Sau mấy thế kỷ khó khăn, Trung Quốc đang cố gắng tìm lại vị trí của mình trên thế giới. Mỹ nên phản ứng như thế nào?

Một bộ phận ở cả Bắc Kinh và Washington đang có một nhận định đáng báo động: Trong vài năm nữa, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về quy mô (trên cơ sở sức mua, kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ). Quân đội Trung Quốc, mặc dù chưa so được với Mỹ, nhưng đang phát triển nhanh chóng về sức mạnh; trong bất cứ cuộc chiến nào ở Đông Á, Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế. Vì vậy, mọi người đều kết luận rằng sự kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi và sẽ dẫn đến đối đầu, thậm chí xung đột. Nhiệm vụ của ngoại giao trong những thập kỷ tới là nhằm đảm bảo rằng một thảm kịch như vậy sẽ không xảy ra. Nhưng vấn đề là làm như thế nào?

Số một thế giới

Một số người thuộc phái diều hâu phương Tây xem Trung Quốc là mối đe dọa xét về mọi góc cạnh: Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang chiếm lĩnh châu Phi; Chính phủ Trung Quốc bao che cho những nhà độc tài tại các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc; nhu cầu bất tận về tài nguyên gây hại môi trường. May mắn là có ít bằng chứng cho thấy một nỗ lực toàn cầu của Trung Quốc nhằm đảo lộn trật tự thế giới.

Chỉ có một ngoại lệ lớn là ở Đông và Đông Bắc Á - nơi tập trung của cải, sự năng động và dân cư lớn nhất thế giới. Tại đây, các phát biểu và hành động đều cho thấy Trung Quốc không hài lòng với sen đầm quốc tế Mỹ. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc là trung tâm của vạn vật, là mặt trời để các vương quốc Châu Á quay xung quanh. Ngày nay, trật tự do Mỹ đứng đầu tại Tây Thái Bình Dương khiến Trung Quốc không hài lòng. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Trung Quốc sẽ sớm trở nên giầu có và đủ mạnh để giành lại vị trí số một ở Đông Á.

Việc Trung Quốc triển khai tàu và máy bay để tranh giành quyền kiểm soát với Nhật đối với các hòn đảo ở Đông Hải, chiếm bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và đưa giàn khoan vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế đã báo động khu vực. Một số nhà chiến lược cho rằng Mỹ chỉ có thể duy trì hòa bình nếu Mỹ cứng rắn đối với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Một số khác thì cho rằng Mỹ nên chia sẻ quyền lực ở Đông Á trước khi sự kình địch dẫn đến thảm họa.

Mỹ không thể bỏ đi mà không để lại những hậu quả đối với khu vực và cả vị thế của Mỹ. Kể từ sau Thế chiến II, an ninh của Mỹ là nền tảng cho sự thịnh vượng của Châu Á. Ngay cả Việt Nam, một cựu thù của Mỹ, cũng rõ ràng hơn bao giờ hết là muốn Mỹ đảm bảo và duy trì sự hiện diện của mình.

Nếu chối bỏ thực tế về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ chỉ khuyến khích Trung Quốc phá bỏ thế giới hiện nay. Ngược lại, nếu Trung Quốc có thể thịnh vượng trong hệ thống (hiện nay) Trung Quốc sẽ củng cố nó. Đối với một cường quốc đã khẳng định vị thế, việc tìm kiếm sự yên bình mới với một cường quốc đang nổi lên là rất khó bởi vì bất kỳ sự thích ứng nào cũng trông giống như là sự thoái lui. Mỹ nên hành xử theo 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, Mỹ chỉ nên hứa nếu có thể giữ lời. Một mặt, sẽ là ngớ ngẩn nếu Mỹ vẽ ra giới hạn đỏ xung quanh các bãi đá ngầm ở Biển Đông. Mặt khác, nếu Mỹ đã quyết định thì các đồng minh cần phải biết rằng họ có thể trông cậy vào đó.

Thứ hai, ngay cả trong vấn đề an ninh, Mỹ cũng cần phải để ra khoảng trống. Việc Trung Quốc tham dự vào cuộc tập trận hải quân RIMPAC ngoài khơi Hawaii là sự khởi đầu. Mỹ nên tránh một cuộc chiến kiểu chiến tranh lạnh để tìm kiếm sự trung thành của các cường quốc khu vực.

Cuối cùng, Mỹ sẽ thấy dễ dàng hơn khi mời Trung Quốc tham gia các dự án mới hơn là mời tham gia vào các cơ chế cũ. Thật là vô nghĩa nếu Mỹ thành lập khu vực mậu dịch tự do lớn nhất khu vực, Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, mà không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất khu vực. Và cũng không có lý do gì mà không hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ.

Hãy để rồng cùng tham gia

Tại sao Trung Quốc lại hài lòng với sự can dự nhiều hơn khi mà Trung Quốc đang tìm kiếm vị trí độc tôn? Sẽ không có gì đảm bảo cho điều này. Hiện giờ những phát biểu từ Bắc Kinh đều manh tính chiến tranh lạnh. Một Trung Quốc nhạy cảm hiểu rằng Trung Quốc đang đối mặt với những kiềm chế - Trung Quốc cần thị trường phương Tây, các nước láng giềng không muốn chấp nhận quyền lực ở khu vực của Trung Quốc và trong nhiều năm nữa Mỹ vẫn đủ mạnh cả về quân sự và ngoại giao để ngăn cản Trung Quốc. Đưa Trung Quốc vào một cơ chế khu vực được tăng cường sẽ không phải là thừa nhận Trung Quốc là số một hay từ bỏ trật tự tự do đã phục vụ tốt cả Mỹ và Châu Á. Có thể nó không có tác dụng nhưng trước nguy cơ lớn về sự kình địch, rất đáng phải thử xem.

 

Theo The Economist

Văn Cường (gt)