới thuộc Svabodnaya Pressa. Bài viết được đăng trên Svabodnaya Pressa.

Thúy Bình (gt)