Việc CNOOC muốn mua công ty Nexen của Canada với giá 15 tỉ USD nếu thành công sẽ là vụ thu mua lớn nhất do công ty TQ thực hiện kể từ khi chiến dịch đầu tư ra bên ngoài được khởi xướng năm 2005.

Thương vụ này khớp với mô thức đầu tư của TQ. Thứ nhất là ưu tiên vào năng lượng. Theo Dự án Theo dõi Đầu tư Toàn cầu của TQ (China Global Investment Tracker) của Quỹ Heritage, đầu tư vào năng lượng chiếm hơn 50% tổng số đầu tư của TQ ra bên ngoài kể từ nửa cuối 2009.

Thứ hai là TQ mở rộng dần theo địa lý, vào Australia giai đoạn 2006-2007, tiểu vùng sa mạc Sahara sau đó và Nam Mỹ từ 2010 - 2011. Tuy nhiên sau một thời gian tiếp cận, tính hấp dẫn của các dự án giảm dần và sự phản đối của sở tại gia tăng do đó các công ty TQ bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác và ban đầu nhắm tới Châu Âu nhưng đến nay tình hình cho thấy thị trường tiềm năng là Bắc Mỹ. Tính đến tháng 6/2012, Mỹ dẫn đầu nhưng kể từ sau thương vụ này thì Canada sẽ trở thành nước dẫn đầu.

Thứ ba, các công ty nhà nước chiếm phần lớn lượng đầu tư ra bên ngoài, tới 90% tổng vốn đầu tư, trong đó 3 công ty lớn nhất là Công ty dầu khí quốc gia TQ (CNP), Sinopec và CNOOC (là công ty dầu khí nhỏ nhất, độc quyền về phát triển dầu khí ngoài khơi).

Thứ tư, TQ sẵn sàng trả giá cao. Giáo chào của CNOOC cao hơn gấp rưỡi giá cổ phiếu của Nexen một ngày trước đó và đây không phải là lần đầu tiên.

Thứ năm, thương vụ này, cũng như các thương vụ trước đó, bị phản đối từ quốc gia sở tại và ngay cả ở nơi khác. Tổng giá trị các giao dịch không thành kể từ 2005 là hơn 150 tỉ USD, trong đó nổi tiếng nhất là CNOOC mua không thành Unocal mặc dù trả tới 18 tỉ USD. Có thể nói khoản đầu tư 16 tỉ USD mà CNOOC muốn mua Nexen là khoản tiền mà CNOOC muốn tiêu 7 năm nay.

Thương vụ này sẽ có tác động sâu rộng. Về mặt chính sách, vụ việc này cho thấy việc ngăn cản vụ Unocal năm 2005 là một sai lầm. Như trường hợp Nexen, việc CNOOC tìm cách mua Unocal là một giao dịch tự do. Việc chính phủ Mỹ phản đối chỉ khiến cho CNOOC đi đầu tư ở nơi khác, cùng với các công ty dầu khí anh chị lớn hơn và các công ty TQ trong các lĩnh vực khác. Việc Mỹ tham gia vào đầu tư từ TQ bị ngừng lại một vài năm và TQ do đó đi tìm dầu khí ở nơi khác mà Mỹ không muốn như Iran.

Một điều khác là nếu Mỹ muốn tác động tới việc TQ tham gia vào thị trường năng lượng quốc tế, Mỹ không nên phản đối giao dịch Nexen. Chính phủ Mỹ đã đúng khi không khuyến khích TQ đầu tư vào các nơi như Venezuela, Sudan, v.v. nhưng ngoài những nơi đó thì TQ có thể đầu tư ở đâu. Do đó, một quốc gia (như Canada) tôn trọng giao dịch quốc tế, có một hệ thống giám sát mạnh và là một đồng minh thân cận của Mỹ là sự thay thế hợp lý nhất.

