Scarborough.jpg

 Bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon của Philippines chỉ 124 hải lý có thể là nhân tố then chốt trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Mùa Xuân năm 2012, tàu của Trung Quốc và Philippines từng đụng độ tại bãi cạn này. Washington khi đó đã đứng ra làm trung gian thúc đẩy thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila với yêu cầu hai bên rút lực lượng của mình. Thực tế chỉ có Philippines chấp hành điều khoản trong thỏa thuận, và Trung Quốc nghiễm nhiên chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough, vốn từ lâu được xem là một phần của Phillippines song Trung Quốc tuyên bố là nằm trong phạm vi “Đường 9 đoạn”. Washington không gây áp lực để đảm bảo thỏa thuận mà họ đã đứng ra dàn xếp, và nguyên nhân có thể là để tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính sự im lặng của Nhà Trắng lại khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Trung Quốc sau đó từng bước gây hấn và gia tăng sức ép ở nhiều vùng biển khác như Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) hay quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông thuộc quyền quản lý của chính quyền Nhật Bản. Nói một cách ngắn gọn, những e ngại của chính quyền tại Mỹ đã vô tình “bật đèn xanh” cho Trung Quốc có thêm những hành động khiêu khích hơn, và khiến các đồng minh không khỏi đặt dấu hỏi về vai trò lãnh đạo của Washington.

Một trong những hệ quả từ chính sách thiếu cương quyết của Mỹ là ảnh hưởng từ phía Trung Quốc đối với Philippines ngày càng trở nên mạnh mẽ và thậm chí còn có thể vượt Mỹ, quốc gia duy nhất cam kết đảm bảo an ninh cho quốc gia này.

Xét từ tầm ảnh hưởng và thái độ ngày càng quyết đoán, những phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với hải trình của USS Hopper hoàn toàn là điều dễ hiểu. Truyền thông thân Chính quyền Trung Quốc một mặt lặp lại những tuyên bố bảo vệ chủ quyền “không thể chối cãi”, mặt khác lại dùng những ngôn ngữ khiêu khích để lên án Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn cầu, thuộc Nhân dân Nhật báo, cho rằng nếu không thay đổi cách hành xử, Washington sẽ trở thành “kẻ cướp biển cô độc” và “chịu đựng sự mất thể diện”.

Như thường lệ, Washington phản ứng một cách rất kiềm chế. Người phát ngôn Lầu Năm Góc là Trung tá Christopher Logan không trực tiếp đề cập tới hoạt động của tàu USS Hopper mà chỉ nhấn mạnh rằng “mọi hoạt động đều được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và nhằm thể hiện rằng Mỹ sẽ đưa tàu biển, máy bay và hoạt động tại bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Giới hoạch định chính sách Washington cũng có nhắc tới tàu USS Hopper song cũng ở mức rất kiềm chế. Một “quan chức Mỹ” được dẫn lời nói rằng đó là một hoạt động “đi lại vô hại” chứ không phải một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải. Điều này cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana “hợp tình hợp lý” đưa ra tuyên bố ủng hộ hoạt động của hải quân Mỹ, hoạt động không bị xem là xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Tuy nhiên, USS Hopper có thể không hoạt động tại vùng biển nhạy cảm này nếu Manila toàn quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough. Nguyên nhân chính rõ ràng là Trung Quốc. Anders Corr, tác giả cuốn sách vừa xuất bản “Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea” bình luận: “Mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là từng bước mở rộng yêu sách biển với phạm vi tương đương diện tích của Ấn Độ”, và trước tham vọng này, những hoạt động “đi lại vô hại” sẽ chỉ càng phản tác dụng.

James Holmes, một chuyên gia hiện công tác tại Đại học Hải chiến Mỹ, trong một bức thư điện tử gửi cho National Interest viết rằng: “Nếu cho rằng việc USS Hopper di chuyển gần Bãi cạn Scarborough chỉ là ‘đi lại vô hại’ thì người ta sẽ vô hình chung phủ nhận ý nghĩa của các chiến dịch tự do hàng hải, cụ thể ở đây là thừa nhận Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại bãi cạn này, và đó là cơ sở để thiết lập một vùng chủ quyền 12 hải lý xung quanh đó”.

Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ đã liên tục khẳng định các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải xung quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ chỉ là “đi lại vô hại” để tránh kích động Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều không may là chiến lược này lại đem đến những kết quả không như trông đợi.

Chính quyền Trump đang thay đổi cách tiếp cận mềm dẻo trong suốt 4 thập kỷ qua đối với Trung Quốc. Sự “chuyển hướng” này được thể hiện rõ ràng trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng lần lượt được công bố hồi tháng 12/2017 và ngày 19/1 vừa qua. Trong những tuyên bố chính sách quy mô này, Trung Quốc đều được miêu tả rõ là một đối thủ của Washington.

Mọi thay đổi lịch sử về mặt chính sách sẽ cần rất nhiều năm để có thể đi vào hiện thực, song theo James Fanell, cựu quan chức tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, hai chiến lược mới rõ ràng là nhằm “thách thức chủ nghĩa bành trướng quá mức của Bắc Kinh”. Trong khi đó, thực tế là giới chức Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ hoạt động của tàu USS Hopper, song phản ứng gay gắt của họ có thể là dấu hiệu cho thấy cường quốc này đã sẵn sàng đối đầu trực diện với Mỹ.

Theo “National interest

Mỹ Anh (gt)