Cũng phải thấy là ở đây có sự hoán đổi vị trí. TQ vốn ghen tị với thành công của Mỹ trong việc đa dạnh hóa nguồn sử dụng năng lượng từ lệ thuộc vào dầu lửa Trung Đông. Thương vụ mua Nexen, vốn sở hữu nhiều nguồn nhiêu liệu hóa thạch trên thế giới là cách để TQ hướng tới mục tiêu này. Trong khi đó, Mỹ đang làm trệch hướng phát triển quan hệ gần gũi hơn với Canada khi để trò chơi chính trị cản trở dự án xây dựng đường ống Keystone XL. Việc Bắc Kinh sẵn sàng trả giá cao cho các tài sản ở vùng sâu vùng xa có thể không phải là quyết định đầu tư đúng đắn nhưng trái ngược với thái độ phản đối của chính quyền Obama cản trở nước Mỹ tiếp cận tới các tài sản năng lượng ngay liền kề.

Từ góc độ an ninh, TQ một lần nữa thể hiện khả năng cải tiến cơ sở kỹ thuật của mình thông qua việc mua từ bên ngoài. Nexen có kinh nghiệm về khai thác dầu cát, khoan xa bờ và hệ thống hút, chứa, trung chuyển trên biển. Việc CNOOC mua Nexen sẽ nâng cao năng lực của CNOOC và trong lĩnh vực khai thác dầu cát sẽ giúp nâng cao năng lực của 2 công ty dầu khí lớn khác của TQ.

Do đó, mặc dù không có tác động an ninh trực tiếp, về lâu dài nhiều khả năng việc này sẽ tác động tới an ninh khu vực. Cụ thể là việc phát triển các khu dự trữ dầu ở Biển Đông hiện đang lệ thuộc vào các công ty tư nhân nắm công nghệ khoan xa bờ. Một khi CNOOC làm chủ công nghệ khoan xa bờ của Nexen, CNOOC sẽ có thêm khả năng thực hiện các dự án khó hơn trên Biển Đông. Bên cạnh việc khai thác ngay gần lục địa TQ, cùng với sự gia tăng hiện diện về quân sự ở khu vực thì việc này sẽ dẫn tới khả năng TQ càng gia tăng mạnh hơn kiểm soát ở khu vực. Điều này không có nghĩa là Mỹ nên cản trở thương vụ Nexen mà lại chính là lý do để Mỹ gia tăng hiện diện ở Biển Đông để làm rõ thông điệp với TQ là Mỹ đứng về phía đồng minh của mình.

Cả Chính quyền và Quốc hội không nên phản đối công khai vụ mua Nexen của CNOOC hoặc gây sức ép riêng đối với Canada để chặn đứng thương vụ này.

Mỹ nên giám sát các hoạt động khai thác dầu của TQ tại Biển Đông, yêu cầu làm rõ các đòi hỏi của TQ tại khu vực này và ủng hộ bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc đối với các bên trong vùng lãnh thổ tranh chấp, trước khi các doanh nghiệp TQ thuộc sở hữu nhà nước tiến hành các hoạt động thúc đẩy toan tính tại khu vực này.

Phù hợp với thẩm quyền quy định thương mại với các quốc gia khác, Quốc hội Mỹ nên công nhận lập luận của Bộ Ngoại giao, đó là Kestone XL sẽ không có đe dọa về môi trường và cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu.

Mỹ và thế giới sẽ hưởng lợi từ đầu tư năng lượng giữa các nền kinh tế thị trường. Việc TQ đầu tư vào Canada là một phần của xu hướng này và nên được hoan nghênh, song song với việc giám sát việc TQ ứng dụng công nghệ có được vào các khu vực nhạy cảm trên thế giới.

TS. Derek Scissors là nghiên cứu viên cao cấp về Chính sách Kinh tế Châu Á và Dean Cheng là nghiên cứu viên về Chính trị Trung Quốc và Các vấn đề An ninh, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Quỹ Heritage

Theo The Heritage Foundation

Trần Quang (gt)